Phân loại TTCK Việt Nam và đánh giá

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tự do ở Việt Nam.doc (Trang 48 - 56)

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN TỰ DO Ở VIỆT NAM

2.1.3. Phân loại TTCK Việt Nam và đánh giá

Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường, TTCK VN có thể phân chia thành loại 2 thị trường:

2.1.2.1.Thị trường tập trung (Bao gồm Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội)

Ở đây các giao dịch chứng khoán được tập trung tại một địa điểm. Các lệnh được chuyển tới sàn giao dịch và tham gia vào quá trình ghép lệnh để hình thành nên giá giao dịch. Thị trường tập trung được sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ( mà trực tiếp là UBCKNN). Mọi hoạt động diễn ra trên thị trường tập trung đều chịu sự điều chỉnh của cơ quan cấp trên.

Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh : là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp, Trung tâm được Chính phủ giao một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quản lý điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán tập trung tại Việt Nam. Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quản lý và thực hiện giao dịch đối với các loại chứng khoán được UBCKNN cấp phép niêm yết. Đó là các loại cổ phiếu, trái phiếu được quy định trong Thông tư 59/2004/TT – BTC ngày 18/6/2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về niêm yết cổ phiếu và trái phiếu trên TTCK tập trung.

Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp. Biên chế của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thuộc biên chế của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. TTGDCKHN thực hiện các nội dung hoạt động sau:

- Tổ chức đấu giá cổ phần cho các doanh nghiệp : TTGDCKHN cung cấp các phương tiện để thực hiện đấu giá cổ phần, đặc biệt là cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, theo tinh thần Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về

việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần vừa được Chính phủ ban hành và thông tư số 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NÐ-CP. Trong đó quy định các doanh nghiệp khi cổ phần hoá phải bán đấu giá công khai ra bên ngoài tối thiểu 20% vốn điều lệ. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng phải tổ chức đấu giá cổ phần tại TTGDCK để thu hút người đầu tư, các trường hợp khác cũng được khuyến khích đấu giá qua TTGDCK.

-Tổ chức đấu thầu trái phiếu : TTGDCKHN tổ chức đấu thầu trái phiếu, bao gồm các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình …

-Tổ chức giao dịch chứng khoán theo cơ chế đăng ký giao dịch: thực hiện giao dịch các loại hàng hoá là : Các loại chứng khoán của các công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, chưa thực hiện niêm yết tại TTGDCKTP. HCM, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký giao dịch phải có lãi, số cổ đông tối thiểu là 50 người (kể cả trong và ngoài doanh nghiệp) ; Các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương

Như vậy, các loại chứng khoán được niêm yết và đăng kí giao dịch trên Trung tâm giao dịch chứng khoán , ngoài việc có được những sự ưu đãi cho chính mình thì cũng phải có nghĩa vụ thực hiện những điều kiện cần thiết do Trung tâm giao dịch chứng khoán yêu cầu.

2.1.2.2.Thị trường tự do

Đây là thị trường giao dịch các loại chứng khoán của các tổ chức phát hành không có đủ điều kiện niêm yết hoặc đăng kí giao dịch tại TTGCK. Đặc

biệt, giao dịch trên thị trường tự do diễn ra dưới nhiều hình thức và tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Thị trường tự do nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Nó không bảo vệ cho nhà đầu tư, không có cơ chế thị trường hiệu quả, công bằng và trật tự, cũng không có được sự minh bạch như ở các trung tâm giao dịch chứng khoán. Các quy định của TTCK không được áp dụng bên ngoài các trung tâm giao dịch chứng khoán có tổ chức, và do vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có khả năng quản lý thị trường tự do.

Nét nổi bật của thị trường này là giá cả chỉ được xác định trên cơ sở thoả thuận, điều này tạo cho các nhà môi giới một quyền rất lớn trong việc định giá. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều nhà môi giới tham gia hoạt động trên thị trường này nên giá cả cũng tương đối có tính cạnh tranh, nhưng do thị trường này không được quản lý, thông tin đến với nhà đầu tư lại không đầy đủ, thậm chí nhiều khi bi méo mó, nên việc đầu tư vốn vào thị trường này còn rất “mò mẫm” và phụ thuộc nhiều vào sự may rủi.

Giá cả của chứng khoán không niêm yết do những người môi giới đưa lên trang Web để người mua và bán lựa chọn. Khi có người cần mua cổ phiếu nào đó, họ đẩy lên mạng hàng loạt rao bán cổ phiếu này với giá rẻ để gây áp lực tâm lý với người bán. Đến khi cần bán, họ lại tung hàng loạt rao mua với giá cao nhằm kéo giá thị trường. Thế là nhiều nhà đầu tư mua phải cổ phiếu giá quá cao, sau đó mới biết doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ và mình bị lừa. Rủi ro của thị trường OTC là như vậy nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “chơi” bởi họ không cưỡng nổi được “khát vọng” làm giàu. Đồng thời, cứ thấy cổ phiếu ở những lĩnh vực

“nóng” như ngân hàng, tài chính, chứng khoán là mua ngay dù giá đã cao ngất ngưởng.

Theo các chuyên gia về chứng khoán, thị trường này hấp dẫn nhà đầu tư bởi sự “tù mù”, tồn tại nhiều hình thức đầu tư, giá cổ phiếu không được niêm yết, người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau... Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường tự do tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Quy mô của thị trường tự do lớn hơn rất nhiều lần so với thị trường tập trung. Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, chỉ có chưa tới 3% đã niêm yết, như vậy có thể cho rằng một số lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp này đang được mua bán trên thị trường tự do. Mà thị trường này không được kiểm soát bởi các luật lệ chặt chẽ khiến cho thị trường này hoạt động còn lộn xộn, quyền lợi của các nhà đầu tư không được đảm bảo. Chính điều đó đã dẫn tới hoạt động môi giới trên thị trường này rất hỗn loạn, hoàn toàn không thể kiểm soát. Lo lắng chung từ phía quản lý nhà nước cũng như giới doanh nghiệp là thị trường tự do không được kiểm soát này có nguy cơ sụp đổ cao và có thể gián tiếp làm tổn hại cho thị trường chính thức mới manh nha phát triển.

Các nhà đầu tư Việt Nam bên cạnh việc đầu tư trên sàn, đầu tư vào những công ty đã niêm yết, họ còn ở trong trạng thái hứng khởi hơn với thị trường tự do của hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa mà có thể sẽ, hoặc rất có thể là không bao giờ, niêm yết trên TTCK một ngày nào đó. Các nhà đầu tư là tất cả các thành phần và đối tượng nhưng đông đảo nhất là giới công chức. Vì sao vậy? Vì đầu tư không niêm yết không đòi hỏi chặt chẽ về thời gian như TTCK đã niêm yết mà cần ở mối quan hệ bạn bè ở mức “thâm giao”.

Một phiên đấu giá gần đây tổng giá trị đã lên tới 170 triệu USD cho một công ty sản xuất cáp đồng có báo cáo tài chính đạt lợi nhuận 1,1 triệu USD trong năm vừa rồi.

Thị trường tự do là 1 dạng “chợ tự do” hợp với sở thích của nhiều đối tượng trong xã hội, dễ giao dịch, dễ làm giàu. Nhưng thị trường tự do cũng chứa đựng nguy cơ rủi ro, thất bại lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư cần trang bị một chút kiến thức về TTCK và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hay bán cổ phiếu. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực trong quản lý công bố thông tin để hạn chế những rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường này.

2.1.2.3.Những đánh giá về TTCK VN

Có thể đánh giá TTCK như một tảng băng mà ba phần nổi là thị trường niêm yết tập trung trên sàn giao dịch và bảy phần chìm là thị trường phi tập trung (thị trường tự do). Thử làm một so sánh để xem có gì khác nhau của hai thị trường này:

-Nếu thị trường niêm yết có khoảng 200 doanh nghiệp thì thị trường tự do có hơn 800 doanh nghiệp (con số thống kê của Hội thảo “Tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế- tài chính Việt Nam”). Một thống kê khác cho thấy, Việt Nam đã cổ phần hoá được 3.000 doanh nghiệp sau hơn 10 năm.

-Thị trường chính thức có tổng giá trị niêm yết của các doanh nghiệp là 3,2 tỷ USD, thì thị trường tự do ước tính là 6 tỷ USD (số liệu nghiên cứu của Tập đoàn HSBC Holdings Plc). Một ước tính khác đánh giá thị trường tự do gấp từ 3 đến 6 lần thị trường chính thức.

