Theo chỉ đạo của Quyết định 134, ở các địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh có đối tượng đồng bào thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 134 chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào nghèo. Cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai tiêu chuẩn, đối tượng và điều tra lập danh sách các hộ đồng bào được hỗ trợ; lập và phê duyệt đề án thực hiện Quyết định
134 ở địa bàn tỉnh mình; chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tổ chức hiệu quả các chính sách hỗ trợ; kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo các chính sách đến được hộ đồng bào dân tộc.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung Ương, các tỉnh đã triển khai thực hiện, lập ban chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã theo mô hình: ở cấp tỉnh, thành lập ban chỉ đạo 134 do phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, trưởng ban dân tộc làm phó ban thường trực đồng thời lãnh đạo các sở ban ngành làm thành viên ban chỉ đạo; ở cấp huyện thành lập ban chỉ đạo huyện (một số địa phương lồng ghép cùng với Chương trình 135); ở cấp xã thành lập tổ công tác hoặc lồng ghép vào với chương trình khác như Xoá đói giảm nghèo, Chương trình 135. Việc tổ chức triển khai như trên đã tạo cơ chế chỉ đạo, quản lý thống nhất giữa các cấp chính quyền tỉnh - huyện – xã, đồng thời cho phép phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các ban ngành liên quan.
Để có thể thực hiện chương trình một cách tốt nhất, việc huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cũng hết sức quan trọng. Các địa phương đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, giải thích rõ về mục đích của Chương trình đến tận người dân và được nhân dân nhiệt tỉnh hưởng ứng. Thông qua Chương trình, đồng bào đã nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều hộ đã tự nguyện tham gia đóng góp ngày công hoặc chủ động vận động anh em trong dòng tộc tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khai hoang ruộng nước, làm công trình nước sinh hoạt, xây dựng bể chứa nước, đổi công trong việc làm nhà, lợp nhà….
Về vấn đề xây dựng đề án, do yêu cầu về thời gian và tính phức tạp của nội dung chính sách nên đề án của các địa phương lập giai đoạn đầu nhìn chung chưa thật đầy đủ và chuẩn xác, thời gian chậm, tổng nhu cầu vốn rất cao, một số tỉnh đề án làm lại nhiều lần. Một số tỉnh thực hiện rất sớm và nghiêm túc việc lập đề án như Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam. Bên cạnh đó cũng có những
địa phương mới hoàn thành đề án vào tháng 1/2006 như Tây Ninh, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc… Cá biệt có những tỉnh không chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đến tháng 5/2006, cả nước đã có 53 tỉnh xây dựng xong đề án, có cả đề án điều chỉnh.