Những phương hướng chung để phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng:

Một phần của tài liệu Vai trò nhà nước trong phát triển thị trường sức lao động ở thành phố Hải Phòng.DOC (Trang 75 - 83)

- Tài nguyên du lịch:

3.1.2.1. Những phương hướng chung để phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng:

ở Hải Phòng:

*. Phát triển thị trường sức lao động dựa trên cơ sở tôn trọng sự vận động theo quy luật khách quan của nó.

Thừa nhận nền kinh tế thị trường, tức là chúng ta phải thừa nhận có các loại thị trường, đồng thời phải tôn trong những quy luật vận động của từng loại thị trường, trong đó có thị trường sức lao động. Quán triệt phương hướng này, trước hết là để thống nhất về mặt nhận thức. Do đó mọi tác động của nhà nước đối với phát triển thị trường sức lao động là phải dựa trên quy luật của nó, tránh hành động duy ý chí khi tác động vào thị trường này. Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường sức lao động ở Hải Phòng đã được thừa nhận về mặt pháp lý, song những nhận thức cũ, những thành kiến và ảnh hưởng của tư duy cũ vẫn còn. Để nhà nước tác động đẩy mạnh sự phát triển của thị trường sức lao động trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian tới thì cần phải tôn trọng sự vận hành khách quan của loại thị trường này. Cụ thể là:

- Thừa nhận sự tồn tại khách quan của thị trường sức lao động và thực sự coi sức lao động là hàng hóa:

Thực hiện đường lối đổi mới và mở cửa của Đảng, Hải Phòng cùng với cả nước chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển hướng này đã làm cho các quan hệ lao động cũng chuyển hướng theo thị trường. Quan hệ thuê mướn lao động tất yếu xuất hiện. Một số người có nhu cầu thuê mướn lao động để sản xuất, đồng thời lại có một số người muốn bán sức lao động của mình. Có người mua, có người bán. Người mua, người bán sức lao động gặp nhau. Sức lao động trở thành hàng hóa. Ở nước ta, người lao động là người tự do, họ được pháp luật thừa nhận quyền tự do về thân thể, quyền tự do học hành, đi lại, cư trú, tự do lựa chọn công việc để làm, tự do sử dụng thành quả lao động của mình, tự do thỏa thuận về tiền công, tiền lương với người sử dụng sức lao động của mình. Chính những điều kiện trên đã tạo cho thị trường sức lao động ra đời nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu về sức lao động.

- Thừa nhận quy luật của thị trường sức lao động tức là thừa nhận các lực lượng tham gia thị trường đó. Lực lượng tham gia thị trường sức lao động đó là người bán sức lao động, người mua sức lao động, người môi giới và nhà nước với tư cách là lực lượng quản lý, điều tiết thị trường sức lao động. Các lực lượng này tham gia thị trường sức lao động dưới những giác độ khác nhau. Cụ thể:

+ Lực lượng cung sức lao động: Là những người có khả năng lao động, sẵn sàng tham gia vào thị trường sức lao động; luôn phải đáp ứng yêu cầu của thị trường sức lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đồng thời phải luôn chủ động, linh hoạt thích nghi với quy luật vận động của thị trường sức lao động.

Đại diện cho lực lượng cung lao động là các tổ chức công đoàn. Đây là tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động; đại diện cho người lao động thương lượng với đại biểu của phía cầu lao động trên thị trường sức lao động.

+ Lực lượng cầu sức lao động: Là những người cần thuê, mướn lao động. Họ là lực lượng chủ động và tích cực nhất trên thị trường sức lao động, có vai trò tạo việc làm và phát triển thị trường việc làm, không ngừng mở rộng cầu lao động. Họ có quyền tự do tuyển chọn lao động, bố trí công việc và trả tiền công; có quyền sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo những quy định của pháp luật.

Đại diện cho lực lượng cầu lao động là các tổ chức do chính người sử dụng lao động thành lập. Tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ quyền và những lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động và thương lượng với đại diện của lực lượng cung lao động là tổ chức công đoàn trên thị trường lao động.

+ Lực lượng môi giới trung gian: Là những người cung cấp thông tin, làm cầu nối giữa cung và cầu lao động. Thông qua lực lượng này cung và cầu lao động gặp nhau, từ đó phát sinh các quan hệ lao động, dịch chuyển cơ cấu, chất lượng lao động.

