Đơn vị: triệu đồng
2.6.2. Những hạn chế.
Mặc dù công tác thẩm định đã có những chuyển biến theo chiều hướng tốt, tuy nhiên để có được những quyết định kịp thời và chính xác thì vẫn còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục.
a. Nguồn thông tin về dự án cung cấp cho phòng thẩm định còn chưa chính xác và kịp thời.
Tính chính xác và kịp thời của thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng trong thẩm định. Thực chất thẩm định là kiểm tra, đánh giá và dự đoán dựa
trên những thông tin đã có. Vì vậy với thông tin sai lệch sẽ dẫn đến hậu quả là đưa ra kết quả không chính xác và cuối cùng là đi đến quyết định sai lầm.
Hiện nay nguồn thông tin về dự án hầu hết là do doanh nghiệp cung cấp. Những thông tin này mang tính một chiều nên khó đánh giá chính xác về dự án. Khi doanh nghiệp xin vay vốn tất nhiên họ sẽ muốn ngân hàng cho vay, do vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ chỉ muốn cung cấp những thông tin thuận lợi.
Ngoài những hồ sơ mà khách hàng cung cấp, cán bộ thẩm định cũng tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp và đi thực tế để lấy thêm thông tin. Tuy nhiên hình thức này cũng chỉ là phỏng vấn người đại diện của bên đi vay. Do đó hầu như không thu được thêm nhiều thông tin khác so với hồ sơ.
Ngân hàng có thể lấy thêm thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng( CIC) của ngân hàng nhà nước nhưng cũng chỉ là thông tin về doanh nghiệp còn về dự án thì thường không được cập nhật.
Hiện nay việc lưu trữ thông tin ở ngân hàng cũng hạn chế nên nhiều khi có những dự án xây dựng ở nhiều giai đoạn , vay vốn nhiều lần nhưng mỗi lần vay ngân hàng đều phải thẩm định lại từ đầu. Tại đây cũng chưa có một phòng chức năng nào chuyên trách việc thu thập và lưu trữ thông tin phục vụ cho công tác thẩm định.
b.Đối với một số dự án, nội dung và phương pháp thẩm định còn sơ sài.
Hiệu quả của dự án được thể hiện bằng hệ thống các chỉ tiêu như NPV, IRR, T, B/C… nhưng ngân hàng thường chỉ quan tâm chủ yếu đến NPV và IRR thôi. Các chỉ tiêu tính toán được chỉ dưới dạng liệt kê mà chưa có sự phân tích, so sánh liên kết một cách khoa học. Cũng chưa có sự đối chiếu với tiêu chuẩn của ngành và của nền kinh tế.
Quyết định cho vay của ngân hàng còn dựa vào tài sản bảo đảm nên đôi khi thẩm định còn sơ sài, mang tính hình thức. Nhiều khi khách hàng vay vốn
là những khách hàng thân thiết nên ngân hàng chỉ dựa vào quan hệ tín dụng trong quá khứ để cho vay còn dự án đầu tư thì chỉ được xem xét đại khái.
Thẩm định hiệu quả dự án mới chỉ ở trạng thái tĩnh, chưa đánh giá được sự biến động của dự án. Phân tích độ nhạy cũng chỉ trong phạm vi một yếu tố biến đổi trong khi đó xây lắp là lĩnh vực có nhiều biến động phức tạp. Đánh giá rủi ro có thể xảy ra với dự án còn chưa hiệu quả, chưa sử dụng các mô hình phân tích rủi ro.
Mặc dù trong quy trình thẩm định đưa ra rất nhiều nội dung, nhưng trong quá trình thực hiện thì một số nội dung không được xem xét đến hoặc chỉ được đề cập rất ít như trong việc phân tích thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án còn khá sơ sài không đủ để đánh giá chính xác thị trường mục tiêu, những khó khăn trong việc tiêu thụ.
Có rất nhiều phương pháp thẩm định mà ngân hàng có thể áp dụng linh hoạt nhưng thực tế thì chủ yếu ngân hàng sử dụng phương pháp thẩm định theo trình tự. Đối với nhiều dự án có tính chất phức tạp thì nếu chỉ đơn thuần áp dụng phương pháp này thì không thực sự hiệu quả.
c. Xây dựng dòng tiền chưa hợp lý.
