Về nội dung của hoạt động môi giới bất động sản

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản ở việt nam 60 (Trang 87 - 88)

Luật Thương mại 2005 không có quy định chung bất động sản là hàng hoá mà chỉ mới dừng lại ở quy định “vật gắn liền với đất” là hàng hoá. Nhưng ngay quy định về “vật gắn liền với đất” lại không được xác định rõ là những vật gì. Đặc điểm của thị trường bất động sản là bất động sản muốn tham gia giao dịch trên thị trường thì phải được pháp luật cho phép. Vì vậy Luật Kinh doanh bất động sản phải có nhiệm vụ xác định rõ bất động sản là “vật gắn liền với đất” bao gồm những vật gì, ví dụ như nhà ở, công trình xây dựng. Luật Thương mại 2005 cũng chưa có sự thừa nhận quyền sử dụng đất là hàng hoá cho nên phạm vi hoạt động môi giới bất động sản với tư cách là môi giới thương mại hiện nay về mặt pháp lý mới chỉ ở những đối tượng là vật gắn liền với đất. Nếu chúng ta thực sự phát triển kinh tế theo hướng thị trường, thực sự muốn xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh thì việc thừa nhận quyền sử dụng đất là hàng hoá là cần thiết và do vậy các giao dịch về quyền sử dụng đất của các thương nhân kinh doanh, môi giới bất động sản cần phải được ghi nhận trong Luật Thương mại. Một khi Luật Thương mại chỉ quy định về hàng hoá hữu hình thì vấn đề đa dạng hoá quyền sở hữu đối với đất đai cần phải được tính đến. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc xác định phạm vi giao dịch trên thị trường bất động sản, cũng là phạm vi hoạt động môi giới bất động sản.

Đồng thời chúng ta cũng cần phải có những quy định xác nhận việc môi giới bất động sản là hoạt động thương mại, môi giới thương mại. Khi đó môi giới bất động sản không chỉ là môi giới trong việc mua bán, chuyển nhượng vật gắn liền với đất mà bao gồm tất cả các hành vi khác có mục đích sinh lợi như môi giới chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, thế chấp, góp vốn... bằng bất động sản. Để làm được điều này thì cùng với việc ghi nhận quyền sử dụng đất là hàng hoá, cần phải mở rộng quy định về hoạt động môi giới trong Luật Thương mại 2005 cho phù hợp với quy định về hoạt động thương mại. Từ đó, Quy chế hoạt động môi giới bất động sản sẽ quy định về từng lĩnh vực môi giới bất động sản một cách cụ thể.

Những thoả thuận của các bên trong hợp đồng môi giới cũng thuộc phạm vi hoạt động môi giới bất động sản. Vì vậy Quy chế hoạt động môi giới bất động sản cần có quy định về hình thức, nội dung của hợp đồng môi giới bất động sản. Chúng tôi kiến nghị Quy chế hoạt động môi giới bất động sản cần quy định hợp đồng môi giới bất động sản phải được lập bằng văn bản. Quy định như vậy sẽ bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên

trong hợp đồng nếu xảy ra tranh chấp vì lĩnh vực này rất nhạy cảm và khó có thể phân định đúng sai một khi hợp đồng được giao kết dưới các hình thức lời nói hay hành vi cụ thể. Riêng đối với nội dung của hợp đồng, Quy chế chỉ nên đưa ra những nội dung mang tính định hướng để các bên thoả thuận trên cơ sở tôn trọng quyền tự do thoả thuận của các bên phù hợp với pháp luật. Quy định về nội dung hoạt động môi giới cũng là cơ sở xác định cho người môi giới một số quyền và trách nhiệm khi thực hiện công việc này. Một khi người môi giới có quyền tiếp nhận yêu cầu và được hưởng thù lao thì họ cũng phải có nghĩa vụ tìm kiếm, giới thiệu, quảng cáo...cho khách hàng. Chẳng hạn một thoả thuận về mức độ sử dụng dịch vụ môi giới cũng có thể làm cho nội dung hoạt động này trở nên phong phú, sinh động và phù hợp với thực tiễn hơn.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản ở việt nam 60 (Trang 87 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)