Giải pháp nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu hàng dệt may

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dệt may tại Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế .DOC (Trang 72 - 76)

Gia công xuất khẩu với giá trị đem lại không cao là hiện tượng phổ biến của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không nói riêng. Hiện nay, Công ty chủ yếu tiến hành gia công theo phương thức mua nguyên liệu từ chính bên nhận gia công rồi bán lại thành phẩm lấy phí gia công nên hiệu quả xuất khẩu thấp, sản phẩm của Công ty mặc dù có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu nhưng không có tên tuổi trên thị trường và không được người tiêu dùng biết đến do làm theo mẫu mã và thương hiệu của bên đặt gia công gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và trong tương lai ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường của Công ty. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động gia công xuất khẩu Công ty cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Công ty cần chuyển dần từ hình thức gia công nhập nguyên liệu từ chính bên đặt gia công sang hình thức mua nguyên liệu bán thành phẩm. Theo đó, Công ty sẽ chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở trong và ngoài nước để tiến hành gia công theo yêu cầu về chất lượng, thông số kỹ thuật và bán lại thành phẩm cho bên đặt gia công. Điều này sẽ tạo điều điện cho doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả kinh doanh, nâng cao và hiểu biết hơn về nghiệp vụ và thông lệ quốc tế, chủ động khai thác thị trường từng bước đẩy nhanh chiến lược xuất khẩu trực tiếp.

- Chủ động đàm phán hợp đồng kinh doanh quốc tế với việc nâng dần tỷ lệ nội địa trong sản phẩm để tạo ưu thế. Việc sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận xuất khẩu không chỉ dựa vào phí gia công mà còn tăng đáng kể từ hoạt động bán nguyên liệu cho khách hàng đồng thời sản phẩm của Công ty nói riêng và sản phẩm dệt may Việt Nam nói chung sẽ ngày càng được biết đến trên thị trường. Để tạo được ưu thế này và đặc biệt là trong các cuộc đàm phán đòi hỏi Công ty cần chủ động tìm kiếm, lựa chọn và đưa ra nguồn nguyên liệu tốt với giá cả cạnh tranh.

- Công ty cần đẩy mạnh sự liên kết với các doanh nghiệp chế biến cung cấp nguyên phụ liệu để tạo được nguồn cung ổn định số lượng lớn thông qua việc trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả, tạo lập mối quan hệ, giới thiệu các bạn hàng với nhau, đảm bảo nhu cầu thường xuyên và khả năng thanh toán để tạo sự tin cậy trong hợp tác kinh doanh. Từ đó, Công ty từng bước liên kết trong sản xuất chế biến nguyên phụ liệu để chủ động hơn trong sản xuất cung ứng thông qua việc góp vốn để tạo thành một chuỗi sản xuất hiện đại.

3.2.1.2.Giải pháp nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm

Nâng cao chất lượng là yếu tố cơ bản làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm có chất lượng tốt sẽ luôn được người tiêu dùng lựa chọn và biết đến, khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm sẽ diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng. Đối với sản phẩm dệt may Việt Nam nói chung và hàng dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không nói riêng chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường nước ngoài là điều kiện để ngành dệt may chuyển từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may, tăng giá trị xuất khẩu. Với đặc điểm gia công xuất khẩu hàng dệt may của

Công ty để nâng cao chất lượng sản phẩm Công ty cần tập trung vào các vấn đề:

- Đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trang thiết bị.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, trở thành lợi thế để phát triển kinh tế. Đối với ngành dệt may áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất sẽ là yếu tố làm tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm, tạo ra ưu thế mới trong xuất khẩu trước ưu thế về sử dụng nhiều lao động không còn là ưu thế lớn của Việt Nam trong tương lai. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm bớt chi phí và giá thành sản phẩm đòi hỏi Công ty phải đổi mới công nghệ sản xuất và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hàng năm, Công ty cần tiến hành đánh giá lại chất lượng công nghệ hiện tại đang sử dụng để có sự điều chỉnh hợp lý. Tiếp theo Công ty cần tăng nguồn đầu tư từ lợi nhuận của Công ty để nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại. Trong quá trình nhập khẩu, cần có sự lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng của mình, không nên nhập khẩu công nghệ quá hiện đại cũng như công nghệ đã lạc hậu ở các nước; Công ty nên có sự tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia trong quá trình nhập khẩu công nghệ. Đồng thời, Công ty cần tiến hành nâng cấp nhà xưởng, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với sự phát triển.

