Hình 1.5. Hình ảnh toàn cây, hoa ngưu tất [21]
Ngưu tất có tên khoa học là Achyranthes bidentata Blume thuộc họ Dền (Amaranthaceae), là loại cây thảo, cao từ 60 - 80cm hoặc hơn, rễ củ hình trụ dài, nhiều rễ phụ to. Thân mảnh, có cạnh, phình lên ở đốt, màu lục hoặc nâu tía, cành mọc hướng lên trên. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục hoặc hình mác dài; cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá thành bông dài; quả hình bầu dục, có 1 hạt. Cây có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Trung Quốc hoặc Nhật Bản, nhập vào Việt Nam từ năm 1960 và trồng ở Sa Pa, Sìn Hồ (Lai Châu), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Văn Điển (Hà Nội). Có thể coi đây là ví dụ điển hình về một cây thuốc nguồn gốc ôn đới, qua quá trình nghiên cứu di thực đã có thể trồng thành công ở vùng đồng bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ở Việt Nam, các thầy thuốc y học cổ truyền và nhân dân ở nhiều nơi đã dùng rễ cây cỏ xước để thay thế ngưu tất với tên ngưu tất nam[2], [21]. Các loài thuộc chi Achyranthes rất giàu các hợp chất thiên nhiên với các cấu trúc khác nhau như triterpenoid saponin, ketosteroid, sterol, flavonoid, anthraquinon,…trong đó polysaccharid và polypeptid là thành phần tạo ra hoạt tính sinh học chủ yếu trên in vivo và in vitro[21].
Theo y học cổ truyền ngưu tất có vị đắng chua, tính bình, không độc, quy vào 2 kinh can và thận. Dạng sống có tác dụng hành huyết tán ứ, tiêu ung lợi thấp. Dạng chín có tác dụng bổ can, ích thận, cường gân tráng cốt. Ngưu tất sống chữa cổ họng sưng đau, mụn nhọt, đái rát buốt, đái ra máu hoặc sỏi, bế kinh, đẻ khó hoặc khi đẻ rau thai không ra, sau đẻ huyết ứ đau bụng, đầu gối nhức mỏi, … Ngưu tất sao tẩm chữa can thận hư, ù tai, đau lưng, mỏi gối, tay chân co quắp hoặc bại liệt. Không dùng ngưu tất cho phụ nữ có thai, băng huyết [2].
Từ lâu, ngưu tất đã giữ một vị trí quan trọng trong y học cổ truyền Trung Hoa nhờ vào đặc tính thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ cục máu đông. Polypeptid k (ABPPk) là thành phần có hoạt tính tách ra từ dịch chiết ngưu tất, có tác dụng bảo vệ tế bào thần
18
kinh mạnh, chống lại sự chết tế bào theo chu trình trên mô hình in vivo và in vitro. Đánh giá tác dụng của ABPPk trên mô hình gây tắc động mạch não giữa, cho thấy ABPPk làm giảm thể tích nhồi máu, ngăn ngừa các tổn thương oxy hóa ở nhu mô não và ức chế sự hoạt hóa protease phân hủy chất nền nội mô để bảo tồn tính toàn vẹn hàng rào máu não [12]. Ngoài ra, các polypeptid từ ngưu tất (ABPP) giúp phục hồi chức năng vận động, cảm giác, nhận thức ở mô hình đột quỵ thiếu máu cục bộ bằng cách giảm tổn thương tế bào trong hệ thần kinh trung ương. Trên mô hình in vitro đánh giá tác dụng bảo vệ thần kinh của ABPP trước tổn thương gây ra bởi glutamat: ABPP làm tăng khả năng sống sót của tế bào thần kinh, làm giảm hoạt động và biểu hiện của protein caspase- 3 (chất trung gian gây chết tế bào theo apoptosis), giảm tổn thương stress oxy hóa do giảm nồng độ của các gốc oxy hoạt động ROS và ngăn ngừa rối loạn chức năng ty thể [34].
Bên cạnh tác dụng bảo vệ thần kinh, ngưu tất còn nhiều tác dụng có lợi khác như: saponin của ngưu tất làm giảm đáng kể nồng độ troponin T trong máu, bảo vệ chức năng của các tế bào nội mô mạch máu trên mô hình gây nhồi máu cơ tim ở chuột [21]; làm giảm cholesterol máu trên 65 % bệnh nhân có mức cholesterol máu cao, mức độ giảm từ 25 – 50 % so với trước điều trị và làm giảm huyết áp (mức giảm từ 180/100 mmHg xuống 145/90 mmHg) [2]. Các thử nghiệm in vivo và in vitro trên dịch chiết thô, polysaccharid phân lập và triterpen saponin của ngưu tất cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của khối u; chống đông, chống huyết khối; điều trị viêm khớp; bảo vệ và duy trì hoạt động của xương;… [21].