So sách luật đầu tư nước ngoài và những chính sách có liên quan của ASEAN và các nước Đông Dương.
Trong phần đầu của bài nói, Bà PGS. Kaneko đã trình bày về các luật lệ Quốc tế về tự do hoá đầu tư, những xung đột trong việc đàm phán, xây dựng Dự thảo Hiệp định đầu tư khu vực (MAI) do các nước OECP đưa ra, sự phản ứng của các nước ASEAN, các nước Đông Dương. Trên cơ sở phân tích xu hướng chung trên thế giới, trong đó có xu hướng tự do hoá đầu tư, Bà Kaneko khẳng định sự cần thiết của việc các quốc gia cố gắng thiết lập và tăng cường các luật lệ chung nhằm điều chỉnh cũng như nâng cao tự do hoá đầu tư Quốc tế theo hướng cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Hiện nay, có hai loại luật lệ quốc tế khác nhau liên quan đến tự do hoá đầu tư là các luật lệ điều chỉnh hành vi của các công ty đa quốc gia (MNCs) và các luật lệ điều chỉnh việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của các Chính phủ.
Đối với loại quy định thứ nhất, cho đến nay, vẫn đạt được rất ít sự tiến bộ vì các quốc gia ngày càng ít quan tâm đến việc kiểm soát đối với các công ty đa quốc gia.
Loại quy định thứ hai có một số tiến bộ đặc biệt từ những năm 1980. Hiệp định đầu tư song phương đã trở thành một khuynh hướng từ những năm 80 và sau đó trở thành Hiệp định đa phương toàn diện như Hiệp định thương mại liên quan đến đầu tư TRIM. Sau khi TRIM có hiệu lực vào năm 1995, một số nước phát triển đã bắt đầu đàm phán những luật lệ đa phương tiếp theo về tự do hoá đầu tư ở OECD: MAI (Hiệp định đầu tư đa phương). Tuy nhiên, trong thực tế quá trình đàm phán các Hiệp định này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc xem xét và dành các chế độ đãi ngộ quốc gia (NT) và chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) giữa các quốc gia. Hiện nay, trong các nước đang phát triển có khuynh hướng là thu hút nguồn đầu tư bằng cách cung cấp cho các công ty đa quốc gia sự đối xử
ưu đãi như miễn, giảm thuế và bao cấp. Đặc biệt trong quá trình thu hút đầu tư ở các nước ASEAN, cùng với việc sử dụng rộng rãi các biện pháp khuyến khích trên, các nước này đã tăng cường việc yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ nghiêm ngặt (nội hoá sản xuất) đối với đầu tư trực tiếp. Nhìn chung một số nước ASEAN và khu vực Đông Dương đang cố gắng tạo ra một tổng thể chính sách rõ ràng và hợp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Phần tiếp theo, Bà Kaneko đã trình bày chi tiết về pháp luật đầu tư của các nước trong khu vực như Thailand, Laos, Campuchia, Indonesia. Bà Kaneko cho rằng Thailand là một ví dụ điển hình của chính sách thu hút đầu tư trực tiếp một cách tích cực với việc áp dụng cả những biện pháp mềm (khuyến khích ưu đãi) và cứng (kiểm soát tuỳ tiện) nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình sử dụng đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chính sách tự do đầu tư của WTO và APEC, chính sách này gần đây đã phải thay đổi kiểu sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách độc đoán. Ví dụ: điển hình thứ hai mà Bà Kaneko lựa chọn là Indonesia và Laos. Hai nước này đại diện cho chính sách lựa chọn sự cân bằng giữa xu hướng tự do hoá đầu tư và những vấn đề ngược lại của chính sách trong nước. Phần cuối của bài viết, Bà Kaneko đã đề cập đến Luật Đầu tư của Campuchia, nước này đã từ bỏ chính sách công nghiệp quốc gia và dành cho các nhà đầu tư quyền tự do tối đa cũng như những ưu đãi lớn nhất để thu hút đầu tư.
Có thể thấy rằng các nước ASEAN đã dành cho các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà hiện nay các nhà làm luật Việt Nam cần cân nhắc để tránh những khiếm khuyết mà các nước ASEAN đã vấp phải.
Phần bình luận về pháp luật của Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng:
- Thứ nhất: Luật đầu tư của Việt Nam đã dành cho các nhà đầu tư nước ngoài sự ưu đãi đặc biệt. Việc đối xử ưu đãi này đối với các nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong nước. Rõ ràng đây là vấn đề không công bằng trong pháp luật Việt Nam.
- Thứ hai: cùng với xu hướng tự do hoá đầu tư hiện nay và tiến trình gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO, APEC, pháp luật Việt Nam phải đảm bảo cân đối giữa việc tạo cơ sở hấp dẫn đầu tư nước ngoài đồng thời hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của FDI, đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiến tới xây dựng thống nhất Luật đầu tư chung cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
- Thứ ba: cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo luật công ty.
- Thứ tư: có sự phân định rành mạch luật đầu tư và luật công ty.
Nhìn chung ý kiến đóng góp của các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư đã giúp cho các chuyên gia Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các biện pháp thích hợp thúc đẩy thu hút dòng FDI trong giai đoạn hiện nay. Trong vấn đề đầu tư, ông Hoàng Phước Hiệp có bài trình bày một số điểm mới trong pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Bài tham luận tập trung vào 3 phần chính sau:
Tổng quan về quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tại Việt Nam.
Những nội dung chủ yếu của luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996. Bước tiến mới trong pháp luật về FDI tại Việt Nam.
Ông Bùi Quốc Trung giới thiệu về khu vực đầu tư ASEAN (AIA). Đây là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới. Bài viết đề cập 2 phần chính là nêu nội dung cơ bản của AIA và những thuận lợi cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia AIA. Ông đưa ra 2 nguyên nhân của việc xây dựng Hiệp định khu vực đầu tư là xu hướng tự do hoá toàn cầu hoá và xu hướng tăng cường đầu tư khu vực vào từng nước một. Mục tiêu chính của AIA là tăng cường tính hấp dẫn trong đầu tư và loại bỏ mọi trở ngại tạo ra một khu vực đầu tư thống nhất trong toàn khu vực. Mục tiêu này phải là ý tưởng chung của tất cả các nước ASEAN, thời hạn áp dụng của AIA là ngày 1/1/2010. Cùng với mục tiêu tự do hoá đầu tư nguyên tắc NT, MFN sẽ được áp dụng đối với các nhà đầu tư ASEAN (2010) cũng như các nhà đầu tư khác (2020). Vấn đề khó khăn hiện nay là chưa đưa ra được định nghĩa thống nhất về nhà đầu tư ASEAN. Việc Việt Nam tham gia vào khu vực đầu tư ASEAN sẽ gặp phải một số thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi điều chỉnh trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.