0
Tải bản đầy đủ (.doc) (105 trang)

Những hạn chế trong công tác chấm điểm tín dụng và nguyên nhân

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH I – NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (2).DOC (Trang 79 -84 )

2.2.4.2.1. Hạn chế

Thứ nhất, hạn chế về nguồn và chất lượng thông tin thu thập

- Thông tin không đầy đủ

Thông tin sử dụng trong chấm điểm còn thiếu nguồn cung cấp từ bên ngoài doanh nghiệp và ngân hàng như: cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường, nhà cung cấp, khách hàng, nguồn thông tin đại chúng và các thông tin từ các chi nhánh cùng hệ thống, từ hệ thống ngân hàng khác...

- Thông tin chưa được cập nhật, bổ sung thường xuyên, có hệ thống.

Hiện nay, NHCT chỉ tiến hành chấm điểm và xếp hạng doanh nghiệp sẽ hoặc đang vay vốn. Sau khi kết thúc hợp đồng vay, nếu DN không vay trong một thời gian thì việc thu thập, cập nhật thông tin về DN đó không được thực hiện,

không được tái xét xếp hạng cho đến khi nào DN đó trở lại vay, chu trình lặp lại từ đầu. Điều này dẫn đến hậu quả là: thông tin về DN không được thu thập liên tục, không được lưu trữ có hệ thống, nên khi họ quay lại đề nghị vay, lại mất nhiều thời gian thẩm định, phân tích, chấm điểm, vừa tốn kém chi phí vừa mất cơ hội cho vay.

- Thông tin cung cấp thiếu độ tin cậy:

Trên thực tế, số lượng các doanh nghiệp cung cấp các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán không nhiều, do đó dẫn đến hiện tượng báo cáo tài chính phản ánh không trung thực với tình hình thực tế hoặc doanh nghiệp thực hiện chế độ hạch toán không đúng theo qui định, Bên cạnh đó, tình trạng một doanh nghiệp có nhiều báo cáo khác nhau về tình hình hoạt động cho các bên liên quan sử dụng thông tin (cơ quan thuế, ngân hàng, cổ đông...) theo những mục đích riêng là hiện tượng không hiếm của các DN vay vốn tại Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, hệ thống chỉ tiêu mà NHCT thiết kế dựa trên cơ sở chưa rõ ràng

Hệ thống chỉ tiêu chấm điểm tín dụng của Sở Giao Dịch I -NHCT bao gồm 11 chỉ tiêu tài chính và phân thành 4 nhóm song vẫn chưa thể phản ánh được hết tình hình tài chính cùa KH do các số liệu được lấy trong quá khứ. Mặt khác, việc thiết kế các chỉ tiêu này chưa đưa ra được mối quan hệ tương quan giữa các chỉ tiêu. Khi lựa chọn 11 chỉ tiêu tài chính để đánh giá, NH chưa đưa ra được lý giải cho lựa chọn đó. Ngoài ra, việc hướng dẫn chấm điểm đối với các chỉ tiêu phi tài chính khá trừu tượng. Điều này gây khó khăn cho công tác chấm điểm tín dụng của các CBCĐTD, đặc biệt khi họ chưa nắm vững nghiệp vụ chuyên môn có thể đem rủi ro đế cho ngân hàng.

Thứ ba, tiêu chuẩn, chuẩn mực so sánh còn nhiều bất cập

Sở Giao Dịch I chưa lý giải được cách cho điểm các chỉ tiêu tài chính dựa trên mối liên hệ so sánh nào. Nếu các chỉ tiêu trên không được so sánh với các chỉ tiêu trung bình ngành thì kết quả chấm điểm sẽ không khách quan. Bởi lẽ hiện tại, ở Việt Nam chưa có đầy đủ thông tin về các hệ số tài chính trung bình

ngành, nhóm ngành, nên việc cho điểm và xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp vay vốn tại SGD gặp những khó khăn nhất định. Thông thường, tại các nước có nền kinh tế tài chính phát triển, báo cáo tài chính của các công ty (đa số là công ty cổ phần) phải niêm yết công khai các chỉ số này tại sở giao dịch chứng khoán theo qui định.