Khi xây dựng dòng tiền, việc tính toán vốn đầu tư ban đầu chưa hợp lý. Đối với các dự án xây dựng thì vốn đầu tư ban đầu là rất lớn nhưng lại không tập trung ở một thời điểm mà rải rác theo tiến độ thi công nên nếu tính tất cả vào một năm là không hợp lý. Ngân hàng cần xem xét thời gian giải ngân của mình để quy đổi vốn đầu tư cho phù hợp. Có như vậy thì mới đảm bảo rằng vốn đầu tư bỏ ra ở năm 0 thực tế là bao nhiêu. Thẩm định tổng vốn đầu tư ban đầu là rất quan trọng vì nó không chỉ tính toán mức vốn mà dự án phải bỏ ra mà còn giúp ngân hàng xác định được mức tài trợ cần thiết.
Dòng chi phí của dự án không đánh giá sát với thực tế. Chi phí xây dựng các công trình bao gồm chi phí nhân công, chi phí vật liệu, máy thi
công, chi phí quản lý…nhưng các chi phí này ở các thời điểm khác nhau thì được tính toán khác nhau. Đặc biệt là các chi phí biến đổi như giá cả của vật liệu xây dựng, nhiên liệu, điện… luôn biến động theo thị trường và bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Phần lớn cán bộ thẩm định mới chỉ quan tâm đến những chi phí trực tiếp mà chưa để ý đến những chi phí gián tiếp như các chi phí quản lý phân bổ cho dự án.
Đặc biệt là cán bộ thẩm định thường bỏ qua giá trị còn lại của dự án. Nó ảnh hưởng nhiều đến việc tính toán các chỉ tiêu hiệu quả sau này vì làm sai lệch dòng tiền. Đối với các doanh nghiệp xây lắp thì dòng thu hồi từ tài sản cố định vào năm cuối là khá lớn. Khoản thu này là từ các máy móc thi công công trình.
d. Trang thiết bị của ngân hàng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới.
Mặc dù như đã nói ở trên ngân hàng cũng đầu tư mua sắm nâng cấp điều kiện cho các phòng làm việc. Tuy nhiên những trang thiết bị hiện có của ngân hàng chưa thể thỏa mãn là một ngân hàng hiện đại. Trong phòng đảm bảo mỗi người một máy tính nhưng chỉ có một số máy được quy định kết nối internet vì ngân hàng sợ việc truy cập có thể dẫn đến khả năng máy tính bị nhiễm virút ảnh hưởng đến dữ liệu của ngân hàng. Điều này làm giảm sự nhanh nhậy trong thu thập thông tin.
e. Khâu tổ chức và quản lý thẩm định chưa khoa học.
Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa phòng tín dụng và phòng thẩm định. Trong ngân hàng có hai phòng cùng thực hiện công tác thẩm định là phòng thẩm định và phòng tín dụng. Tuy nhiên sự phối hợp này chưa được thực hiện tốt. Bởi vì phòng tín dụng sẽ cung cấp những thông tin về dự án cho phòng thẩm định nhưng hai phòng lại có những đánh giá hoàn toàn độc lập, không có sự trao đổi thảo luận trong quá trình làm việc. Mỗi phòng đứng trên
quan điểm khác nhau để đánh giá dự án. Thẩm định là công việc khó đòi hỏi sự liên kết trong toàn hệ thống ngân hàng. Trong công tác thẩm định sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu có những trao đổi thường xuyên thì chắc chắn những kết luận đưa ra tăng thêm độ chính xác. Thực chất hiện nay cả hai phòng cùng làm công việc thẩm định là không hợp lý vì như vậy chỉ có theo chiều rộng mà không theo chiều sâu. Nên tốt nhất ngân hàng nên tập trung vào một đầu mối và tạo ra sự liên kết giữa đầu mối đó với các phòng khác trong hệ thống.
Hiện nay ngân hàng chưa có một nguồn kinh phí nào để thanh toán cho những chi phí phát sinh trong công tác thẩm định. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực xây lắp muốn thẩm định tốt cần có những thông tin về nhiều lĩnh vực như luật đất đai, luật xây dựng, luật đấu thầu… mỗi dự án khác nhau được thiết kế và xây dựng riêng, vì vậy chi phí phát sinh theo sẽ khác nhau. Nguồn kinh phí thẩm định hiện nay chỉ là trả lương cho cán bộ, những khoản chi phí khác như mua thông tin và đi lại thì cán bộ tự chi. Với kinh phí như vậy thì khó có thể đảm bảo tốt cho chất lượng thẩm định.