-Thị trường niêm yết có khoảng 70 CTCK hoạt động thì thị trường tự do có hàng trăm, hàng ngàn nhà môi giới hoạt động tự do, không cần có chứng chỉ của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Thị trường chính thức có khoảng 160.000 nhà đầu tư (tính đến tháng 3/2007), nhưng không thể tính được con số này ở thị trường tự do nơi mà ngoài cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp cổ phần thì bất kỳ ai đều có thể trở thành nhà đầu tư.

-Thị trường niêm yết chỉ có cổ phiếu, chứng chỉ qũy và trái phiếu thì thị trường tự do có thêm cổ phiếu biên lai, cổ phiếu chưa ra sổ, năm thâm niên và cổ phiếu giả...

-Thị trường niêm yết quy định chặt chẽ về việc công bố thông tin thì thị trường tự do chỉ có những tin đồn.

-Thị trường niêm yết có hàng trăm văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước thì thị trường tự do có 01 văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng.

-Các hành vi vi phạm pháp luật cũng chủ yếu diễn ra ở thị trường tự do như rửa tiền, lừa đảo, tung tin đồn…

Nếu nói thị trường niêm yết lớn (mức vốn hóa là 24 tỷ USD) thì thị trường tự do là vô cùng lớn. Nếu nhận định thị trường niêm yết còn thiếu tính minh bạch thì thị trường tự do đang không minh bạch. Khủng hoảng đối với TTCK nếu xảy ra sẽ bắt nguồn từ thị trường tự do. Để phát triển TTCK trước hết phải làm “nổi” tảng băng chìm thị trường tự do

Năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam “bùng nổ” và đã gặt hái hết thành công này đến thành công khác mặc dù cũng có lúc “sập sàn”. Dự báo năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ năm 2007 sẽ rất thuận lợi vào Việt Nam và cũng tiềm ẩn khả năng rút vốn ồ ạt chuyển ra nước ngoài khi có một “cú sốc” nào đó xảy ra ở thị trường chứng khoán trong nước.

Theo số liệu nghiên cứu của các Tập đoàn HSBC Holdings Plc, tổng giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên sàn tại Việt Nam hiện mới chỉ đạt chừng 3,2 tỉ USD, tổng giá trị các công ty giao dịch trên thị trường OTC cũng không vượt quá 6 tỉ USD. Nếu so sánh với giá trị các công ty niêm yết của Thái Lan là 138 tỉ USD thì con số này quả khiêm tốn. Tuy nhiên, với cú hích Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số tổ chức đầu tư tài chính vừa đưa ra dự báo rất lạc quan: Đó là giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự đột phá mạnh, chiếm tới 20-30% GDP của Việt Nam trong 5 năm tới, thay vì chỉ khoảng 6% như hiện nay.

Năm 2007 và 2008 sẽ có một lượng cung cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, trái phiếu chuyển đổi khổng lồ tung ra thị trường chứng khoán Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định (ngày 29-12-2006) phê duyệt danh sách 53 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2007- 2010. Bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường chứng khoán trong năm 2007. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng sẽ tiếp tục tạo ra một “cơn lốc” tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu và dự kiến đến cuối năm 2007, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ có vốn

điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. Trên thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu Chính phủ, năm 2007 sẽ có số lượng rất lớn trái phiếu của các tập đoàn phát hành như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn Dầu khí...

Theo nhận định của một số chuyên gia, tổng giá trị niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2007 sẽ tăng gấp khoảng 3 lần và đến cuối năm 2008 sẽ gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2006.

Phát biểu kết luận Hội nghị tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: Hoạt động của thị trường chứng khoán đã đi vào thế tăng trưởng, đồng thời đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của thị trường chứng khoán còn gặp những khó khăn nhất định, quy mô thị trường còn nhỏ, tính ổn định và bền vững của thị trường chưa cao, trong khi đó quá trình hội nhập cũng đặt ra những cơ hội và thách thức cho hoạt động thị trường.

Như vậy, thị trường chứng khoán năm 2007 sẽ còn mở rộng và rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư có thể tránh được rủi ro hay những cú sốc lớn, rất cần những chương trình phổ biến kiến thức về chứng khoán cho đông đảo công chúng. Ủy ban chứng khoán Nhà nước khuyến cáo mọi người hãy mua chứng khoán của tổ chức phát hành đã niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng khoán. Mọi giao dịch mua bán chứng khoán đều phải qua hệ thống tại Sở Giao dịch, Trung tâm Giao dịch chứng khoán theo phương thức khớp lệnh hoặc phương thức thỏa thuận

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tự do ở Việt Nam.doc (Trang 48 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w