Đây là mất quốc tịch phụ thuộc vào ý chí của người xin thôi quốc tịch. Nguyên nhân là họ có quốc tịch nước ngoài, định cư ở nước ngoài…nên họ xin thôi quốc tịch cũ để thuận tiện cho việc nhập quốc tịch mới hoặc cho việc làm ăn, sinh sống ở nước ngoài hoặc do yêu cầu của quốc gia mà người này xin nhập quốc tịch buộc thôi quốc tịch Việt Nam. Theo khoản 1 Điều 24 luật quốc tịch Việt Nam 1998 quy định “công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam”. Nhưng không phải tất cả các trường hợp xin thôi quốc tịch đều được chấp nhận.
Những trường hợp sau đây thì không được thôi quốc tịch Việt Nam:
- Đang nợ thuế nhà nước hoặc một nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc đối với công dân Việt Nam.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Chưa chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án Việt Nam.
- Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc xin thôi quốc tịch làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
- Cán bộ, công chức và người đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân không được thôi quốc tịch Việt Nam.
Với các quy định trên là nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng việc thôi quốc tịch làm phương hại đến lợi ích quốc gia, chống phá Việt Nam hay để không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước hay đối với công dân.
Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam:
Thủ tục gồm 04 bộ hồ sơ, (người đang ở nước ngoài 03 bộ )
- Đơn của người xin thôi quốc tịch: Đối với cá nhân (mẫu TP/QT-1999-C.1a); đối với gia đình (mẫu TP/QT-1999-C1.b)
- Bản khai lý lịch ( mẫu TP/QT-1999-C1.b)
- Bản sao giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh đương sự đang có quốc tịch nước ngoài (đối với người đang có quốc tịch ngoài); Giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người đang xin nhập quốc tịch nước ngoài), trừ khi pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này.
- Giấy xác nhận không nợ thuế nhà nước do Cục thuế, nơi đương sự thường trú cấp..
- Giấy xác nhận đối với những người trước đây là công chức, lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu chưa quá 5 năm về tình trạng không gây phương hại đến lợi ích quốc gia khi thôi quốc tịch.
- Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp.
- Giấy xác nhận của Sở Giáo dục về việc đã bồi hoàn kinh phí Nhà nước, kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ.
- Nếu là người đang ở nước ngoài thì giấy xác nhận đã hoàn trả kinh phí Nhà nước do cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam nơi cư trú của đương sự cấp. - Thời gian giải quyết: thời gian 60 ngày, đối với những trường hợp không phải
thẩm tra về nhân thân thì thời hạn là 30 ngày. - Lệ phí: 2.000.000 VND/01 trường hợp.
Nhưng trường hợp trong hồ sơ thôi quốc tịch kèm theo con của đương sự là trẻ chưa thành niên (thôi quốc tịch Việt Nam cùng với cha mẹ), thì cần kèm theo văn bản đồng ý cho con thôi quốc tịch Việt Nam. Nếu đứa trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của trẻ đó.
Những đối tượng thuộc diện được miễn xác minh nhân thân nói trên cần phải nộp thêm các giấy tờ để chứng minh.
Để tiện xác minh và đảm bảo chính xác về nhân thân, họ tên trong đơn, lý lịch trích ngang... phải là tên ghi chính xác trên giấy khai sinh; nếu đã làm thủ tục thay đổi tên thì đó là tên theo quyết định cho thay đổi họ tên của Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh. Họ tên phải ghi bằng tiếng Việt.