Bảo hiểm tiền gửi ở Nhật Bản

Một phần của tài liệu Cac giai phap phat trien bao hiem tien gui o khu vuc dong bang song cuu long.doc (Trang 27 - 31)

Công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ) được thành lập năm 1971, với bề dày hoạt động sau 37 năm đã và đang ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của mình trong mạng an toàn tài chính Nhật Bản. Mục tiêu chính của hệ thống BHTG Nhật Bản là bảo vệ những người gửi tiền và các bên liên quan trong trường hợp tổ chức tài chính không có khả năng chi trả tiền gửi, và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua nhiều công cụ nghiệp vụ trong đó có nghiệp vụ tiếp nhận và xử lý

Thực tế trong quá trình hoạt động, DICJ đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ đối với việc tiếp nhận và xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, cùng với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính Nhật Bản, DICJ đã thực hiện tốt vai trò xử lý khủng hoảng, giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra là ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, cơ chế xử lý tổ chức tài chính bị đổ vỡ tại Nhật Bản quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và thời điểm can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền liên quan trên nguyên tắc xử lý kịp thời, chi phí tổi thiểu.

Cơ chế xử lý tổ chức tài chính bị đổ vỡ tại Nhật Bản

Ban đầu, khi hệ thống bảo hiểm tiền gửi mới được thành lập, chỉ có phương pháp chi trả bảo hiểm tiền gửi được áp dụng như là một cơ chế bảo vệ người gửi tiền khi xử lý tổ chức bị đổ vỡ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, phương pháp hỗ trợ tài chính đã được bổ sung và quy định trong Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi năm 1986.

Khi một tổ chức tài chính bị đổ vỡ, Công ty BHTG Nhật Bản sẽ tiến hành chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức đó dựa trên yêu cầu thanh toán của người gửi tiền. Nguồn chi trả sẽ được lấy từ nguồn thu phí bảo hiểm hàng năm từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Hiện nay mức bảo hiểm tối đa mà Công ty áp dụng là 10 triệu yên tổng số tiền gốc của người gửi tiền và tiền lãi của nó.

Phương pháp hỗ trợ tài chính

Xử lý đổ vỡ bằng phương pháp hỗ trợ tài chính là việc dùng một tổ chức tài chính vững mạnh (tổ chức tiếp nhận) tiếp quản các chức năng tài chính của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Việc tiếp nhận này phải đảm bảo rằng tổ chức tài chính tiếp nhận phải được tiếp nhận các tài sản có tương ứng với trách nhiệm nợ phải tiếp nhận. Nhưng trên thực tế thì hầu như trong mọi trường hợp, tài sản có và tài sản nợ của tổ chức tài chính bị đổ là không cân bằng. Vì thế, DICJ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tài chính tiếp nhận có thể tiếp quản tổ chức tài chính bị đổ vỡ với điều kiện tài sản có cân bằng với tài sản nợ bằng cách cấp số tiền tương ứng với khoản tài sản nợ vượt quá tài sản có của tổ chức tài chính bị đổ vỡ cho tổ chức tài chính tiếp nhận. Ngoài ra, đối với các khoản nợ xấu của tài sản có của tổ chức tài chính bị đổ vỡ, thủ tục bán các khoản nợ này sẽ được DICJ đảm nhận bằng cách mua lại tài sản như một phần của hoạt động hỗ trợ tài chính.

Theo các chuyên gia bảo hiểm tiền gửi của Nhật Bản, thì trong chừng mực có thể cần ưu tiên phương pháp hỗ trợ tài chính để tránh việc gây ra những tác động xấu nghiêm trọng của đổ vỡ đối với các hoạt động tài chính liên quan. Khi áp dụng phương pháp hỗ trợ tài chính, những chủ nợ thông thường bao gồm cả người gửi tiền sẽ hy vọng được thanh toán dựa trên giá trị của tài sản có tính đến các hoạt động tài chính, chứ không phải là giá trị thanh lý. Như vậy, sẽ giúp tránh được các tổn thất về kinh tế phát sinh do sự giải thể

hoàn toàn của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Ngoài ra, người gửi tiền cũng sẽ có lợi vì họ được tiếp tục bảo vệ tại tổ chức tài chính tiếp nhận và tiếp tục được hưởng lãi. Hơn nữa, khi áp dụng phương pháp hỗ trợ tài chính, DICJ cũng giảm được chi phí hơn so với trường hợp phải chi trả bảo hiểm.

