I. Tình hình đầu tư vào tài sản vô hình theo nội dung đầu tư
3. Đánh giá tình hình đầu tư vào hoạt động marketing
Các doanh nghiệp VN chưa quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất về top 200 doanh nghiệp Việt Nam của UNDP thì phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam được hỏi đều cho rằng tạo dựng thương hiệu ở nước ngoài là việc làm tốn kém và khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các tập đoàn phân phối toàn cầu dưới thương hiệu của họ. Những tập đoàn này không sẵn sàng chấp nhận việc các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng thương hiệu độc lập. Theo số liệu của Văn phòng sở hữu trí tuệ
quốc tế WIPO thì kể từ khi nhãn hiệu đầu tiên của Việt Nam được đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid (năm 1986) đến tháng 10/2007, mới có 156 nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký và nộp đơn theo hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid, trong khi đó, số lượng nhãn hiệu từ các nước chỉ định đăng ký tại Việt Nam là 59.014. Nhìn vào con số này có thể nhận thấy số lượng nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký quốc tế còn rất hạn chế so với số lượng nhãn hiệu từ các nước chỉ định vào Việt Nam.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với bảo hộ thương hiệu. Hàng xuất khẩu của
việt nam có mặt tại gần 200 thị trường, trong 5 năm từ 2001- 2005 mang lại 110,8 tỉ USD , năm 2006 mang về gần 40 tỷ USD nhưng mới khoảng 1000 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài. Tình trạng hàng xuất khẩu việt nam sang thị trường nước ngoài bị mất tên và thương hiệu đang là một thực tế diễn ra.
Năm 1998, thương hiệu nước mắm Phú quốc bị công ty Kimseng tại California đăng kí. Tháng 11/2000 đến lượt cà phê Trung Nguyên bị công ty Rice Field Corp nhanh tay ghi danh tại Hoa Kì, rồi họ chào bán cho chính Trung Nguyên với giá nhiều triệu USD. cuối năm 2002, thương hiệu Petro Viet Nam đã bị doanh nghiệp Nguyễn Lai đăng ký tại Mỹ. thuốc lá Vinataba bị chiếm dụng thương hiệu tại 12 thị trường. Gạo Nàng Hương, soài cát Phú Lộc, Phồng tôm Sa Đéc…cũng đã bị mất thương hiệu ở nhiều nước.
Điển hình nhất có lẽ là trường hợp võng xếp Duy Lợi, doanh nghiệp đã mất quyền xuất khẩu khi chỉ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và kiểu dáng công nghiệp trong nước mà không đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài nên đã bị đối tác đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế. Hàng dệt may, giày dép, kim ngạch xuất khẩu thuộc top đầu, nhưng chủ yếu gia công nước ngoài, nên phải mang thương hiệu của các tập đoàn công ty lớn. Một số nông lâm sản vững vàng vị thế cao trên trường thế giới, song đa phần xuất khẩu qua trung gian nên gần như phải mang thương hiệu nước ngoài hoặc thuần tuý chỉ là thương hiệu nhà phân phối.
Sức cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam còn yếu. Với sự góp mặt của
nhiều thương hiệu lớn trên thế giới thì cuộc chiến giữa các thương hiệu nội và ngoại (Daso với Tide và Omo; Tribeco với Coca-Cola và Pepsi; Bia Hà Nội với Heineken… ) đang được đánh giá là không cân sức.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty GFK, các sản phẩm thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 6% thị phần sản phẩm điện tử nghe nhìn; 48% là các sản phẩm có thương hiệu Nhật Bản và 35% các thương hiệu Hàn Quốc. Đối với sản phẩm điện tử gia dụng, thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 3%; các thương hiệu Nhật chiếm 53%; các thương hiệu Hàn Quốc là 35%.
Theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn đa quốc gia Millward Brown và công ty nghiên cứu thị trường Custumer Insights vừa công bố năm 2007, trong 10 thương hiệu thành công nhất ở Việt Nam, chỉ có Kinh Đô là thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách này. Kết quả này được nghiên cứu trên 4000 người tiêu dùng ở Hà Nội và TPHCM 10 thương hiệu để lại ấn tượng cho số đông người tiêu dùng cho người Việt Nam gồm có: Nokia, Dutch Lady, Panadol, Coca- Cola, Prudeltial, Cool Air, Kinh Đô, Alpenliebe, Doublemint và Sony.