Để cho quá trình sản xuất được bền vững ngoài vấn đề về kinh tế - xã hội, chúng ta phải xem xét đến vấn đề môi trường. Bởi vì môi trường có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với đời sống cây trồng, vật nuôi, cũng như con người.
- Đối với cây lúa:
Để đạt được năng suất cao người dân đã sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách thiếu khoa học, chất độc hại dần dần tích lũy trong đất làm cho đất ngày càng bị thoái hóa. Đất trồng lúa thường ở trong tình trạng ngập nước lâu ngày nên đất thường bị dí chặt, yếm khí, cấu trúc của đất bị phá huỷ. Bên cạnh đó quá trình sử dụng các công cụ, máy móc để làm đất, thu hoạch thường xuyên làm đất dễ bị dí chặt, độ xốp giảm. Đây là loại hình sử dụng đất không bền vững về mặt môi trường.
- Đối với cây sắn:
Sắn là loại cây trồng có nhu cầu cao về dinh dưỡng do vậy nó lấy đi một lượng khá lớn các chất dinh dưỡng trong đất làm cho đất ngày càng bị cằn cỗi. Do đó đây cũng là loại hình sử dụng đất không bền vững về môi trường.
- Đối với cây lạc và các loại cây họ đậu:
Loại hình sử dụng đất trồng lạc và các loại cây họ đậu cải tạo đất, vì chúng là loại thực vật tự tổng hợp lấy N từ không khí, cố định đạm nhờ vi khuẩn cố định đạm ở nốt sần rễ cây họ đậu. Việc trồng các loại cây họ đậu không những có giá trị kinh tế mà còn bổ sung đạm cho đất, cải thiện độ xốp đất và kết cấu đất khi kết hợp với loại cây trồng cạn khác như sắn,... trong công thức luân canh, xen canh. Chính vì vậy loại hình sử dụng đất trồng các loại cây họ đậu bền vững về môi trường.
- Đối với cây khoai lang:
Khoai lang là loại cây trồng có độ che phủ khá cao khi trưởng thành. Lượng phân hóa học bón cho cây cũng không nhiều. Bên cạnh đó khoai lang có thể trồng trên những vùng đất cát giúp cải tạo đất. Đây là loại hình sử dụng đất bền vững về môi trường.
- Đối với cây rau:
Cũng như loại hình trồng lúa, loại hình trồng rau không bền vững về mặt môi trường. Rau là loại cây trồng ngắn ngày, nhạy cảm với thời tiết, dễ bị sâu bệnh nên để giữ cho rau luôn xanh tươi, người dân phải bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều không những gây ô nhiễm môi trường mà còn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bảng 13. Chỉ tiêu hiệu quả sử dụng đất về môi trường
Các chỉ tiêu Đơn vị tính Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010
Độ che phủ % 5,65 5,65 6,74
Hệ số sử dụng đất Lần 2,04 1,92 1,68
(Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội của xã năm 2010)
Xã Phú Đa có độ che phủ thấp chỉ đạt 6,74% năm 2010 nguyên nhân là do xã nằm ở vùng đồng bằng có diện tích đất trồng rừng ít và không có diện tích đất trồng cây lâu năm. Hệ số sử dụng đất giảm dần qua 3 năm, năm 2008 đạt 2,04 lần đến năm 2010 chỉ đạt 1,68 lần (bảng 13). Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, làm cho một diện tích khá lớn đất trồng sắn, khoai lang và lúa chỉ trồng được một vụ, bởi vì khoai và sắn trồng ở vụ mùa thì phải đến tháng 6 mới cho thu hoạch nếu trồng thêm vụ nữa thì sẽ gặp thời tiết mưa lũ làm cho cũ bị thối, hơn nữa trong thời gian thu hoạch gặp thời tiết nắng nóng và đất ở đây chủ yếu là đất cát pha do vậy đất rất khô cằn không thể sản xuất được. Nên người dân đành phải bỏ hoang cho đến năm sau mới sản xuất lại. Tuy nhiên với độ che phủ và hệ số sử dụng đất thấp như vậy nhưng nó cũng có những mặt tích cực và mặt tiêu cực riêng gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái:
+ Mặt tích cực
- Khai thác các nguồn dinh dưỡng của đất một cách từ từ, có thời gian cho đất nghĩ.
- Diện tích đất bỏ hoang một vụ có thể sử dụng làm đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Phân của gia súc được tận dụng để bón cho cây trồng, làm giảm chi phí sản xuất mặt khác góp phần cải tạo tăng độ phì cho đất.
+ Mặt tiêu cực
- Hiện tượng xói mòn rửa trôi diễn ra do độ che phủ thấp. Bên cạnh đó tốc độ đô thị hóa tăng lên mà độ che phủ thấp sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí, tác động đến sự sống của con người và sinh vật,...
- Tốc độ khai thác đất chậm do đó gây khó khăn trong việc đưa phần diện tích chưa sử dụng vào sử dụng nhằm cải tạo đất hoang hóa.
Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, do chạy theo vấn đề về hiệu quả kinh tế nên người dân đã sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa sử dụng một cách thiếu khoa học do đó ít nhiều đã làm cho môi trường
đất và nước trên địa bàn xã bị ô nhiễm. Làm cho đất đai ngày càng cằn cỗi, độ phì nhiêu giảm dần.