CÁC BIẾN ĐƯỢC CHỌN VÀ LÝ DO CHỌN BIẾN

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và hiệu quả sử dụng vốn vay của nông hộ ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.doc (Trang 38 - 41)

Việc tiếp cận tín dụng có thể chịu tác động bới các yếu tố như giá trị tài sản của hộ, diện tích đất mà hộ nắm giữ, số diện tích đất có bằng đỏ, giới tính của chủ hộ, tuổi của chủ hộ, trình độ học vấn, việc có quen biết hoặc có người thân làm trong tổ chức tín dụng, có chức vụ trong làng xã, có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội trong làng xã, thu nhập và chi tiêu trung bình hàng năm của hộ, số thành viên trong hộ, số người phụ thuộc trong hộ. Mỗi yếu tố có thể tác động khác nhau đến khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Lý do chọn các biến trên để nghiên cứu được giải thích

- Tài sản của hộ là biến độc lập đo lường giá trị tài sản của hộ về mặt tiền tệ sau khi trả nợ. Những hộ có giá trị tài sản càng cao thì có khả năng vay được tín dụng bởi vì họ có khả năng đảm bảo được các rủi ro cho Ngân hàng nhiều hơn khi họ đem tài sản của họ thế chấp cho Ngân hàng khi vay.

- Thu nhập và chi tiêu trung bình hằng năm của hộ: Có thể thấy rằng những hộ có thu nhập cao thì ít có nhu cầu vay vốn bởi vì nguồn thu nhập của họ có thể đảm bảo được các khoản chi trong trong gia đình. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy những hộ có chi tiêu cao thường có xu hướng vay tiền nhiều hơn (theo Dương và Izumido, 2002).

- Diện tích đất của hộ nắm giữ, được đo bằng 1.000m2. Biến này bao gồm cả đất ruộng, đất vườn, diện tích căn nhà và các loại đất khác. Đất có thể được sử dụng để thế chấp vay vốn từ nguồn chính thức. Hộ có diện tích đất càng lớn thì càng có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng.

- Giới tính của chủ hộ: Biến này là biến giả với giá trị 1 có nghĩa chủ hộ là nam giới và giá trị 0 có nghĩa chủ hộ là nữ giới. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ không thích vay tiền từ các tổ chức tín dụng chính thức, thay vào đó, họ thường thích vay tiền từ các chương trình tín dụng dành cho phụ nữ (theo Đạt, 1998).

- Tuổi tác của chủ hộ: Tuổi của chủ hộ càng cao thì chủ hộ càng có tài xoay sở, kinh nghiệm, có nhiều tiếng tâm và càng có nhiều trách nhiệm trong gia đình. Vì thế tuổi của chủ hộ càng lớn thì họ càng đồng tình trong việc tiếp cận vay vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức. Ngược lại, những người trẻ tuổi thường có khuynh hướng tiêu dùng nhiều hơn tiết kiệm, do đó họ thường đi vay mượn từ nguồn khác nhiều hơn. Theo kết quả nghiên cứu thì các chủ hộ trẻ tuổi khó có thể vay vốn bởi vì họ ít có tiếng tâm và thiếu kinh nghiệm (theo Trang, 2003).

- Trình độ học vấn: được hiểu là số năm đến trường của chủ hộ. Những chủ hộ có trình độ học vấn càng cao thì khả năng tính toán đầu tư hiệu quả hơn và khả năng đem lại thu nhập cũng cao hơn. Theo một nghiên cứu cho thấy những chủ hộ có trình độ học vấn càng cao thì khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của họ nhiều hơn (theo Nguyễn, 2001)

- Hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội trong làng xã: Đây là biến giả, biến này nhân giá trị 1 có nghĩa là hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội và ngược lại thì nhận giá trị 0. Thông thường, những hộ có tham gia nhiều tổ chức kinh tế xã hội sẽ có nhiều quen biết và được nhiều người biết đến, bên cạnh đó, khi họ tham gia các tổ chức này thì họ có thể có khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức cao hơn so với những hộ không tham gia. Lý giải vấn đề này như sau: hộ tham gia tổ chức kinh tế xã hội thì hộ có thể vay tiền thông qua các tổ chức này vì các tổ chức này có thể đại diện cho một nhóm thành viên nào đó xin vay tiền thông qua uy tín và tiếng tâm của tổ chức trong xã hội.

- Hộ có mục đích xin vay sản xuất: Đây cũng là biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ xin vay tiền phục vụ cho mục đích sản xuất và nhận giá trị 0 nếu hộ xin vay vì các mục đích khác. Những hộ vay tiền với mục đích sản xuất có khả năng nhận được lượng vốn vay nhiều hơn so với những hộ xin vay với mục đích khác. Vì hộ vay với mục đích sản xuất thì họ sẽ sử dụng số tiền vay được vào sản xuất và ít có trường hợp họ sẽ sử dụng số tiền vay vào mục đích khác. Khi họ đầu tư tiền vào sản xuất nhiều thì thu nhập từ các khoản đầu tư: trồng lúa, chăn nuôi, sản xuất khác có thể đem lại lợi nhuận cao và họ có thể trả được lãi và tiền vay. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chính thức như Ngân hàng ít cho vay tiêu dùng hay các mục đích khác đối với nông hộ vì vay tiêu dùng hay mục đích khác thì họ sẽ khó có khả năng trả nợ và lãi, nếu có cho vay với những mục đích khác thì giá trị món vay cũng thường nhỏ.

- Số người phụ thuộc trong hộ: Đây là những thành viên ngoài độ tuổi lao động trong các hộ gia đình, lứa tuổi này bao gồm những người dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi. Số người phụ thuộc trong hộ càng nhiều thì khả năng tiếp cận tín dụng cũng như lượng vốn vay từ nguồn tín dụng chính thức sẽ thấp.

- Đất có bằng đỏ: Đây là biến giả. Biến này nhận giá trị bằng 1 nếu hộ có bằng đỏ, ngược lại hộ không có bằng đỏ thì biến này nhận giá trị 0. Những hộ có bằng đỏ quyền sử dụng đất có thể thế chấp nó để vay vốn từ ngân hàng. Thêm vào đó, ta có thể khẳng định rằng những hộ có bằng đỏ quyền sử dụng đất thì càng dễ tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

- Quy mô của hộ (số thành viên trong hộ): Số thành viên trong hộ càng đông thì chi tiêu của hộ càng cao dẫn đến nhu cầu vay vốn của hộ cũng cao. Tuy nhiên, những hộ có nhiều thành viên cuộc sống thường khó khăn hơn so với những hộ ít thành viên, do đó tuy họ có nhu cầu vay vốn nhưng do cuộc sống khó khăn nên họ có thể khó có khả năng tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thức. Theo nghiên cứu của Okurut được thực hiện năm 2006 ở Mỹ cho thấy số thành viên trong hộ có tác động tốt đến khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Hà được thực hiện năm 1999 ở Việt Nam lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại. Do đó, quy mô của hộ có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của hộ như thế nào vẫn chưa có thể kết luận được. Biến này sẽ được xem xét việc tác động đến khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức một lần nữa trong mô hình nghiên cứu này.

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và hiệu quả sử dụng vốn vay của nông hộ ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.doc (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(68 trang)
w