Thứ tư, kết quả xếp hạng chưa phát huy hết tác dụng

SGD I – NHCT chưa đánh giá được tầm quan trọng của các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu chấm điểm, xếp hạng KH với từng khoản vay có thời gian khác nhau trong việc ra quyết định tín dụng. Ví dụ, đối với khoản vay trung và dài hạn, NH cần tập trung sự chú ý vào các chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lời của DN và sức chống chọi của họ trước những rủi ro có thể xảy ra. Chính các yếu tố đó mới ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và khả năng hoàn trả vốn vay cho NH trong tương lai. Ngược lại, đối với những khoản vay ngắn hạn, NH phải đặt trọng tâm vào các chỉ tiêu đo lường khả năng thanh toán ngắn hạn, tốc độ luân chuyển hàng tồn kho và các khoản phải thu. Bên cạnh đó, các khoản cho vay phải được phân biệt theo qui mô vốn vay, nhằm đảm bảo an toàn với mức chi phí phân tích chấp nhận được.

2.2.4.2.2. Nguyên nhân Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, thông tin còn hạn chế, chưa triệt để khai thác nguồn thông tin từ bên ngoài như cơ quan thuế vụ, hải quan, người cung cấp và người mua hàng...

Thực tế cho thấy, thời gian qua các nguồn thông tin nêu trên chưa được khai thác, nguyên nhân là do Sở Giao Dịch chưa thiết lập được quan hệ cung cấp thông tin lẫn nhau với các chủ thể trên. Đồng thời, về mặt pháp lý, việc cung cấp thông tin lẫn nhau chưa được qui định. Trung tâm thông tin tín dụng mới chỉ khai thác hồ sơ của khách hàng trong 2 đến 3 năm trở lại đây. Do đó, nếu muốn tìm các thông tin về doanh nghiệp trong giai đoanh 4,5 năm trở về trước gặp

nhiều khó khăn điều này ảnh hưởng đến khả năng đánh giá về doanh nghiệp khi xem xét trong một khoảng thời gian hoạt động tương đối dài.

Thứ hai, trình độ năng lực người thực hiện công tác chấm điểm tín dụng tại Sở Giao Dịch còn nhiều hạn chế.

Yêu cầu của công tác chấm điểm tín dụng và xếp hạng KH là: những thông tin thu thập được cần đầy đủ chính xác và phải được xử lý một cách độc lập, khách quan. Để đảm bảo yêu cầu này, đòi hỏi những người thiết kế các chỉ tiêu phân tích cũng như những CBCĐTD vừa phải là những chuyên gia phân tích giỏi, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm, am hiểu những lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN, thuộc ngành nghề khác nhau, nhạy bén với thông tin mới. Thực tế cho thấy phương pháp đào tạo mới đang trong quá trình hình thành, chưa hoàn thiện, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, chế độ kế toán- thống kê còn một số điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chế độ kế toán Việt Nam hiện nay đã có bước chuyển mình căn bản, thể hiện qua 10 chuẩn mực kế toán đã được ban hành trong đó có chuẩn mực số 24- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ban hành theo quyết định số 149/2001/ QĐ- BTC. Tuy nhiên việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hiện nay của Việt Nam chỉ khuyến khích các doanh nghiệp lập và sử dụng, chứ không bắt buộc. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DN đối với NHTM là công cụ quan trọng để phân tích, kiểm tra tính hợp lý của các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh, là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài chính, đánh giá khả năng thanh toán, tình hình hoạt động kinh doanh và khả năng linh động về tài chính của DN.

Về mặt thống kê, hiện nay chưa thiết kế và xác định được hệ số trung bình ngành, nhóm ngành với các chỉ tiêu tài chính nên việc phân tích tình hình tài chính của DN thiếu chuẩn mực để so sánh, đánh giá.

Thứ hai, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và hoàn thiện

Hiện nay, hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính Việt Nam chưa đồng bộ và hoàn thiện, thể hiện: chưa có quy định các điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các tổ chức chuyên nghiệp xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành công cụ nợ. Luật kế toán, thống kê, luật kiểm toán, luật thương phiếu chưa hoàn thiện và đồng bộ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý còn nặng tính hành chính, các văn bản xây dựng chậm hoặc chậm thay đổi, đôi khi không nhất quán. Điều này cũng đưa đến những khó khăn ban đầu cho việc nghiên cứu, thiết kế các chỉ tiêu, các tiêu chuẩn so sánh cho việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại.

Kết luận: Sau 3 năm triển khai hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng ngân hàng, Sở Giao Dịch I -Ngân Hàng Công Thương Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc hạn chế rủi ro tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng của Sở. Nâng cao độ tin cậy của thông tin và hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng đang là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu của Sở.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN

CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH I –


NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

3.1. Chiến lược phát triển trong hoạt động tín dụng tại Sở Giao Dịch I- Ngân Hàng Công Thương Việt trong thời gian tới

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH I – NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (2).DOC (Trang 79 -84 )

×