II. Một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư phát triển của công ty
6. Giải pháp về đầu tư cho các hoạt động Marketing
Trong nền kinh tế đang chịu nhiều thử thách, các doanh nghiệp đứng trước đòi hỏi phải tìm ra những phương cách mới giúp hoạt động marketing hiệu quả hơn. Đó dường như đã là một cuộc chạy đua vô hình, quyết định sự thành công và khả năng phát triển của bất cứ doanh nghiệp nào. Hiện nay công tác Marketing của công ty còn chưa được thực sự quan tâm thích đáng, vốn đầu tư còn thấp và chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Nhận thức được rằng Marketing thực chất chính là phương thức đầu tư cho dài hạn, công ty BDC càng phải coi trọng nó khi muốn đưa các sản phẩm thế mạnh đến toàn ngành phát thanh truyền hình trên cả nước và quốc tế, từng bước khuếch trương thương hiệu của BDC trên trường quốc tế. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, công ty không nên cắt giảm mà ngược lại cần tăng cường thêm ngân sách cho hoạt động Marketing. Thực tế đã cho thấy những doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động Marketing
đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn các doanh nghiệp khác, khi kinh tế tăng trưởng trở lại.
Để thực hiện tốt các chính sách về Marketing, đòi hỏi công ty phải quan tâm một cách đúng mức về bộ máy quản lý hoạt động Marketing mà cụ thể là tổ chức tư vấn kỹ thuật và chăm sóc khách hàng tại các địa phương. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đầu tư những trang thiết bị hiện đại và đầy đủ, các phần mềm chuyên dụng, tuyển dụng nhân viên có trình độ chuyên môn cao và tận tâm với công việc.
Công ty cần thu thập và tổng hợp thông tin về thị trường, về quy hoach phát triển phát thanh truyền hình của Chính phủ và Đài Tiếng Nói Việt nam cũng như thông tin về các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Công tác khảo sát và tư vấn tại các địa phương là rất quan trọng, nó giúp công ty BDC thắng thầu trong các dự án. Bởi thế công ty cần tiến hành thường xuyên hơn công tác nghiên cứu thị trường địa phương nhằm thiết lập một hệ thống thông tin đầy đủ cho mình.
Xét thấy trong trường hợp công ty vẫn còn một số hạn chế về tài chính và nhân lực như hiện nay thì Bộ phận giới thiệu thị trường của công ty cần tập trung khai thác các phương tiện quảng cáo với chi phí thấp như quảng bá trên báo, tạp chí hoặc internet. Công ty nên xây dựng một website riêng có giao diện thân thiện với khách truy cập.
Bên cạnh đó, đầu tư để hoàn thiện chính sách giá một cách phù hợp là điều kiện cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc xác lập một chính sách giá đúng đắn và phương pháp xử lý giá linh hoạt là điều kiện để dẫn đến thành công trong cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp. Trên thị trường Việt Nam, giá cả vẫn là một công cụ đắc lực để các công ty trong nước và hàng ngoại nhập cạnh tranh với nhau. Vì thế công ty cần áp dụng chính sách giá cả linh hoạt, giá cả thay đổi theo từng thời điểm để vừa đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng nên xây dựng một phương thức thanh toán hợp lý nhằm đặt mối quan hệ lâu dài và thu hút một số lượng lớn các khách hàng tại công ty. Ngoài ra cần phải thiết lập các kênh phân phối cho công ty dựa trên đặc điểm và nhu cầu của khách hàng tiêu thụ
Đặc biệt trong thời gian tới công ty cần đẩy mạnh đầu tư phát triển thương hiệu. Sở hữu thương hiệu mạnh là điều mong ước của tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên xây
dựng thương hiệu là một đầu tư khá vô hình trong khi đòi hỏi nhiều nguồn lực và tiền bạc. Việc đầu tư sẽ rất lãng phí nếu thiếu chiến lược đúng đắn.
Công ty cần phải tiếp cận vấn đề thương hiệu với một chiến lược tổng thể. Đó là việc phải nhận thức đúng và đầy đủ về thương hiệu trong toàn bộ công ty; xây dựng thương hiệu trên cơ sở nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước quản lý thương hiệu để đảm bảo uy tín và hình ảnh của thương hiệu không ngừng được nâng cao.
Công ty cần phải định vị nhãn hiệu một cách rõ nét trong nhận thức của khách hàng để phát huy tối đa nội lực, tập trung vào các mục tiêu chính, triển khai các kế hoạch hỗ trợ và tạo dựng hình ảnh trong tâm trí khách hàng.
Công ty có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn để hỗ trợ cho việc xây dựng thương hiệu như tư vấn pháp lý; tư vấn sáng tạo; tư vấn về quảng cáo và truyền thông, đồng thời phải có biện pháp giám sát các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn.