Kính thưa Quốc hội,
Tôi thấy các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đã được đồng chí Bộ trưởng trả lời tương đối đầy đủ, tôi xin báo cáo thêm một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về vấn đề chống độc quyền ngành điện và phát triển thị trường cạnh tranh, phải khẳng định đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo một cách hết sức quyết liệt, Bộ công thương, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ khoa học và công nghệ là các bộ có liên quan tham gia hết sức tích cực, không có việc lơi lỏng hay thiếu trách nhiệm trong vấn đề này. Việc này đã được Quốc hội đưa ra trong Luật điện lực năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một lộ trình như các đại biểu nói đến năm 2022 có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, chúng ta sẽ phải đi qua bước thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng tính đến tính phức tạp của việc hình thành thị trường điện. Đây là vấn đề chung trong việc xóa bỏ thị trường điện, xóa bỏ độc quyền, trong đó có độc quyền tự nhiên. Cho nên nó phức tạp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện qua các bước hết sức thận trọng bởi vì lý do của nó là khi anh xóa bỏ độc quyền, khi anh đưa cạnh tranh vào ngành điện để nó hoạt động một cách có hiệu quả thì đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản, phải đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng của thị trường và phải bảo đảm việc canh tranh của thị trường là lành mạnh và không gián đoạn của thị trường điện. Đây là vấn đề trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chính phủ và các bộ, ngành đều phải lưu ý.
Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ nói rằng đối với từng bước thực hiện thị trường điện đều phải thực hiện các bước thử nghiệm, sau khi thực hiện thử nghiệm phải tiến hành đánh giá và nếu có những nhược điểm thì phải khắc phục nhược điểm đó và phải khẳng định bước thử nghiệm thực hiện tốt mới được chuyển bước sang bước mới. Đấy chính là để đạt được mục tiêu như tôi đã nói ở trên là nó phải đạt được mục tiêu đáp ứng được nhu cầu điện và không gây hỗn loạn trong thị trường điện. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật điện mà Bộ công thương đang trình cũng có tính đến các bước chuyển sang thị trường điện cạnh tranh, chuyển việc Thủ tướng Chính phủ quyết định giá bán lẻ điện sang việc Chính phủ chỉ quyết định khung giá bán lẻ, tức giá cao nhất và giá thấp nhất và nguyên tắc để tính giá bán lẻ, đó chính là để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, bởi vì nếu không có việc điều chỉnh giá điện như vậy theo hướng thị trường thì chúng ta không thu hút được đầu tư, không một nhà đầu tư tư nhân nào yên tâm vào thị trường điện mà có quy định giá điện cứng, như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu vì thị trường rất biến đổi.
Một trong những lý do vừa rồi làm chậm là liên quan đến việc chúng ta phải thực hiện các giải pháp để ứng phó tác động của khủng hoảng kinh tế cũng như tài chính của thế giới đối với chúng ta. Chính vì vậy, các doanh nghiệp điện lực bị tác động đó cũng như bất ổn kinh tế vĩ mô thì các doanh nghiệp điện lực trong hệ thống của chúng ta hiện nay đều gặp khó khăn về tài chính. Không phải chỉ có điện lực Việt Nam mà như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu kể cả các doanh nghiệp điện lực tư nhân khi họ bán điện như vậy, ký hợp đồng đàm phán dài hạn như vậy, nhưng sau này khi có biến động, đặc biệt biến động về vĩ mô tức là biến động tỷ giá thì các doanh nghiệp phát điện người ta không có khả năng trả nợ do riêng chênh lệch tỷ giá. Riêng ngành điện chênh lệch tỷ giá trong 2 năm vừa qua đã lên đến 25 ngàn tỷ. Chính vì vậy, việc thử nghiệm thị trường điện lực cũng phải tính đến yếu tố này.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ quyết định chia các nhà máy điện của EVN thành 3 nhóm công ty phát điện tạo mô hình cạnh tranh trong khâu phát điện, đến khi thị trường cạnh tranh phát điện sẽ thực hiện từ ngày 1 tháng 7 này hoạt động ổn định thì cho phép cổ phần hóa các công ty phát điện đó và ra cạnh tranh cùng với các nhà máy điện tư nhân. Đây là hướng đi mà Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng thời với nó xây dựng các cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp cho đồng bộ. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo theo hướng này và thường xuyên báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện.
