MÔ HÌNH TOBIT XÁC ĐỊNH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và hiệu quả sử dụng vốn vay của nông hộ ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.doc (Trang 48 - 51)

LƯỢNG VỐN VAY CỦA NÔNG HỘ Ở HUYỆN THỐT NỐT

Bảng 4.7: Kết quả hồi qui mô hình Tobit về lượng vốn vay từ nguồn tín dụng chính thức Biến Hệ số góc Giá trị P Taisan 0,0025 0,360 Thunhap 0,0014 0,521 Chitieu** 0,1102 0,041 Tongdtdat -60,2285 0,761 Gtinhchuho 2.557,3710 0,457 Tuoichuho 69,5162 0,255 Tieuhoc -1.179,4720 0,383 Cothamgia* -2.950,1440 0,081 Vaysanxuat*** 16.183,0100 0,000 Phuthuoc* -1.179,9670 0,072 Cobangdo* -3.390,8630 0,100 Constant (hệ số chặn)** -12.844,6200 0,021 Tổng số quan sát 46 Số quan sát dương 28

Giá trị log của hàm gần đúng -267,3315

Giá trị kiểm định chi bình phương 78,94

Xác suất lớn hơn giá trị chi bình phương 0,0000

Ghi chú: * Có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 10%, ** Có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 5%, *** Có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 1%

4.5.1. Nhận xét chung về kết quả phương trình hồi qui thu được

Giá trị kiểm định gần đúng bác bỏ giả thuyết H0 cho rằng tất cả các hệ số của hàm hồi qui đều bằng 0, trừ hệ số chặn. Điều này có thể thấy cụ thể là xác suất lớn hơn giá trị kiểm định là 0,0000. Kết quả này chứng minh sự phù hợp của mô hình đối với vấn đề nghiên cứu.

Bảng 4.7 trình bày kết quả hồi qui của mô hình Tobit về các nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay của nông hộ. Qua kết quả hồi qui, ta thấy mô hình có 5 biến có ý nghĩa thống kê ở các mức ý nghĩa khác nhau từ 10% đến 1%. Trong đó, có 1 biến có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% đó là biến hộ có mục đích xin vay phục vụ cho sản xuất, 1 biến có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5% đó là biến chi tiêu trung bình của hộ và 2 biến có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10% bao gồm các biến chủ hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội trong làng xã, số thành viên phụ thuộc trong hộ và 1 biến có thể có hoặc không có ý nghĩa thống kê trong mô hình Tobit đó là biến hộ có bằng đỏ quyền sử dụng đất, vì biến này có giá trị P = 0,100. Tuy nhiên, trong mô hình Tobit, các hệ số hồi qui không phản ánh trực tiếp sự thay đổi của lượng vốn vay khi một biến giải thích nào đó thay đổi khi giữ nguyên các yếu tố khác không đổi. Do đó, đề tài này chủ yếu tập trung phân tích về mặt định tính nhiều hơn so với việc phân tích về mặt định lượng để giải thích sự tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc của mô hình hồi qui.

4.5.2. Nhận xét các biến nghiên cứu- Chi tiêu trung bình của hộ - Chi tiêu trung bình của hộ

Biến có ý nghĩa thống kê khác 0 đầu tiên trong mô hình là chi tiêu trung bình của hộ với mức ý nghĩa 5%, với dấu cùng với dấu kỳ vọng mang dấu dương. Điều này có nghĩa là những hộ chi tiêu trung bình cao thì lượng vốn mà họ vay được từ nguồn tín dụng chính thức sẽ cao, cụ thể nếu chi tiêu trung bình của hộ tăng 1% thì lượng vốn vay mà hộ nhận được sẽ tăng 0,1102%, khi các yếu tố khác không đổi. Kết quả này phù hợp với giả thuyết rằng khi chi tiêu của hộ gia đình tăng lên thì nông hộ sẽ có nhu cầu cao hơn về tín dụng và vì vậy họ sẽ nộp đơn và vay những khoản vay lớn hơn. Bên cạnh đó, các học thuyết kinh tế cũng cho rằng với những khoản vay lớn, nông hộ thích vay ở các tổ chức tín dụng chính thức, vì những khoản vay từ nguồn này có chi phí thấp.

