2.1.5.1. Những kết quả đạt được
- Dệt may trở thành một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn với tốc độ tăng trưởng khá nhanh bình quân 26%/năm, chiếm từ 13 -17% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Các doanh nghiệp gia công xuất khẩu
hàng dệt may đã có đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động và góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Năm 2007, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hàng dệt may Việt Nam khi đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất. Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng dệt may Việt Nam chiếm từ 50 – 60% tỷ trọng thị trường xuất khẩu, có ảnh hưởng chi phối rất lớn tới hoạt động xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu hàng dệt may có nhiều thuận lợi vì được bãi bỏ chế độ hạn ngạch. Tuy nhiên tại thị trường Mỹ, Việt Nam bị áp đặt cơ chế giám sát ngặt nghèo khiến cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may những tháng đầu năm 2007 gặp nhiều khó khăn. Với những hướng đi hợp lý, Hiệp hội dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp đã tiến hành kiểm soát chặt lượng hàng, không để hàng ồ ạt vào Mỹ nhất là những cat nhạy cảm đồng thời hướng sản xuất xuất khẩu ở thị trường này vào những cat khó làm giá trị tăng cao. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm qua đã mang lại những kết quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
- Chất lượng sản phẩm dệt may xuất khẩu ngày càng nâng cao. Hàng dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu theo mẫu mã, chủng loại sản phẩm do bên đặt gia công yêu cầu và nhận phí gia công thông qua lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ. Vì vậy, chất lượng của sản phẩm dệt may chủ yếu được đánh giá thông qua nguyên vật liệu, phụ kiện cho ngành dệt may, mẫu mã và chất lượng nguồn lao động. Trong những năm gần đây bên cạnh việc tìm kiếm, lựa chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu đạt chất lượng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất xuất khẩu hàng dệt may, Hiệp hội dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tăng dần tỷ lệ
nội địa hóa trong sản phẩm dệt may xuất khẩu, tức tăng dần việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng dệt may. Nếu như năm 2003, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng 30% thì năm 2007 đã đạt 40%, đặc biệt là khâu sản xuất vải và phụ liệu.(Nguồn: Hiệp hội dệt may Việt Nam,www.vietnamtextile.org.vn) Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bắt đầu đi sâu vào thiết kế sản phẩm dệt may để tăng giá trị gia công xuất khẩu đồng thời từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chuyển dần từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may ngày càng chủ động và tích cực mở rộng và phát triển thị trường nâng cao thị phần hàng dệt may Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh việc khai thác các thị trường lớn và truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU), các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may đã ngày càng tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới tiềm năng đồng thời đã có nhiều cố gắng trong việc đa dạng hóa thị trường nên kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng cao, phần lớn các thị trường đều tăng trưởng trong đó các thị trường có mức tăng trưởng cao như: Thổ Nhĩ Kỳ (tăng trên 500%), Nam Phi (tăng 400%), Achentina (tăng 60%), Canada (tăng 35%)….(Nguồn: Tạp chí công nghiệp Việt Nam tháng 1/2008)
- Hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường được quan tâm và phát triển hơn trước, Hiệp hội dệt may Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới, tổ chức triển lãm hội chợ quốc tế trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác kinh doanh, nhanh chóng thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa….