Chuẩn bị cao chiết

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác dụng bảo vệ thần kinh của một số dược liệu trên mô hình thiếu máu não cục bộ in vitro (Trang 30 - 32)

Các mẫu dược liệu được thu hái tại một số tỉnh thành trong nước và được giám định tên khoa học bởi Khoa Tài nguyên, Viện Dược liệu. Các mẫu nghiên cứu được sấy tiếp ở 50 oC đến khô, sau đó cất trong túi nilon kín, tránh ẩm, bảo quản nơi khô ráo.

22

Mẫu thử dành dành (cao GJ)

Cao chiết được chuẩn bị tại Khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu theo phương pháp đã được công bố trước đây [46]. Quả dành dành được thu mua ở tỉnh Bắc Ninh, 100 g quả dành dành khô được xay thành bột mịn và chiết hồi lưu 3 lần với ethanol 50 % (Lần 1: 700ml ethanol 50 % trong 2 giờ; Lần 2: 500ml ethanol 50 % trong 1,5 giờ; Lần 3: 500ml ethanol 50 % trong 1 giờ), lọc dịch chiết sau mỗi lần. Dịch chiết được gộp lại, cất loại dung môi dưới áp suất giảm ở 50 oC. Cao chiết được sấy khô trong tủ sấy chân không ở nhiệt độ 50 oC đến khối lượng không đổi, thu được cao chiết với hiệu suất là 32,4 %. Dựa vào phân tích HPLC, hàm lượng geniposid trong cao chiết ethanol 50 % quả dành dành được ước định là 11,70 ± 0,04 %.

Mẫu thử tam thất (cao PNG)

Cao tam thất được chuẩn bị tại Khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu theo phương pháp đã được công bố trước đây [45]. Rễ củ tam thất được sấy khô trong tủ sấy ở nhiệt độ 50 oC và sau đó nghiền thành bột mịn. Bột dược liệu được chiết hồi lưu 2 lần (tỷ lệ dung môi/dược liệu = 7/1) trong thời gian 2 giờ sử dụng ethanol 70 %. Dịch chiết được bốc hơi dung môi dưới áp suất giảm ở 50 oC. Cao chiết được sấy khô trong tủ sấy chân không ở nhiệt độ 50 oC để thu được cao khô. Hiệu suất chiết cao tam thất là 28,02 %. Cao được bảo quản ở 4 oC đến khi được dùng để nghiên cứu tác dụng dược lý. Dựa vào phương pháp HPLC, cao chiết tam thất được xác định là có chứa 15,86 % Rg1 và 12,04 % Rb1.

Mẫu thử lá hồng (cao DKF)

Cao định chuẩn lá hồng được chuẩn bị tại Khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu và được chuẩn bị theo phương pháp đã được công bố trước đây [29]. Lá hồng được thu hái tại tỉnh Lạng Sơn. Mẫu lá hồng sau khi sấy khô ở 40 – 50 oC, được xay nhỏ để có kích thước từ 2 – 5 mm. Dược liệu được chiết với ethanol 70 % ba lần liên tiếp với tỷ lệ dung môi/dược liệu là 10/8/8 (ml/g) tương ứng cho 3 lần. Thời gian chiết lần lượt là 2h/1,5h/1h. Dịch chiết được gộp lại từ 3 lần, cô bớt dung môi về dịch chiết có nồng độ cồn tương đương 40 %. Dịch chiết này sau đó được hấp phụ lên cột chứa hạt nhựa D101. Sau khi hấp phụ xong rửa bằng ethanol 30 % đến khi nhạt màu. Cột được rửa giải bằng ethanol 60 %. Dịch chiết ethanol 60 %, sau khi thu hồi bớt dung môi, được cô cách thủy đến cao đặc và sấy cao ở 50 oC đến khi thu được cao khô có hàm hượng flavonoid đạt 21 % (định lượng HPLC), độ ẩm cao chiết < 5 % (cao DKF).

23

Mẫu thử ngưu tất

Cao định chuẩn ngưu tất được cung cấp bởi Khoa Công nghệ chiết xuất, Viện Dược liệu. 4 kg rễ ngưu tất được chiết ngâm lạnh bằng ethanol 80 % 3 lần, mỗi lần 24 giờ. Dịch chiết cồn được gộp lại và được cô thu hồi dung môi dưới áp suất còn lại 1/10 thể tích dịch. Dịch cô đặc được phân tán trong nước và hấp phụ trên cột nhựa D101. Hạt sau quá trình hấp phụ được rửa giải loại tạp bằng dung môi nước và ethanol 20 % sau đó rửa giải bằng dung môi ethanol 50 % thu được 89 g cao có hàm lượng saponin tổng đạt 40,24 % (định lượng bằng phương pháp UV theo acid oleanoic).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác dụng bảo vệ thần kinh của một số dược liệu trên mô hình thiếu máu não cục bộ in vitro (Trang 30 - 32)