Kính thưa Quốc hội, Kính thưa Bộ trưởng,
Tôi xin Bộ trưởng cho phép tìm hiểu về 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong thời gian qua việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng nảy sinh những hệ lụy tất yếu, đặc biệt hơn 5.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ lao đao phá sản và đình đốn sản xuất, kinh doanh. Theo đó có hàng trăm ngàn công nhân, người lao động mất việc làm, thu nhập thấp kém, điều đó gây không ít áp lực cho xã hội. Vậy, với trách nhiệm của mình, Bộ công thương đánh giá như thế nào về khả năng hồi sinh của các doanh nghiệp đó. Trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012 Bộ công thương sẽ làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như tham gia giải quyết các vấn đề xã hội do việc các doanh nghiệp phá sản gây ra.
Thứ hai, để hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, một giải pháp cần được quan tâm là việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là việc đào tạo các kỹ sư, thợ bậc cao cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên qua theo dõi tôi thấy rằng xu thế của các bạn trẻ gần đây không mặn mà lắm với nhóm ngành này. Biểu hiện là trong các kỳ thi tuyển sinh gần đây vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước thì tỷ lệ chọi của các ngành công nghiệp thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ở các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, y dược v.v.
Xin hỏi Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này và phải chăng có lý do xuất phát từ thực trạng của ngành công nghiệp nước nhà. Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ có định hướng và giải pháp gì để thu hút đông đảo hơn nữa các bạn trẻ, nhất là những người có trình độ đầu quân vào các lĩnh vực của ngành. Xin cám ơn Bộ trưởng. Cảm ơn Quốc hội.