Chọn lựa chiến lược cạnh tranh tổng quát

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm game online ở công ty VNG đến năm 2020 (Trang 32 - 35)

5. Kết cấu luận văn

1.5.2 Chọn lựa chiến lược cạnh tranh tổng quát

Theo Michael Porter (1998), “chiến lược cạnh tranh là sự kết hợp của các mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới và những phương tiện (chính sách) mà nó sử dụng để thực hiện các mục tiêu”.

1.5.2.1 Chiến lược chi phí thấp nhất

Công ty sử dụng chiến lược này để vượt trội đối thủ cạnh tranh bằng cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp nhất. Chiến lược này tập trung vào công nghệ và quản lý để giảm chi phí, không tập trung vào khác biệt hóa sản phẩm, không đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, đưa ra sản phẩm mới, tính năng mới, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng trung bình. Chiến lược này có các ưu điểm: (1) Do chi phí thấp, công ty có thể bán sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh mà vẫn giữ nguyên mức lợi nhuận. Nếu các đối thủ cạnh tranh bán sản phẩm ở cùng mức giá thì rõ ràng công ty có chi phí thấp hơn sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn. (2) Nếu xảy ra chiến tranh giá cả và các công ty cạnh tranh chủ yếu ở khía cạnh giá cả khi ngành kinh doanh đi vào giai đoạn trưởng thành, công ty có chi phí thấp hơn sẽ chịu đựng với sự cạnh tranh tốt hơn. (3) Công ty dễ dàng chịu đựng được khi có sức ép tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, công nghệ để đạt mức chi phí thấp là tốn kém, dễ dàng bị bắt chước, có thể không chú ý đến thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, với mục tiêu là chi phí thấp, công ty không tập trung vào khác biệt hóa sản phẩm mà dừng lại ở mức thấp, chấp nhận được ở mức chi phí thấp.

1.5.2.2 Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm

Mục tiêu của chiến lược này là đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách tạo ra sản phẩm có tính chất độc đáo để thoả mãn nhu cầu của khách hàng mà các đối thủ cạnh tranh không thể. Doanh nghiệp có thể chọn mức khác biệt hoá dịch vụ cao để đạt được lợi thế cạnh tranh, khác biệt hoá dịch vụ ở từng phân đoạn thị trường cụ thể hoặc khác biệt hoá dịch vụ tập trung tăng cường chất lượng các hoạt động chức năng để tạo ra lợi thế về khác biệt hoá dịch vụ. Nhược điểm chính của chiến lược

khác biệt hóa chủ yếu là khả năng duy trì sự khác biệt trong thời gian dài vì các đối thủ cạnh tranh thường bắt chước sản phẩm dịch vụ rất nhanh. Chiến lược khác biệt hóa sẽ thất bại nếu khách hàng không coi trọng tính khác biệt của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh hoặc sự khác biệt quá đơn giản, dễ dàng bị đối thủ bắt chước.

1.5.2.3 Chiến lược chi phí thấp hợp lý kết hợp với khác biệt hóa các yếu tố đầu ra

Đối với chiến lược này, các đơn vị kinh doanh sẽ cung cấp cho khách hàng những giá trị vượt trội so với giá cả sản phẩm bằng cách đáp ứng tốt các mong muốn của khách hàng đối với các thuộc tính sản phẩm như: chất lượng, dịch vụ, các đặc trưng nổi bật, hiệu quả sử dụng với mức giá cả hợp lý nhất. Để thực hiện chiến lược này, đơn vị kinh doanh phải có nguồn lực, bí quyết và khả năng tiềm tàng để tạo ra được sản phẩm: chất lượng ngày càng cao, đặc trưng hấp dẫn, hiệu quả sử dụng sản phẩm sánh được với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh

Chiến lược này nhắm đến khu vực giữa lợi thế chi phí thấp với lợi thế tạo ra sự khác biệt và giữa khu vực thị trường rộng với thị trường hẹp hay ẩn náu. Với vị trí cạnh tranh này, chiến lược cung cấp các sản phẩm có các thuộc tính vượt trội so với giá cả là chiến lược pha trộn, rất có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách hàng vừa nhạy cảm với giá cả và giá trị sản phẩm. Chiến lược này có thể tạo được nhiều lợi thế hơn chiến lược giá thấp thuần túy hoặc chiến lược tạo ra sự khác biệt thuần túy.

1.5.2.4 Chiến lược tập trung vào thị trường thích hợp

Khác với ba chiến lược trên, chiến lược tập trung chỉ đáp ứng nhu cầu cho một phân khúc thị trường nào đó được xác định thông qua yếu tố địa lý, đối tượng khách hàng hoặc tính chất của sản phẩm. Công ty có thể thực hiện chiến lược tập trung thông qua hai phương thức: chi phí thấp và khác biệt hóa. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thực hiện chiến lược tập trung bắt nguồn từ năng lực khác biệt của nó. Tuy nhiên, thực hiện chiến lược tập trung sản xuất với số lượng nhỏ thì chi phí sản xuất thường cao hơn thực hiện chiến lược chi phí thấp và sẽ làm giảm khả năng lợi nhuận.

1.5.2.5 Chiến lược phản ứng nhanh

Trong quá trình cạnh tranh các doanh nghiệp chuyển từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh dựa trên sự khác biệt hóa, và sau nữa là sự thành công thuộc về các công ty có sự kết hợp thành công giữa chi phí thấp và khác biệt hóa. Khi những điều này trở nên phổ biến thì sức cạnh tranh của nó bị suy giảm do các doanh nghiệp đều hoạt động như vậy. Gần đây, nhiều công ty thấy rằng họ có thể đạt tới lợi thế cạnh tranh bằng việc chú trọng vào đáp ứng những đòi hỏi về thời gian. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định là trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu, tiến bộ về công nghệ diễn ra với tốc độ như vũ bão và môi trường thay đổi rất nhanh, thì chỉ có những công ty có thể phát triển, sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ nhanh hơn cho khách hàng thì mới có thể tồn tại và phát triển. Lợi thế cạnh tranh có thể đạt được thông qua phản ứng nhanh theo các khía cạnh sau: Phát triển sản phẩm mới, cá nhân hóa các sản phẩm, hoàn thiện các sản phẩm hiện hữu, phân phối các sản phẩm hiện hữu, phân phối các sản phẩm theo đơn hàng, điều chỉnh các hoạt động Marketing, hay quan tâm đến những yêu cầu của khách hàng.

TÓM TẮT CHƯƠNG 1

Dù hoạt động ở bất cứ lĩnh vực nào thì doanh nghiệp cần phải xây dựng được chiến lược cạnh tranh và nhận biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Một chiến lược cạnh tranh được xây dựng trên nền tảng lý luận khoa học và thực tiễn đóng vai trò quan trọng sống còn trong việc tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chương 1 đã đưa ra được các cơ sở lý luận để phân tích lợi thế cạnh tranh và cách thức và lựa chọn chiến lược cạnh tranh hiệu quả. Tiếp theo chương 2 sẽ phân tích tiếp thực trạng kinh doanh sản phẩm game online của VNG và tìm ra các vấn đề hạn chế đang tồn tại, phân tích được môi trường kinh doanh bên ngoài và bên trong tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm game online của VNG.

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG KINH DOANH SẢN PHẨM GAME ONLINE CỦA CÔNG TY VNG

Mục đích của chương này là nhằm phân tích các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài để tìm ra các cơ hội và đe dọa, và phân tích yếu tố thuộc nội bộ của công ty để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh sản phẩm game online của VNG.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm game online ở công ty VNG đến năm 2020 (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)