Chúng tôi xin báo cáo thêm một ý về thủy điện, anh Hoàng đã nêu rất rõ Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại các quy hoạch thủy điện. Trong thời gian qua Bộ công thương và các địa phương đã rà soát loại bỏ được 52 nhà máy thủy điện mà thấy quy hoạch đưa ra như vậy nhưng khi đi vào lập dự án chi tiết thì thấy diện tích chiếm rừng, chiếm đất sản xuất quá lớn mà không có nguồn cân đối trở lại. Trong thời gian tới tiếp tục chúng ta rà soát lại các dự án theo quy hoạch. Chúng tôi xin khẳng định thủy điện là một tiềm năng năng lượng sơ cấp lớn của đất nước chúng ta và chúng ta phải phát triển nó, tận dụng nó, khai thác nó đa mục tiêu để
bảo đảm lợi ích của người dân, của xã hội, doanh nghiệp và của đất nước. Nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và môi trường. Chúng ta vẫn nói các tỉnh ở khu vực miền Trung của chúng ta có độ dốc cao và khi gặp phải mưa, lũ thì bị tác động rất lớn thì điều đó là đúng và hiện nay không nói đến các hồ thủy điện thì các tỉnh miền Trung của chúng ta, mỗi tỉnh đều có từ 100 -300 hồ chứa thủy lợi. Nếu không có những hồ này thì không cách gì bảo đảm đủ nước cấp cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Việc phát triển các hồ thủy điện cùng với hồ thủy lợi là vấn đề cần thiết và chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện theo quy hoạch. Nhưng khi chúng ta đánh giá các dự án thủy điện, chúng ta cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và các địa phương với các bộ, ngành. Ở đây trong thời gian vừa qua chúng tôi thấy có sự phối hợp thiếu chặt chẽ.
Ví dụ, trong quy định của chúng ta đều nói rằng khi chúng ta quy hoạch hoặc lập dự án thủy điện đều phải có ý kiến của các cơ quan nông nghiệp, thủy lợi để đánh giá được việc cung cấp nước và bảo đảm nước cho khu vực hạ du thì việc tham gia này chưa chặt chẽ. Ví dụ, vừa rồi Bộ tài nguyên và môi trường cũng phải xử lý một trường hợp là khi chúng ta duyệt một dự án thì chúng ta đã đồng ý tất cả các thông số dự án đã đưa ra. Nhưng sau này khi tham gia đánh giá lại dự án thì nhiều cơ quan ở địa phương các đồng chí nói vấn đề này là của đồng chí trước, tôi không biết, nhưng bây giờ chúng tôi thấy nó có vấn đề, tôi nói ví dụ như thế thì chúng ta phải tăng cường sự phối hợp với nhau.
Thứ hai là trồng bù rừng đã mất như anh Hoàng đã nói, chúng tôi kiểm tra thời gian vừa qua có rất nhiều địa phương không có quỹ đất để bố trí. Thứ nhất, chúng tôi đã chỉ đạo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp lại toàn bộ diện tích rừng sẽ phải trồng bù và các doanh nghiệp phát triển thủy điện phải dành nguồn vốn cho việc trồng bù rừng này là việc nhất định chúng ta phải làm. Đây là quy định của luật pháp, đối với địa phương nào không bố trí được đủ đất để trồng rừng, chúng ta sẽ thu số tiền đó về Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo xem trồng rừng ở chỗ nào để bảo đảm chúng ta có diện tích rừng trồng bù lại được, không nhất thiết ở địa phương rừng bị mất. Đây là việc chúng tôi đang chỉ đạo để chúng ta thực hiện trong thời gian tới.
Vấn đề về tái định cư, đúng là vấn đề mục tiêu Quốc hội đã đưa ra đối với các dự án thủy điện và di dân tái định cư là phải bảo đảm ổn định cuộc sống và cuộc sống cho đồng bào phải ổn định và tốt hơn nơi ở cũ. Đây là mục tiêu lâu dài mà chúng ta phải rất kiên trì và rất quyết tâm, chúng ta mới làm được trong nhiều năm đối với những dự án thủy điện di dân tái định cư hiện nay đang gặp khó khăn, chúng tôi đang chỉ đạo chủ đầu tư địa phương, Bộ công thương tiếp tục phải phối hợp tìm ra các giải pháp để chúng ta thực hiện cho được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Chúng tôi thấy những mục tiêu như lo cho đồng bào có đủ đất, chuyển đổi cơ cấu, chúng ta biết ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao thì diện tích đất hết sức khó khăn. Chính vì vậy mà việc chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ cũng là những giải pháp mà hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ công thương, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ chúng ta phối hợp thực hiện.
