Kế toán phần hành vật tư

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY TNHH NHỰA COMPOSITE VIỆT Á.DOC (Trang 54 - 56)

Vật tư của công ty có nhiều chủng loại nhưng việc phân loại theo mục đích sử dụng đã tạo thuận tiện cho việc nhập xuất, sắp xếp và bảo quản. Hạch toán chi tiết theo phương pháp thẻ song song và hạch toán tổng hợp theo phương pháp kê khai thường xuyên phù hợp với quy mô sản xuất của công ty không quá lớn và cho phép theo dõi, phản ánh thường xuyên, kịp thời tình hình biến động vật tư.

Tuy nhiên, tổ chức hạch toán phần hành này còn một số điểm hạn chế. Vật tư nói riêng, hàng tồn kho nói chung áp dụng phương pháp tính giá bình quân tháng, điều này làm giảm nhẹ công tác kế toán trong kỳ nhưng chỉ cho phép theo dõi về mặt hiện vật mà không theo dõi được giá trị cho từng lần xuất kho. Trên các chứng từ liên quan như phiếu xuất kho, chứng từ ghi sổ cũng bị bỏ trống cột đơn giá, thành tiền. Trong điều kiện áp dụng máy tính vào công tác kế toán như hiện nay, công ty nên chuyển sang phương pháp tính giá xuất hàng tồn kho là bình quân sau mỗi lần nhập. Do có sự hỗ trợ của phần mềm kế toán nên điều này không làm gia tăng đáng kể công việc kế toán.

Một trong những nguyên vật liệu chính của công ty là nhựa Composite phải mua ở nước ngoài nên giá cả phụ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường và tỷ giá thanh toán. Tuy nhiên, công ty không áp dụng chính sách trích lập dự phòng giảm giá cho nguyên vật liệu. Vì vậy, trong thời gian tới, công ty nên tiến hành trích lập dự phòng giảm giá nguyên vật liệu.

Đối với công cụ dụng cụ, một số công cụ dụng cụ có giá trị khá lớn như: Kìm, mũi taro,… được sử dụng trong nhiều kỳ nhưng công ty phân bổ toàn bộ vào kỳ xuất dùng. Điều này là chưa hợp lý. Đối với những công cụ này, kế toán nên ước tính thời gian sử dụng để phân bổ dần.

5.2.2 Kế toán phần hành TSCĐ

Việc mua sắm TSCĐ dùng cho văn phòng được giao cho phòng tổ chức-hành chính và TSCĐ giao cho phòng quản lý sản xuất đảm bảo TSCĐ mua về đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản. Do chủng loại TSCĐ trong công ty không quá nhiều, phần lớn sử dụng trong thời gian dài và ít biến động nên nhiệm vụ hạch toán phần hành này, mặc dù được giao cho kế toán vật tư kiêm nhiệm, nhưng đã đảm bảo được việc ghi chép, tổng hợp chính xác, kịp thời số lượng, giá trị TSCĐ hiện có, tình hình tăng giảm và hiện có TSCĐ trong phạm vi toàn doanh nghiệp cũng như từng bộ phận sử dụng.

Một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến phương pháp tính khấu hao TSCĐ. Quyết định 15/2006 quy định việc trích khấu hao thực hiện theo nguyên tắc tròn ngày nhưng hiện nay công ty vẫn áp dụng phương pháp khấu hao tròn tháng. Với sự trợ giúp của phần mềm kế toán, công ty nên thay đổi phương pháp tính phù hợp với quy định. Kế toán cũng nên lập Bảng phân bổ khấu hao vào từng tài khoản chi phí để dễ dàng cho việc hạch toán và theo dõi.

Đối với việc thanh lý tài sản, do công ty mới thành lập, nghiệp vụ này ít xảy ra nên công ty chưa có bộ phận chuyên thanh lý tài sản. Giá trị còn lại của tài sản thường được xác định dựa trên dự đoán chứ không có bộ phận chuyên môn riêng nên dễ dẫn đến đánh giá không chính xác. Trong thời gian tới, công ty nên tổ chức một bộ phận chuyên phụ trách vấn đề này.

Cuối kỳ, công ty không tiến hành đánh giá lại TSCĐ, do đó không cập nhật được hiện trạng, hiệu quả sử dụng cũng như giá trị còn lại thực tế của TSCĐ. Đối với một số tài sản có giá trị lớn như máy ép ở phân xưởng, việc đánh giá lại TSCĐ còn là cơ sở để lên các kế hoạch bảo dưỡng, sữa chữa để kéo dài thời gian sử dụng và tận dụng tối đa công suất hoạt động. Vì thế, trong thời gian tới công ty nên giao cho phòng quản lý sản xuất và phòng kỹ thuật tiến hành công tác này. Theo đó, kế toán nên thực hiện việc trích trước chi phí sữa chữa vào các kỳ tương ứng.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY TNHH NHỰA COMPOSITE VIỆT Á.DOC (Trang 54 - 56)