Hiện nay chưa có nhiều nhà phân phối chuyên nghiệp đứng ra tiêu thụ hàng hóa của các nhà sản xuất. Siêu thị hiện nay phải làm việc với rất nhiều nhà cung cấp khác nhau, từ 2000 – 3000 nhà cung cấp. Những vấn đề trên gây mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.
Mối quan hệ giữa siêu thị và nhà cung cấp hiện nay chưa thật sự gắn kết. Các nhà sản xuất phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thực tế hiện nay cho thấy hầu hết các nhà sản xuất đều muốn hàng hóa của mình chen chân vào siêu thị vì siêu thị là nơi hấp dẫn người tiêu dùng hơn các chợ, cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên mối quan hệ giữa nhà cung cấp và siêu thị hiện nay diễn ra theo chiều hướng nhà cung cấp cần đến siêu thị nhiều hơn là siêu thị cần nhà cung cấp. Siêu thị có thể dùng vị thế vượt trội để tác động đến các nhà cung ứng hàng hóa theo bốn phương thức sau:
1. Ép buộc phải mua: mặc dù nhà cung cấp không muốn mua nhưng DN phân phối có thể trừ vào số tiền trả cho nhà cung cấp, xảy ra khi DN bán lẻ lớn muốn bán hàng tồn kho cho các nhà cung cấp.
2. Ép buộc để hưởng lợi: DN bán lẻ có thể ép nhà cung cấp phải chịu một số chi phí bằng tiền, bằng hàng hoá hoặc dịch vụ. Ví dụ: trả chi phí quảng cáo hoặc chi phí vận chuyển tới người tiêu dùng mà lẽ ra doanh nghiệp bán lẻ phải trả, đòi suất chiết khấu cao…
3. Đưa ra những điều kiện bất lợi: doanh nghiệp bán lẻ có thể đưa ra những điều kiện mua bán bất lợi hoặc đùn đẩy những việc bất lợi cho nhà cung cấp trong quá trình thực hiện giao dịch. Ví dụ: thanh toán chậm hoặc trả lại sản phẩm mà không cần bất kỳ lý do nào.
4. Can thiệp vào việc quản lý: Họ có thể gây sức ép lên hoạt động quản lý của doanh nghiệp cung cấp bằng cách hạn chế khối lượng sản phẩm, đặt ra những yêu cầu về sử dụng lao động, môi trường làm việc…