- Đăng ký và xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế như HACCP, SA8000, ISO 9000…. Đây là hệ thống các tiêu chuẩn được hầu hết các quốc gia áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu. Đảm bảo các tiêu chuẩn này không chỉ tạo chỗ đứng của Công ty trên thị trường trong nước mà hơn hết đó là sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng, sự tin cậy đối với đối tác và khả năng mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn về chất lượng thường tốn rất nhiều chi phí đối với các doanh nghiệp và đặc biệt đối với Công ty Cổ phần Cung ứng dịch

vụ Hàng không với tiềm lực tài chính hạn chế thì đây là vấn đề tạo nhiều khó khăn cho Công ty. Do đó, để thực hiện được điều này trước hết Công ty cần thực hiện nâng cấp hệ thống nhà xưởng cơ sở sản xuất, tổ chức sản xuất, quản lý theo hệ thống tiêu chuẩn, cử các cán bộ tham gia các lớp huấn luyện về xây dựng và tìm hiểu về hệ thống tiêu chuẩn, có những điều chỉnh hợp lý và phù hợp sau khi được cấp phép để duy trì hệ thống tiêu chuẩn đã xây dựng và đăng ký.

- Tiến hành đầu tư cho công tác thiết kế thời trang. Thiết kế thời trang là một xu hướng tất yếu của ngành may mặc trên thế giới. Thiết kế thời trang đối với các doanh nghiệp dệt may sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Sự đầu tư cho công tác thiết kế thường không mất nhiều chi phí của doanh nghiệp song mang lại giá trị rất lớn. Đối với Công ty Cung ứng dịch vụ Hàng Không tham gia gia công xuất khẩu thì thiết kế thời trang trước hết là để Công ty nâng cao giá trị xuất khẩu, dần chiếm ưu thế trong sản phẩm gia công và tạo đà cho sự chuyển dịch sang hình thức xuất khẩu trực tiếp. Công tác thiết kế thời trang của Công ty cần tập trung vào việc thành lập phòng thiết kế thời trang, tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động trong công tác thiết kế thông qua hình thức cử đi học tập, tập huấn tại nước ngoài, gửi đi đào tạo tại các trường và trung tâm tạo mốt chuyên nghiệp trong nước; đầu tư về tài chính để các cán bộ có cơ hội đi thăm quan thị trường, học hỏi kỹ năng thiết kế để quan sát sự thay đổi về thị hiếu khách hàng; đầu tư cho hoạt động thiết kế về thông tin thị hiếu, catalogue, thiết bị phục vụ cho công tác thiết kế…

- Tiến hành đa dạng và mở rộng các mặt hàng gia công xuất khẩu. Đa dạng và mở rộng các mặt hàng gia công không chỉ giúp cho doanh nghiệp đảm bảo cho hoạt động sản xuất diễn ra liên tục, đem lại lợi nhuận cao mà còn giúp doanh nghiệp tham gia hơn nữa vào quá trình xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường, thâm nhập thị trường nhanh chóng dễ

dàng, lựa chọn được mặt hàng lợi thế phù hợp với khả năng của công ty và học tập được nhiều kinh nghiệm sản xuất khác nhau. Đối với Công ty hiện nay để mở rộng mặt hàng gia công một cách chủ động Công ty cần nâng cao chất lượng các sản phẩm khăn vốn đang cung cấp sản phẩm cho Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam để làm sản phẩm đưa ra đàm phán, ký kết hợp đồng gia công xuất khẩu. Đây là sản phẩm Công ty nhập nguyên liệu trong nước, có sẵn dây chuyền sản xuất, hệ thống máy dệt và trình độ công nhân lành nghề do đó giá trị gia công sẽ cao. Về lâu dài, Công ty cần tiến hành tìm hiểu cách thức, quy trình sản xuất các sản phẩm dệt may, tạo ra sản phẩm mẫu có chất lượng tốt làm lợi thế để tìm kiếm đối tác đa dạng và mở rộng mặt hàng gia công.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường quốc tế đòi hỏi Công ty cổ phần Cung ứng Dịch vụ Hàng không nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung cần phải tiến hành chuyên môn hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Điều này trước hết là sự đầu tư vào thiết bị và công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm từ khâu thiết kế cho đến khâu bán hàng, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trong nước cũng như cho xuất khẩu. Trong đó, tính thời trang của sản phẩm dệt may phải tăng lên và ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp thì các sản phẩm dệt may mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm dệt may của các nước vốn đã có uy tín và tạo lập được quan hệ làm ăn lâu dài, giữ vai trò chi phối trên thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dệt may tại Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế .DOC (Trang 72 - 76)