Các nội dung chính cần xem xét, đánh giá gồm có:
• Đánh giá tổng quan về nhu cầu sản phẩm của dự án:
+ Phân tích quan hệ cung cầu đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án. + Định dạng sản phẩm của dự án.
+ Đặc tính nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án. Tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ thay thế đến thời điểm thẩm định.
+ Xác định tổng nhu cầu hiện tại và dự đoán nhu cầu tương lai đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án; ước tính mực tiêu thụ gia tăng hàng năm của thị trường nội địa và khả năng xuất khẩu sản phẩm dự án trong đó lưu ý liên hệ với mực gia tăng trong quá khứ, khả năng sản phẩm của dự án có thể bị thay thế bởi các sản phẩm khác có cùng công dụng.
Trên cơ sở phân tích quan hệ cung cầu thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án, đưa ra nhận xét về thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án, nhận định về sự cần thiết và tính hợp lý của dự án đầu tư trên các phương diện như:
o Sự cần thiết phải đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
o Sự hợp lý của quy mô đầu tư, cơ cấu sản phẩm.
o Sự hợp lý về việc triển khai thực hiện đầu tư.
• Đánh giá về cung cầu sản phẩm :
+ Xác định năng lực sản xuất, cung cấp, đáp ứng nhu cầu trong nước hiện tại của sản phẩm dự án như thế nào? Các nhà sản xuất trong đã đáp ứng được bao nhiêu %? Phải nhập khẩu bao nhiêu? Việc nhập khẩu là do trong nước chưa đáp ứng được hay nhập khẩu có ưu thế cạnh tranh hơn?
+ Dự đoán biến động của thị trường tương lai khi có dự án khác, đối tượng khác cùng tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ đầu ra của dự án.
+ Số lượng nhập khẩu trong những năm qua? Dự kiến khả năng nhập khẩu trong thời gian tới.
+ Dự đoán ảnh hưởng của các chính sách xuất- nhập khẩu khi Việt Nam tham gia với các nước khu vực và quốc tế đến thị trường sản phẩm của dự án.
+ Đưa ra số liệu dự kiến về tổng cung, tốc độ tăng trưởng về tổng cung sản phẩm, dịch vụ.
• Thị trường mục tiêu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm dự án: Để đánh giá về khả năng đạt được các mục tiêu thị trường, cán bộ thẩm định cần thẩm định khả năng cạnh tranh của sản phẩm dự án đối với:
+ Thị trường nội địa:
o Hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm của dự án so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường như thế nào? Có ưu điểm gì không?
o Sản phẩm có phù hợp với thị hiếu của người tiêu thụ, xu hướng tiêu dùng hay không?
o Giá cả sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường như thế nào? Có phù hợp với xu hướng thu nhập, khả năng tiêu thụ hay không?
+ Thị trường nước ngoài:
o Sản phẩm có khả năng đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn để xuất khẩu hay không? ( chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…)
o Quy cách, chất lượng, mẫu mã, giá cả có những ưu thế gì so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường dự kiến xuất khẩu?
o Thị trường dự kiến có bị hạn chế bởi kim ngạch không?
o Sản phẩm cùng loại của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường xuất khẩu dự kiến chưa? Kết quả như thế nào?
+ Sản phẩm của dự án dự kiến được tiêu thụ theo phương thức nào? cần có hệ thống phân phối hay không?
+ Mạng lưới phân phối của sản phẩm dự án đã được xác lập hay chưa? Mạng lưới phân phối có phù hợp với đặc điểm của thị trường hay không? Cán bộ thẩm định cần phải ước tính được chi phí thiết lập mạng lưới phân phối khi tính toán hiệu quả của dự án.
+ Phương thức bán hàng trả chậm hay trả ngay để dự kiến các khoản phải thu khi tính toán nhu cầu vốn lưu động ở phần tính hiệu quả của dự án.
+ Nếu việc tiêu thụ chỉ dựa vào một số đơn vị phân phối thì cần có nhận định xem có thể xảy ra việc bị ép giá hay không?
• Đánh giá, dự kiến khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án:
Trên cơ sở đánh giá thị trường tiêu thụ, công suất thiết kế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm dự án, cán bộ thẩm định phải đưa ra được dự kiến về khả năng sản phẩm của dự án sau khi đi vào hoạt động theo các chỉ tiêu chính sau:
+ Số lượng sản xuất, tiêu thụ hàng năm, sự thay đổi cơ cấu sản phẩm nếu dự án có nhiều loại sản phẩm.
+ Diễn biến giá bán sản phẩm, dịch vụ đầu ra hàng năm.
Việc dự đoán này làm cơ sở cho việc tính toán, đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.