- Quá trình dinh dưỡng là quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng để thoả mãn mọi nhu cầu sinh trưởng và phát triển.
c. Chất hữu cơ:
Chất hữu cơ trong tế bào vi sinh vật chủ yếu được cấu tạo từ các nguyên tố C, H, O, N, S, P... Riêng 4 nguyên tố C, H, O, N chiếm 90 – 97% toàn bộ chất khô của tế bào. Đây là những nguyên tố chính tham gia cấu tạo protein, axit nucleic, lipit, hydratcacbon.
*Protein: cấu tạo chủ yếu bởi các nguyên tố : C (50 – 55%), O (21- 24%), N
(15 – 18%), H (6,5 – 7,3%), S (0 – 0,24%), ngoài ra còn có một lượng rất nhỏ các
nguyên tố P, Fe, Zn, Cu, Mn, Ca,...Protein là thành phần chủ yếu của nguyên sinh chất, nó chiếm khoảng 50 – 80% chất khô của tế bào. Protein tham gia vào cấu trúc nhân, nguyên sinh chất, màng nguyên sinh chất và thành tế bào. Protein có cấu trúc bậc 1, 2, 3, 4, các cấu trúc bậc 2, 3, 4 làm cho protein có cấu trúc không gian, chính nhờ cấu trúc không gian này mà protein đảm nhận được những chức năng hết sức phức tạp trong mọi hoạt động sống của sinh vật.
* Lipit: Lipit trong tế bào vi sinh vật thường có 2 nhóm: lipit đơn giản và lipit phức tạp (lipoit). Lipit tập trung nhiều ở màng tế bào chất. Trong tế bào lượng lipit ít (chỉ chiếm 3 – 7% khối lượng khô của tế bào) nhưng nó có ý nghĩa lớn đối với đời sống tế bào, nó là chất dự trữ trong tế bào, đồng thời là nhân tố tích cực chống đỡ các độc tố và các kháng sinh xâm nhập vào cơ thể.
- Lipit đơn giản (este của glyxerin và axit béo) chủ yếu là triaxinglixerol.
- Lipit phức tạp bao gồm photpholipit, glicolipit.
* Gluxit: là nguồn dự trữ năng lượng và nguồn cacbon chủ yếu của tế bào vi sinh vật. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của vi sinh vật. Gluxit tham gia vào cấu tạo axit nucleic, vào cấu trúc thành tế bào, vào vỏ nhầy... của vi sinh vật. Lượng gluxit trong tế bào vi sinh vật cũng như động, thực vật ít hơn so với các chất khác, chỉ chiếm 12 – 18% khối lượng khô của tế bào. Trong tế bào vi sinh vật, gluxit có thể tồn tại ở dạng monosaccarit, oligosaccarit và polisaccarit.
* Axit nucleic: cấu tạo chủ yếu từ N (1 – 16%), P (9 – 10%), phần còn lại là C, H, O. Axit nucleic có 2 loại: ADN và ARN. Axit nucleic có hai chức năng khá quan trọng: trực tiếp tham gia quá trình sinh tổng hợp protein và mang mật mã di truyền – một đặc điểm cực kỳ quan trọng đối với cơ thể sống.
* Enzim: trong cơ thể vi sinh vật có hàng trăm loại enzim, chúng hoạt động rất nhịp nhàng, nhờ có hoạt động của enzim mà các quá trình tổng hợp, phân giải trong cơ thể vi sinh vật diễn ra một cách bình thường.
Dựa vào bản chất hoá học có thể chia enzim làm 2 loại: enzim đơn giản (tương ứng với protein đơn giản) và enzim phức tạp (ngoài phần protein còn có phần hữu cơ không protein gọi là nhóm thêm hay coenzim hay cofecmen).
Dựa vào vị trí tác dụng của enzim đối với cơ thể vi sinh vật người ta chia enzim làm 2 loại, đó là enzim nội bào (endoenzim) và enzim ngoại bào (exoenzim).
* Vitamin: rất nhiều vi sinh vật có khả năng tổng hợp vitamin. Sinh khối vi
sinh vật thường chứa hầu hết các loại vitamin chủ yếu với hàm lượng cao. Nấm men
thường chứa nhiều vitamin hơn các vi sinh vật khác. Phần lớn các loại coenzim là vitamin hoặc các dẫn xuất của vitamin. Vitamin rất cần thiết cho vi sinh vật. Vitamin được xem như là những chất xúc tác sinh học và một số lớn vitamin là nguyên liệu để cấu tạo enzim. Nhiều vitamin có vai trò rất quan trọng trong các quá trình oxy hoá khử và trong quá trình hoạt hoá axit amin. Nhiều vitamin tham gia
vào các coenzim có vai trò rất quan trọng trong các quá trình chuyển hoá vật chất như trong chu trình Krebs, trong quá trình quang hợp.
* Sắc tố: một số vi sinh vật có khả năng tạo thành sắc tố, chẳng hạn các vi sinh vật tự dưỡng quang năng có chứa sắc tố quang hợp, ngoài sắc tố quang hợp còn có các loại sắc tố khác như: carotenoit, antoxianin, araquinon...Các sắc tố quyết định màu sắc của khuẩn lạc khi nuôi cấy, ngoài ra sắc tố còn làm nhiệm vụ bảo vệ, giúp cho vi sinh vật tránh khỏi ảnh hưởng có hại của ánh sáng thường và ánh sáng tử ngoại. Một số loài vi sinh vật có sắc tố còn có khả năng sinh kháng sinh.