4. Tăng trưởng kinh tế nhìn từ yếu tố đầu ra.
4.8. Tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
Sự tăng trưởng cao trong thời gian qua của VN tiềm ẩn nhiều nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái. Do quá chú trọng vào tăng trưởng kinh tế và ít chú ý tới bảo vệ môi trường, nên hiện tượng sử dụng và khai thác bừa bãi, lãng phí tài nguyên thiên nhiên đã gây nên suy thoái môi trường nghiêm trọng và làm mất cân đối các hệ sinh thái đang diễn ra phổ biến. Mức độ ô nhiễm, mức độ suy thoái và suy giảm chất lượng môi trường vẫn đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sức khỏe của con người. Các chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường,... Hậu quả nghiêm trọng là những dòng sông chết, những làng ung thư,.. gây ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người. Không thiếu những dòng sông chết như con sông Thị Vải chịu ảnh hưởng từ chất thải của công ty Vedan. Không chỉ môi trường đất, nước, mà không khí cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Phát triển kinh tế cũng đi liền với rất nhiều tiêu cực mà ô nhiễm môi trường là một trong số đó.
Công nghệ lạc hậu, yếu kém được sử dụng trong nền kinh tế hiện nay là một nguyên nhân dẫn đến hao phí và thất thoát tài nguyên. Hiện trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt không chỉ xuất phát từ yếu tố công nghệ lạc hậu, mà quan trọng hơn là việc khai thác tài nguyên, sống dựa vào tài nguyên tự nhiên vốn là một mưu sinh cho bộ phận dân cư nghèo. Có thể nói nguyên nhân cơ bản gây hủy hoại môi trường xuất phát từ áp lực kinh tế, do nhu cầu mưu sinh.
Song cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực mà tăng trưởng kinh tế đã mang lại cho việc bảo vệ môi trường. Đó là việc áp dụng những công nghệ kỹ thuật cao, sử dụng máy móc hiện đại trong việc giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp cũng như sinh hoạt.
Dù trong thời đại nào thì việc bảo vệ môi trường cũng luôn là vấn đề cấp thiết và quan trọng bậc nhất. Bởi vì, nếu môi trường sống bị hủy hoại thì gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới đời sống của con người.
Hiện nay, Quốc hội đã thông qua 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5
năm 2011 – 2015:
1. Tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. 2. Có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể.
3. Tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền.
4. Tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
5. Áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân. 6. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học. 7. Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
8. Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ; làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ.
9. Quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tóm lại, mặc dù Việt Nam đã được những thành tựu phát triển kinh tế rất đáng khích lệ trong hơn 25 năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và mức giảm nghèo khá bền vững, mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa tăng trưởng và tiến bộ về y tế và chăm sóc sức khỏe nhìn chung đã được giải quyết một cách tích cực song tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua cũng còn nhiều tiêu cực cần phải giải quyết. Đó là vấn đề tăng trưởng theo chiều rộng chưa ổn định và thể hiện nhiều hạn chế, dễ chịu tác động trước những biến động của thị trường thế giới, là sự bất bình đẳng, hố ngăn giàu nghèo (tuy thấp nhưng có xu hướng gia tăng), là giáo dục đào tạo chưa đi liền với thực tế- nhiều bất cập, là vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trước những thay đổi khó lường trước của thời tiết hiện nay,...Tiếp tục phát huy những thuận lợi, những kết quả mà chúng ta đã đạt được, đồng thời khắc phục tốt những hạn chế trên sẽ giúp nền kinh tế của nước ta phát triển một cách toàn diện và vững chắc.