Các xã vùng cao thường khó khăn về mọi mặt, vì thế để thu hút được cán bộ, công chức có trình độ, chuyên môn cao về làm việc là khó khăn mà đó chỉ là giải pháp tạm thời. Xét về lâu dài thì cần phải tạo dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa có trình độ chuyên môn, có năng lực quản lý lại có những lợi thế thuận lợi trong công việc ngay trong lòng các xã vùng cao. Điều kiện kinh tế của các hộ gia đình tại các xã này phần lớn là rất khó khăn nên con em họ không có điều kiện được học hành tử tế. Thông qua hệ thống giáo dục công lập và các trường nội trú của tỉnh để chọn ra những em học sinh là người dân tộc và dân tộc thiểu số có năng khiếu, có học lực khá, giỏi để xét cho đi học cử tuyển tại các trường cao đẳng, đại học của trung ương và của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp ra trường, những bạn sinh viên này sẽ được tỉnh đưa về sắp xếp, bố trí vào các xã, huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh tuỳ theo trình độ chuyên môn và chuyên ngành đào tạo của mình. Giải pháp này không những giúp cho các xã vùng cao có được đội ngũ cán bộ, công chức là người địa phương có trình độ, năng lực quản lý tốt mà còn tạo điều kiện nâng cao trình độ, tạo điều kiện được học tập và nghiên cứu tại các trường đại học cho chính đội ngũ sinh viên là con em người dân tộc được cử đi học cử tuyển. Xét về lâu dài thì đây là một giải pháp hữu hiệu trong việc
phát triển và ổn định đội ngũ cán bộ, công chức các xã vùng cao. Tuy nhiên cũng có hạn chế trong chính sách này là đối tượng được đưa đi học tập, nghiên cứu, sau khi ra trường lại không chịu về làm việc tại các xã vùng cao, vì thế cần phải có những ràng buộc cụ thể (về tài chính) để tránh tình trạng này xảy ra.