Xuất phát từ những yêu cầu trên, việc hoàn thiện pháp luật về BVMTN ở Việt Nam cần đảm bảo một số quan điểm cơ bản như sau:
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường nước cần hướng đến đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người dân : Quyền sống trong môi trường trong lành là một quyền cơ bản của con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều văn kiện, công ước quốc tế, như: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948; Nghị quyết của Đại hội đồng Liệp hợp quốc năm 1962 về sự phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội năm 1966.
Việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường nước phải góp phần bảo đảm phát triển bền vững: Pháp luật về BVMTN phải thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cùng với kinh tế, xã hội, các yêu cầu BVMTN phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường nước phải đảm bảo tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật: Để ban hành Pháp luật về BVMTN hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất đòi hỏi phải rà soát và điều chỉnh để các quy phạm pháp luật không có sự chồng chéo hay mâu thuẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi hành quy định pháp luật của các cá nhân và tổ chức. Trên cơ sở đó, pháp luật về BVMTN được ban hành phải khắc phục triệt để các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống pháp luật về BVMTN, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường nước cần đảm bảo đồng bộ và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn: Việc hoàn thiện pháp luật về BVMTN cần đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc nhằm đảm bảo tính toàn diện; đồng bộ, thống nhất; phù hợp và ổn định tương
đối; công khai và dễ tiếp cận với mọi người; bảo đảm tính công bằng giữa các nhân và tổ chức.
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường nước cần phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên : Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế của thế giới và khu vực, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Hiệp định khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản...và các Hiệp định song phương, trong đó có những nội dung thể hiện các cam kết về môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.