Vấn đề thứ ba là công nghiệp phụ trợ, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội, phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những nội dung của tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch mô hình phát triển mô hình tăng trưởng. Đây là mục tiêu mà chúng ta đã phấn đấu trong nhiều năm nay chứ không phải bây giờ chúng ta mới lo đến, chính vì vậy, chúng ta có các ngành công nghiệp phát triển. Nếu tính trước giai đoạn khủng hoảng từ năm 2007 gặp khó khăn về tác động của kinh tế tài chính cũng như ổn định kinh tế vĩ mô thì công nghiệp chúng ta thường xuyên tăng trưởng 15-17%/1 năm và chuyển dịch cơ cấu của chúng ta đã đến 41,5% GDP, đó là sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghiệp phụ trợ.
Ngành công nghiệp phụ trợ có khái niệm rất rộng, như anh Hoàng vừa nói, ngành công nghiệp sản xuất phân bón chẳng hạn không thể nào phát triển được nếu ngành chính của nó cũng là ngành nông nghiệp và nông sản. Chính nhờ sự phát triển của nông nghiệp và nông sản như vậy thì thị trường phân bón mới phát triển và nó mới tạo điều kiện, tạo quy mô kinh tế để các nhà đầu tư đầu tư vào phát triển phân bón. Đến nay chúng ta làm chủ cơ bản các loại phân bón, trong đó có cả phân đạm, chỉ còn phải nhập khẩu một số loại như Sunfat amôn, như là cali và một số loại khác. Còn ngay phân DAP nếu không nhờ sự phát triển mạnh mẽ các cây công nghiệp thì cũng không thể nào chúng ta phát triển được ngành phân DAP. DAP là một mục tiêu đã đưa trong nhiều đại hội mà trước đây chúng ta không làm được nhưng sau này chúng ta đã phát triển được dự án DAP để đáp ứng, cho đến nay khoảng 40% nhu cầu của thị trường và chúng ta đang làm tiếp thị trường khác. Vấn đề các ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến ngành cơ khí chế tạo, như nguyên tắc mà tôi đã báo cáo ở trên, tức là nếu những ngành công nghiệp chính của chúng ta không phát triển thì ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta không có cách gì phát triển, mà công nghiệp phụ trợ của chúng ta chủ yếu khuyến khích phát triển vào quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, và khối doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô, sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng, tài chính và sự phát triển của nền kinh tế là điều kiện vô cùng cần thiết cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi vì nếu không có sự phát triển đó thì không một doanh nghiệp tư nhân nào người ta có thể đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, bởi vì đó là đầu tư cho sản xuất. Còn lại các doanh nghiệp tư nhân khi phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với số lượng vốn nhỏ như vậy bao giờ người ta cũng phát triển từ ngành dịch vụ và khi người ta ổn định, có tích lũy người ta mới chuyển sang sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Chính phủ đã có các cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có thể nói các cơ chế ưu đãi cho phát triển công nghiệp của Việt Nam chúng ta hiện nay đứng đầu trong khu vực, không có một quốc gia nào có những cơ chế ưu đãi như vậy. Một số chính sách về khu công nghiệp như các đại biểu có hỏi thì chúng tôi đang tiếp tục giao cho các bộ, ngành xem xét lại các nghị định của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, để lấp đầy khu công nghiệp thì tiếp tục chúng ta sẽ có chính sách để sửa đổi. Nhưng những chính sách hỗ trợ công nghiệp, hỗ trợ về thuế, các khuyến nông, khuyến công, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ là những chính sách Việt Nam chúng ta có rất
đầy đủ. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì việc phát triển những tập đoàn lớn, những sản phẩm lớn hết sức cần thiết là mong muốn của chúng ta. Ví dụ như phát triển ngành công nghiệp điện tử trong thời gian vừa qua là một ví dụ để chúng ta thấy là một doanh nghiệp đầu tư khi họ phát triển được quy mô sản xuất cỡ hàng chục ngàn lao động, quy mô xuất khẩu cỡ hàng chục tỷ đô la một năm thì tự nhiên nó sẽ lôi kéo được các doanh nghiệp vệ tinh đến. Bởi vì họ đủ quy mô kinh tế để họ có thể sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Đây chính là những vấn đề chúng tôi thấy trong thời gian tới, đặc biệt thực hiện Đề án về tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình kinh tế chúng ta sẽ tiếp tục phải thực hiện. Chính phủ cùng với các bộ, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo kêu gọi xây dựng các cơ chế chính sách thuế để ưu đãi hấp dẫn hơn và tập trung vào những ngành mình có lợi thế chứ không phải tràn lan, bởi vì công nghiệp hỗ trợ nó rất rộng.
Thứ hai nữa khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, thành phần kinh tế nhỏ và vừa để tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này. Tôi xin hết.