+ Lực lượng quản lý, kiểm soát, điều tiết thị trường sức lao động: Đó chính là nhà nước. Nhà nước có vai trò là người tạo khuôn khổ pháp lý, tạo hành lang an toàn, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của thị trường sức lao động; quản lý, kiểm soát và điều tiết thị trường sức lao động cho phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi địa phương cũng như toàn quốc. Đồng thời nhà nước có vai trò giải quyết các khiếm khuyết của thị trường sức lao động. Nhưng, sự can thiệp, điều tiết của nhà nước phải phù hợp với những quy luật khách quan của thị trường, mặt khác phải rất linh hoạt, nhạy bén với sự biến động của thị trường.

Như vậy, mỗi lực lượng tham gia thị trường sức lao động có vai trò, chức năng và lợi ích riêng. Vấn đề là phải thừa nhận, tôn trọng và tạo điều kiện cho các lực lượng đó tham gia thị trường sức lao động và thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, không đề cao quá mức hoặc xem nhẹ một lực lượng nào.

- Phải thừa nhận và tôn trọng nguyên tắc trao đổi ngang giá trên thị trường sức lao động, loại bỏ quan niệm lao động có nguy cơ bị bóc lột.

Theo ILO, bóc lột lao động chỉ có thể xuất hiện khi vị thế đàm phán của hai bên tham gia thị trường (người mua và người bán sức lao động) không cân xứng, thường là người lao động bị đặt vào thế yếu, thế bị động và họ không được pháp luật bảo vệ.

Ở nước ta, Bộ luật lao động đã quy định rõ ràng và cụ thể về tính bình đẳng và tự nguyện của hai lực lượng này (cung-cầu) khi tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng lao động. Quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên còn được các luật hiện hành khác bảo vệ như Luật dân sự, Luật Công đoàn, Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có sự điều tiết của nhà nước. Vì vậy, ở nước ta với hệ thống luật pháp nhất quán, với vai trò điều tiết thị trường sức lao động của nhà nước thì không thể xuất hiện tầng lớp người có đặc quyền bóc lột, cũng như không thể có người cam chịu bị bóc lột.

Do đó, trên thị trường sức lao động, người bán và người mua bình đẳng với nhau, việc mua bán được tiến hành theo nguyên tắc ngang giá. Nghĩa là người mua không thể áp đặt mức tiền công và điều kiện làm việc buộc người bán phải chấp thuận và ngược lại. Trên thị trường sức lao động, mức tiền công được quy định bởi quan hệ cung-cầu và cạnh tranh về lao động tại thời điểm đó. Nếu cung vượt quá cầu thì mức tiền công giảm và khi mức tiền công giảm thì người sử dụng lao động lại muốn thuê thêm nhiều lao động hơn, tức là cầu lao động tăng và do đó kéo theo mức tiền công tăng theo.

*. Phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng phải theo hướng phục vụ việc xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta là con đường hoàn toàn đúng đắn, mang tính khách quan đã được cả lý luận và thực tiễn chứng minh.

Trên thị trường sức lao động, sức lao động đòi hỏi phải được coi là hàng hóa thực sự, được mua bán với giá cả do giá trị sức lao động và cung- cầu sức lao động trên thị trường quyết định. Nó thúc đẩy cạnh tranh tự do. Trước yêu cầu của cạnh tranh, người lao động buộc phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, đồng thời buộc người mua phải sử dụng có hiệu quả sức lao động.

Tuy nhiên, sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường thường dẫn tới những hậu quả, những thất bại mà tự nó không thể khắc phục nổi. Cạnh tranh bao giờ cũng có mặt trái. Nếu người lao động chạy theo những ngành nghề có thu nhập cao trước mắt mà không hình dung được rằng, sau một chu kỳ, cung lao động sẽ vượt cầu, khi đó tiền lương sẽ giảm xuống, hoặc người sử dụng lao động vì mục tiêu lợi nhuận có thể gây sức ép về tiền công, điều kiện lao động và thiếu tôn trọng nhân cách của người lao động. Bên cạnh đó còn có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp tranh giành lao động bằng những thủ đoạn khác nhau …Cạnh tranh thiếu lành mạnh như vậy có thể dẫn tới sự vận động kém hiệu quả của thị trường sức lao động. Do đó, để khắc phục tình trạng này và để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường sức lao động, vấn đề tất yếu phải có sự can thiệp của nhà nước.

Phát triển thị trường sức lao động theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải bảo đảm công ăn việc làm bền vững, giảm thất nghiệp và đói nghèo; phân bổ hợp lý nguồn lao động. Tạo điều kiện để tái bố trí lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực

công nghiệp và dịch vụ, kích thích tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng lao động. Phát huy tối đa năng lực của xã hội trong việc giải quyết việc làm, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, phát triển thị trường sức lao động theo vùng và phát triển hệ thống an sinh xã hội để bảo vệ, che chắn người lao động khi gặp rủi ro trong cơ chế thị trường.

*. Phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng theo hướng nhằm khai thác, sử dụng hợp lý và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thành phố nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển thị trường sức lao động phải góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Chuyển dịch cơ cấu lao động không thể tách rời việc tối ưu hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây là hướng đi tất yếu của quá trình chuyển từ một nền sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn và là quy luật của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở những nước có nền kinh tế lạc hậu, những nước đang phát triển. Song, để tối ưu hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với khai thác có hiệu quả mọi tiền năng về tự nhiên, con người, vốn …

Hải Phòng muốn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đã định thì đòi hỏi phải có hội tụ các điều kiện, tiền đề, trong đó điều kiện về nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Phải có đủ lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề. Do đó, phát triển thị trường sức lao động phải theo hướng khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đặc biệt là tiềm năng lao động dồi dào nhằm đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong quá trình khai thác, sử dụng và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng cần phải phát triển toàn diện và bền vững. Phát triển toàn diện và tăng trưởng bền vững với tốc độ cao nhưng phải đảm bảo giữ vững môi trường sinh thái. Khắc phục tình trạng chạy theo tốc độ tăng trưởng nhanh

trên cơ sở khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Phải gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.

Như vậy, phát triển thị trường sức lao động phải hướng vào phục vụ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải gắn phát triển thị trường sức lao động với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi đó là điều kiện đảm bảo thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo phương hướng trên, việc phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng phải quan tâm cả hai phía cung và cầu lao động, phải giải quyết mối quan hệ giữa cung và cầu về lao động với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Về phía cung: Quan tâm tăng quy mô và tốc độ đào tạo nghề hơn so với đào tạo cao đẳng, đại học dưới nhiều hình thức. Tập trung nguồn lực để đào tạo nghề cho người lao động, theo hướng tăng nhanh số lượng lao động có trình độ, có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp – dịch vụ. Tăng cường cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, đồng thời nhanh chóng phổ cập nghề nghiệp cho phần lớn lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn để có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường sức lao động và tự tạo việc làm. Áp dụng mô hình đào tạo theo ba cấp độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề. Coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề để người lao động có đủ năng lực và phẩm chất nắm bắt và làm chủ công nghệ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Về phía cầu: Phải đẩy nhanh nhịp độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp hiện đại hóa năng lực sản xuất kinh doanh. Qua đó, tăng thêm nhu cầu tuyển dụng lao động.

Đồng thời, việc giải quyết mối quan hệ cung-cầu lao động không chỉ nhằm thúc đẩy trực tiếp quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế mà còn phải tính đến xuất khẩu ra nước ngoài. Phải coi trọng công tác xuất khẩu lao động, nhất là vào các nước phát triển. Hướng này không chỉ nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuẩn bị lượng cung lao động cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

*. Phát triển thị trường sức lao động ở Hải Phòng theo hướng gắn với việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của kênh giao dịch trên thị trường sức lao động.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của các kênh giao dịch trên thị trường sức lao động (tổ chức giới thiệu việc làm, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hệ thống thông tin thị trường sức lao động, sàn giao dịch việc làm) là làm cầu nối trung gian giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nó cung cấp cho người lao động những yêu cầu của người sử dụng lao động về những lĩnh vực cần tuyển lao động, những đòi hỏi về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, điều kiện làm việc, mức tiền lương … Hơn nữa, trong các kênh giao dịch trên thị trường sức lao động thì các trung tâm giới thiệu việc làm còn tham gia đào tạo nghề cho người lao động. Do đó, nó có tác động nâng cao chất lượng cung lao động. Khi chất lượng cung lao động tăng lên sẽ khuyến khích các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đòi hỏi về trình độ chuyên môn, kỹ thuật đối với nhân công sẽ lại tăng lên. Điều đó tiếp tục thúc đẩy nâng cao chất lượng cụng lao động nhưng đồng thời cho thấy sự thỏa mãn về cầu lao động cũng tăng lên.

Vì vậy, chất lượng hoạt động của các kênh giao dịch trên thị trường sức lao động càng được nâng cao thì càng góp phần làm cho thị trường sức lao động vận hành thông suốt hơn và hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Vai trò nhà nước trong phát triển thị trường sức lao động ở thành phố Hải Phòng.DOC (Trang 75 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w