II CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TNLĐ&BNN Ở NƯỚC TA:
2 Công tác an toàn lao động:
2.1 Công tác trang bị bảo hộ lao động:
Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp một cách hiệu quả bởi nó giúp cho người lao động tránh được các nhân tố có hại từ môi trường lao động nhất là khi nó được trang bị đầy đủ và được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, công tác trang bị bảo hộ lao động ở nước ta còn rất yếu kém và ở nhiều nơi nhiều lúc công tác này còn chưa được coi trọng. Theo kết quả điều tra của Bộ lao động Thương binh và Xã hội tiến hành trên 625 doanh nghiệp quốc doanh, 986 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 120 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có tới 53,29% số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; 29,25% số lao động làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh không có đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của
chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm về trang bị bảo hộ lao động như không trang bị bảo hộ lao động, hoặc trang bị thiếu không đầy đủ, hoặc có những nơi trang bị đủ về số lượng nhưng chất lượng lại không đảm bảo…
2.2 Công tác huấn luyện an toàn lao động:
Trong tình trạng công tác về trang bị bảo hộ lao động còn yếu kém như vậy thì công tác huấn luyện an toàn lao động lại càng ít được các doanh nghiệp chú ý. Trong hơn 43 triệu lao động cả nước thì có tới 77,5% chưa qua đào tạo nghề và thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Hàng năm chỉ có 50% các doanh nghiệp trong tổng số các doanh nghiệp trên cả nước được tổ chức học luật và có khoảng 80% doanh nghiệp có huấn luyện kỹ thuật và nội quy an toàn lao động. Ở các doanh nghiệp nhà nước việc huấn luyện kỹ thuật an toàn và nội quy an toàn về cơ bản đã trở thành nề nếp, ngoài ra còn tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Song đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện tại công tác này còn nhiều hạn chế với lí do chủ yếu là tài chính, dẫn tới tình trạng khó kiểm tra, kiểm soát được số lượng lao động được trang bị những kiến thức đầy đủ về an toàn lao động cũng như chất lượng của các khoá đào tạo đó lại càng khó kiểm soát hơn (nhất là khi các doanh nghiệp này lại tự tổ chức các khoá huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động).
2.3 Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động:
Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động hiện nay do ngành Lao động - Thương binh - Xã hội thực hiện ngoài ra còn có sự phối hợp với các ngành chức năng khác. Trong những năm qua ngành đã thường xuyên tổ chức kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp và đã phát hiện kịp thời nhiều đơn vị, cá nhân người lao động chưa chấp hành nghiêm công tác an toàn vệ sinh lao động, yêu cầu thực hiện đúng quy định, ra quyết định ngừng hoạt động đối với các máy móc, thiết bị không đảm bảo… Tuy nhiên, hoạt động của Thanh tra lao động vẫn còn thể hiện một số vấn đề tồn tại cần giải quyết như:
+ Hệ thống tổ chức chưa được kiện toàn một cách thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
+ Lực lượng thanh tra viên và trình độ thanh tra viên còn nhiều bất cấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến cuối năm 2002, cả nước chỉ có 96 Thanh tra viên lao động, 87 Thanh tra viên cả an toàn lao động và chính sách lao động, 77 Thanh tra viên vệ sinh lao động (thuộc Bộ Y tế). Với số lượng như trên, mỗi thanh tra viên lao động phải đảm nhận gần 300 doanh nghiệp hoặc phải quản lí hơn 10 vạn lao động. Đây là một thực tế không thể thực hiện được. Cũng do số lượng Thanh tra viên ít như vậy nên nhiều lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao song không được thanh tra như: nông, lâm, ngư nghiệp, hộ kinh doanh làng nghề…
+ Thêm vào đó, điều kiện vật chất bảo đảm cho hoạt động Thanh tra còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại và làm việc huấn luyện đào tạo Thanh tra viên.
Chính sự yếu kém trong công tác thanh tra và kiểm tra an toàn vệ sinh lao động là cơ sở cho các doanh nghiệp không thực hiện việc đảm bảo an toàn sản xuất cho người lao động hoặc việc thực hiện tuy được thực hiện song chất lượng của các công việc đó không được đảm bảo, mang tính hình thức, hiệu quả không cao…