MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN ĐANG ĐẶT RA HIỆN NAY VỀ CƠ CHẾ "MỘT CỬA"

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước địa phương (Quan thực tiễn tỉnh Bắc Giang) (Trang 28 - 34)

"MỘT CỬA"

Ngày nay, vấn đề "một cửa" đã không còn lạ lẫm đối với mọi người như cách đây khoảng 10 năm trở về trước. Trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, như: Phát thanh - truyền hình, báo, internet… đều nhắc đến "một cửa" - cơ chế để giải quyết yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính ở nước ta.

Thể hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai đều nêu rõ thế nào là "một cửa" cũng như các vấn đề liên quan đến cơ chế này để đảm bảo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cơ chế "một cửa" được định nghĩa "là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) thuộc

trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước".

Cơ chế "một cửa" được hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nhằm thay thế cho cơ chế nhiều cửa trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan công quyền với công dân và tổ chức; giữa các cơ quan công quyền với nhau.

Trước đây, tổ chức, công dân phải đi lại nhiều lần, đến một hoặc nhiều cơ quan để liên hệ giải quyết công việc của mình. Nay với cơ chế "một cửa", tổ chức, công dân chỉ phải đến liên hệ tại một nơi, việc phối hợp giải quyết công việc của tổ chức, công dân thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước. Qua thời gian tổ chức triển khai và tổng kết thực hiện cơ chế "một cửa", cho thấy hiệu quả cụ thể như sau:

Giảm phiền hà cho tổ chức, công dân khi có yêu cầu giải quyết công việc tại cơ quan hành chính nhà nước. Giảm bớt việc tiếp xúc giữa công dân, tổ chức có nhu cầu về giao dịch hành chính với nhiều cơ quan công quyền.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, sách nhiễu của cơ quan công quyền cũng như cán bộ, công chức được ủy quyền. Góp phần chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức. Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao chất lượng công vụ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Giảm bớt những khâu trùng lặp do phải qua nhiều cửa mới đến được một cửa, qua đó làm rõ công đoạn, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, lặp lại, khắc phục những văn bản hướng dẫn thừa hoặc thiếu. Đảm bảo sự rõ ràng, công khai và thông suốt cho các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính.

Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân. Đổi mới cơ bản phương thức hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, trên cơ sở đó sắp xếp lại tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Việc theo dõi, giám sát tiến trình giải quyết thủ tục hành chính thông quan một đầu mối quản lý, điều hành, cũng như tăng cường được sự giám sát của người dân đối với cơ quan công quyền, cán bộ, công chức.

Tiết kiệm công sức và chi phí của công dân, tổ chức và các cơ quan nhà nước thông quan việc giảm số lượng đầu mối giao tiếp của cơ chế nhiều cửa thành một đầu mối duy nhất.

Như vậy, việc thực hiện cơ chế "một cửa" nhằm đạt được bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, tổ chức, giảm phiền hà, chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả các công việc liên quan đến quyền con người.

Theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, trong quá trình tổ chức triển khai cơ chế "một cửa" phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật.

Công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

Nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.

Đảm bảo sự phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận, cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân [16].

Tuy vậy, trên thực tế, việc thực hiện cơ chế "một cửa" có thể dẫn tới làm thay đổi quy định pháp luật về thủ tục hành chính, như rút ngắn thời hạn giải quyết công việc. Nhưng bản thân điều này không phải là thể chế mà chỉ là cơ sở thực tế để xác lập thể chế. Các yếu tố cấu thành quan trọng của thủ tục hành chính thực hiện quyền con người, như xác định các cơ quan tiến hành thủ tục, xác định các nhân tố pháp lý được hình thành xuất phát từ yêu cầu của quản lý, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, đặc điểm của vụ việc được giải quyết mà không bị chi phối bởi tổ chức thực hiện đó.

Cơ chế "một cửa" được đề ra đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Quyết định số 366/HĐBT ngày 7/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ thẩm định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Sau khi tổng kết, nhận thấy tính hiệu quả của cơ chế này, ngày 04/9/2003 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các lĩnh vực được thực hiện là: tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: phê duyệt các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, xét duyệt cấp vốn xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, cho thuê đất, giải quyết chính sách xã hội; tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng và chính sách xã hội; tại xã, phường, thị trấn: xây dựng nhà ở, đất đai, hộ tịch, chứng thực. Ngoài các lĩnh vực trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế ở

địa phương quyết định lựa chọn thêm một số lĩnh vực công tác khác để áp dụng cơ chế "một cửa".

Nhằm đẩy mạnh và phát huy những hiệu quả của cơ chế "một cửa" trong giải quyết các yêu cẩu của các cá nhân và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Theo đó, việc triển khai cơ chế "một cửa" tiếp tục được thực hiện trong giải quyết các công việc liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cụ thể là: Văn phòng Ủy ban nhân dân, các sở và cơ quan tương đương (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã); Các cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt tại địa phương của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ngoài ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chưa triển khai cơ chế một cửa tại một số huyện đảo có dân số ít, số lượng giao dịch công việc của tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính ít và tại các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Với những kết quả qua thời gian triển khai cơ chế "một cửa", có thể xem cơ chế "một cửa" là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình cải cách thủ tục hành chính thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân, là nhân tố mới của quá trình đó. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần có biện pháp tháo gỡ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, như: Việc thực hiện cải cách hành chính nói chung, thủ tục hành chính nói riêng theo cơ chế "một cửa" đã làm cho hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính các cấp được cải cách một bước theo hướng gọn nhẹ,

hiệu quả, song vẫn chưa giải quyết được quy trình "một cửa" trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhau. Nghĩa là vẫn còn bị ngắt quãng từ khâu quận, huyện, sở, ngành hoặc giữa các sở, ngành với nhau hoặc giữa các quận, huyện, sở, ngành với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Người dân hoặc tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính vẫn phải qua nhiều cửa do phải tự chuyển hồ sơ sau khi đã giải quyết xong hồ sơ ở một cấp; đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính đã có chuyển biến cả về chất và lượng trong những năm gần đây, song trên thực tế vẫn còn một lượng lớn cán bộ, công chức chưa đảm bảo được phong cách lề lối làm việc, trong khi đó mô hình hoạt động của các cơ quan hành chính theo cơ chế mới đòi hỏi cán bộ, công chức phải không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với công việc, tu dưỡng đạo đức, ý thức trách nhiệm cao mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Có thể coi đây là một khó khăn lớn làm giảm hiệu quả của việc triển khai công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước địa phương (Quan thực tiễn tỉnh Bắc Giang) (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)