- Chủ hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội:

Biến hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội trong làng xã chỉ có ý nghĩa thống kê khác 0 ở mức ý nghĩa 10%. Hộ có tham gia các tổ chức kinh tế xã hội thể hiện sự quen biết nhiều và do đó họ có thể học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các thành viên khác trong các tổ chức này, nên họ sản xuất kinh doanh có hiệu quả và tích luỹ được nhiều vốn cho các vụ sản xuất hoặc dự án kinh doanh tiếp theo. Do đó nhu cầu về lượng vốn của họ sẽ giảm. Bên cạnh đó, những hộ tham gia các tổ chức kinh tế xã hội trong làng xã thì họ có thể vay mượn tiền từ các thành viên khác trong tổ chức thông qua uy tín và sự quen biết của mình và họ cũng không phải làm các thủ tục vay tiền rườm rà, do đó nhu cầu về lượng vốn vay từ các nguồn tín dụng chính thức của hộ cũng sẽ giảm.

- Mục đích vay là sản xuất nông nghiệp

Hệ số ước lượng của biến hộ vay vốn nhằm mục đích phục vụ sản xuất có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Biến này có dấu cùng với dấu kỳ vọng và mang hệ số tự do 16.183,0100 > 0, cho thấy rằng những hộ có mục đích xin vay nhằm mục đích sản xuất thì lượng vốn mà họ vay được sẽ lớn hơn rất nhiều so với những hộ có mục đích xin vay khác. Điều này cũng hợp lý vì các ngân hàng ít khi cho vay nông hộ với các mục đích khác ngoài sản xuất, trừ những hộ là khách hàng truyền thống có uy tín.

Số thành viên phụ thuộc trong hộ cũng có ý nghĩa trong việc tác động đến lượng vốn vay từ nguồn chính thức ở mức ý nghĩa 10%. Kết quả mô hình Tobit cho thấy, khi số thành viên phụ thuộc trong hộ tăng thêm 1 thành viên thì lượng vốn mà hộ vay từ các tổ chức tín dụng chính thức sẽ giảm 1.179 ngàn đồng. Về ý nghĩa kinh tế của vấn đề này được lý giải số thành viên phụ thuộc trong hộ tăng thì các thành viên này không tham gia sản xuất mà các thành viên khác trong hộ gia đình cũng sẽ bỏ nhiều thời gian cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng các thành viên phụ thuộc này hơn. Từ đó, họ sẽ không có nhiều thời gian cho việc sản xuất nên họ sẽ giảm lượng vốn vay để tương ứng với lượng thời gian và lượng vốn cần thiết đủ cho họ có thể bỏ ra đầu tư sản xuất.

- Quyền sử dụng đất

Biến bằng đỏ quyền sử dụng đất có giá trị P = 0,100 và hệ số góc -3.390,8630 < 0, có nghĩa là biến hộ có bằng đỏ sử dụng đất và lượng vốn vay từ các tổ chức chính thức tỷ lệ nghịch với nhau. Tuy nhiên, giá trị P = 10% do đó biến này có khả năng có ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa trong mô hình hồi qui. Theo thực tế kết quả điều tra cho thấy đa số nông hộ vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội và chủ yếu là cho vay không có thế chấp tài sản, nên trong trường hợp bài nghiên cứu này biến hộ có bằng đỏ quyền sử dụng đất không có ý nghĩa trong mô hình nghiên cứu là điều hợp lý hơn so với các ý kiến khác.

- Các biến khác

Các biến khác còn lại trong mô hình Tobit không có ý nghĩa là giá trị tài sản, thu nhập trung bình năm, tổng diện tích đất của hộ, giới tính chủ hộ, tuổi chủ hộ và chủ hộ có trình độ học vấn ở cấp tiểu học. Điều này có thể được giải thích do khi xem xét lượng vốn vay, các tổ chức cho vay không quan tâm đến sự tác động của các đặc điểm này.

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và hiệu quả sử dụng vốn vay của nông hộ ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.doc (Trang 48 - 51)