Đối với các hoạt động chuyển giao toàn phần hoặc một phần hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ sang tổ chức tài chính tiếp nhận, DICJ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để thực hiện việc chuyển giao đó. Trong trường hợp chuyển giao một phần hoạt động, những tài sản có và tài sản nợ không được chuyển giao sẽ vẫn thuộc về tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Để đối xử công bằng đối với tất cả các chủ nợ của tổ chức tài chính bị đổ vỡ, DICJ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính (không hoàn lại) cho tổ chức tài chính bị đổ vỡ sau khi đã thực hiện chuyển giao nhằm đảm bảo tiền lãi cổ tức thanh lý của các chủ nợ của tổ chức tài chính bị đổ vỡ.

Ngoài ra, sau khi thực hiện hỗ trợ tài chính cho việc chuyển giao, DICJ có thể tiếp tục hỗ trợ tổ chức tài chính tiếp nhận. DICJ có thể đăng ký mua cổ phiếu ưu đãi của tổ chức tài chính tiếp nhận và các tổ chức liên quan khác khi được Hội đồng Cơ quan dịch vụ tài chính và Bộ tài chính chấp thuận. Mục đích của hoạt động này là nhằm ngăn chặn việc giảm mức độ an toàn vốn của tổ chức tiếp nhận sau do thực hiện chuyển giao. Sau khi chuyển giao, nếu các khoản vay được tiếp nhận từ tổ chức tài chính bị độ vỡ bị suy giảm giá trị vì không thể thu hồi hoàn toàn, thì tổ chức tài chính tiếp nhận sẽ phải chịu tổn thất này. DICJ sẽ có thể ký kết một thỏa thuận bồi thường một phần các tổn thất này trong một thời gian nhất định cho tổ chức tài chính tiếp nhận. Ngược lại, nếu những khoản vay này làm tăng lợi nhuận sau khi chuyển giao, thì một phần lợi nhuận đó sẽ được trả cho DICJ.

Cơ quan quản lý tài chính

Khi một tổ chức tài chính bị đổ vỡ, nhưng chưa thể thực hiện việc sáp nhập, chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh hoặc việc giải thể tổ chức tài

chính đó có thể gây nhiều trở ngại đến sự luân chuyển của luồng tiền và sự thuận tiện của người sử dụng trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của tổ chức tài chính đó, Hội đồng Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản có thể ban hành lệnh chuyển giao việc quản lý hoạt động và tài sản của tổ chức tài chính đó cho một cơ quan quản lý tài chính.

Cơ quan quản lý tài chính sẽ do Hội đồng cơ quan dịch vụ tài chính bổ nhiệm, và thuộc sự giám sát của Hội đồng. Cơ quan quản lý tài chính có trách nhiệm thực hiện một cách phù hợp việc quản lý công việc kinh doanh của tổ chức tổ chức tài chính bị đổ vỡ, thực hiện những công việc theo yêu cầu để chuyển giao lại công việc kinh doanh của tổ chức tài chính bị đổ vỡ cho tổ chức tiếp nhận. Cơ quan quản lý tài chính còn có trách nhiệm thực hiện điều tra cần thiết để làm rõ trách nhiệm gây ra đổ vỡ theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao công việc kinh doanh cho tổ chức tiếp nhận trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định quản lý và có thể được gia hạn thêm một năm khi cần thiết.

Ngân hàng bắc cầu

Theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi, khi xử lý đổ vỡ, DICJ cũng có thể thành lập Ngân hàng bắc cầu với 100% vốn của DICJ. Ngân hàng bắc cầu có nhiệm vụ chính là tiếp tục công việc kinh doanh của tổ chức tài chính bị đổ vỡ khi chưa có tổ chức tài chính tiếp nhận, thực hiện hỗ trợ tài chính để duy trì và tiếp tục các hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Tổ chức tài chính bị đổ vỡ sẽ ký kết thỏa thuận cơ sở về việc tiếp tục kinh doanh và các thoả thuận kèm theo với ngân hàng bắc cầu trước khi gửi đơn yêu cầu bắt đầu thực hiện thủ tục phục hồi dân sự sau khi xảy ra đổ vỡ. Sau đó, ngân hàng bắc cầu cung cấp hỗ trợ tài chính dưới hình thức thực hiện các nghĩa vụ, cấp tiền hoặc cho vay để duy trì và tiếp tục các giá trị kinh doanh của tổ chức tài chính bị đổ vỡ.

Một phần của tài liệu Cac giai phap phat trien bao hiem tien gui o khu vuc dong bang song cuu long.doc (Trang 27 - 31)