II. Mục tiêu của đồ án
3.2.2 Đưa ra các giải pháp công trình
Đối với mỗi một hình thức xói lở bờ khác nhau, tương ứng sẽ có các giải pháp bảo vệ bờ khác nhau. Trường hợp xói mãn tính, chủ yếu là dòng vận chuyển bùn cát dọc bờ vì thế để ngăn chặn dòng vận chuyển bùn cát dọc bờ ta có thể có các giải pháp như: làm đập mỏ hàn (ngăn chặn trực tiếp dòng bùn cát dọc bờ), hoặc làm đập phá sóng xa bờ, hoặc trồng rừng ngập mặn để giảm năng lượng sóng. Còn trường hợp xói cấp tính, chủ yếu do dòng vận chuyển bùn cát ngang bờ gây ra. Trường hợp xói cấp tính thực ra không nguy hiểm bởi vì bùn cát không bị mất đi khỏi mặt cắt mà trong điều kiện bão bùn cát bị đưa ra ngoài khơi, khi điều kiện thời tiết bình thường (gió mùa) bùn cát lại được hoàn trả lại. Nhưng ở khu vực mà có cả xói mãn tính thì xói cấp tính sẽ càng làm tăng thêm tốc độ đẩy lùi đường lúc đó cần phải chống cả xói mãn tính và cấp tính. Giải pháp thường áp dụng để ngăn chặn xói cấp tính là làm kè gia cố mái.
Toàn đảo Cát Hải có 20,6 km đê bao quanh, trong đó có tuyến đê xung yếu từ Bến Gót đến Hoàng Châu nằm ở phía nam đảo chịu tác động trực tiếp của sóng, gió nơi có dòng chảy ven bờ mạnh nhất và dải bờ đang bị xâm thực. Phía biển cũng đã xây dựng được 9 kè mỏ hàn.
Giải pháp trồng rừng ngập mặn không khả quan cho vùng đảo Cát Hải vì vùng bờ có chế độ động lực mạnh mẽ, không thích hợp cho điều kiện sống và phát triển của cây ngập mặn.
Với hệ thống tuyến đê kè hiện có của đảo, hàng năm dưới tác động thường xuyên của sóng gió, đặc biệt khi có bão, xảy ra tình trạng sạt lở mái kè, hư hỏng đê biển. Trong phạm vi đồ án này, một giải pháp được đưa ra là xây dựng đập phá sóng xa bờ. Đập phá sóng xa bờ có tác dụng làm giảm năng lượng sóng trước khi nó truyền vào bờ. Từ đó làm giảm khả năng vận chuyển bùn cát dọc bờ cũng như ngang bờ, ngăn chặn xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn hơn cho hệ thống đê kè trên đảo. Các công trình đập chắn sóng xa bờ được xây dựng song song và cách bờ biển một khoảng nhất định.