II/ Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của APEC
1/ Nguyên tắc hoạt động của APEC
Diễn đàn APEC là một tập hợp của các nền kinh tế đa dạng về điều kiện địa lý, lịch sử và văn hoá, chế độ chính trị - xã hội, đặc biệt là sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển, vì vậy, có thể nói nguyên tắc đầu tiên rất quan trọng của quá trình hợp tác trong APEC là nguyên tắc cùng có lợi. Nguyên tắc này đã được ghi nhận ngay trong Tuyên bố Xơun: "Nguyên tắc cùng có lợi, có tính đến sự khác biệt trong các giai đoạn phát triển kinh tế trong các hệ thống chính trị - xã hội, và chú ý đầy đủ đến các nhu cầu của những nền kinh tế đang phát triển"().(Khi thừa nhận sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi của các nền kinh tế trong khu vực, thì nguyên tắc này còn dựa trên cơ sở có tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển, chế độ chính trị - xã hội và nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển). Đây chính là một điểm quan trọng nhằm giải toả những lo lắng của các thành viên đang phát triển, loại bỏ được sự lệ thuộc bất bình đẳng của những nền kinh tế này vào các nền kinh tế phát triển, loại bỏ được các mâu thuẫn phân cực trong tổ chức. Điều này thể hiện rất rõ trong việc các nước đang phát triển được dành những ưu đãi nhất định, như việc các nước này sẽ phải hoàn thành mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020 trong khi đó các nước phát triển là năm 2010. Ngoài ra các nước phát triển cũng có nghĩa vụ giúp đỡ về mặt kỹ thuật cho các nền kinh tế chậm phát triển hơn để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
1.2. Nguyên tắc nhất trí(consensus)
Nguyên tắc thứ hai được nêu trong Tuyên bố Xơun đó là: "Cam kết đối thoại cởi mở và xây dựng sự nhất trí, tôn trọng những quan điểm của tất cả các thành viên một cách bình đẳng"(). Đây là một đặc điểm riêng của APEC so với các tổ chức kinh tế quốc tế khác như WTO, EU, ASEAN... Tại những tổ chức này, các nước thường phải mất rất nhiều thời gian đàm phán, thương lượng để đạt được các thoả thuận và hiệp định có tính chất pháp lý quốc tế cao; còn quyết định của APEC đạt được thông qua quá trình xây dựng sự nhất trí. Chính vì vậy, từ các Hội nghị Cấp cao đến Hội nghị Bộ trưởng hay cấp chuyên viên đều chỉ có tính chất tư vấn, không có sự mặc cả giữa các thành viên, các quyết định và tuyên bố chỉ có tính khuyến nghị và như vậy tính ràng buộc của các quyết định này không cao. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có mặt bất lợi là do không tạo được cơ chế bắt buộc thi hành cao nên trong thực tế đã có nhiều khó khăn khi thực hiện các chương trình của APEC.
1.3. Nguyên tắc tự nguyện
Xuất phát từ đặc điểm của các nền kinh tế thành viên, các mối quan hệ kinh tế quốc tế trong khu vực mà sự hợp tác trong APEC mang tính chất tự nguyện. Điều này được thể hiện ngay trong Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên, các Bộ trưởng coi APEC như một diễn đàn tham khảo ý kiến về các vấn đề kinh tế nhằm tăng cường trao đổi quan điểm giữa các nước Châu á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, APEC chỉ là một diễn đàn tư vấn kinh tế vì vậy nó không đưa ra những quy
định có tính bắt buộc đối với các thành viên. Sự thực hiện các tuyên bố và chương trình hành động trong khuôn khổ APEC của các nền kinh tế thành viên là hoàn toàn tự nguyện. Chính vì vậy, cho đến nay APEC vẫn là một cơ chế tương đối lỏng lẻo với Ban thư ký, Uỷ ban Ngân sách và Quản trị để điều phối các hoạt động trong APEC và của các thành viên. Cơ chế này đã tạo cho APEC khả năng khai thác được những lợi ích từ sự hợp tác kinh tế, các thành viên vẫn giữ được chủ quyền kinh tế, bảo đảm không có sự can thiệp từ bên ngoài vào chế độ chính trị - xã hội của các thành viên.
1.4. Nguyên tắc hoạt động phù hợp với các nguyên tắc của WTO
Quá trình hoạt động của APEC luôn bảo đảm APEC là một diễn đàn mở, hoạt động phù hợp với các nguyên tắc của WTO. APEC là một diễn đàn "mở" ở đây có nghĩa APEC ủng hộ chế độ thương mại đa phương, không tạo ra sự phân biệt giữa APEC với các thực thể quốc tế khác; đồng thời APEC luôn mở cửa cho sự tham gia của các nền kinh tế không phải là thành viên của APEC tham gia. Như vậy, mục đích tăng cường và phát triển hệ thống thương mại đa phương mở của APEC là một nhân tố quan trọng gắn kết các thành viên APEC với nhau. Tuy nhiên quá trình thực hiện mục tiêu này của APEC luôn phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn của WTO. Điều kiện này có thể nói chính là một trong các mục đích cho sự ra đời của APEC. Ngay từ giai đoạn đầu của APEC (1989 - 1993), khi Vòng đàm phán Uruguay của GATT bị mất động lực và rơi vào bế tắc thì APEC đã đặt việc phấn đấu để kết thúc thành công Vòng đàm phán này thành một trong những mục tiêu chính của mình. Tính mở của APEC còn có thể kể đến việc các thành viên của APEC không chỉ là các quốc gia mà còn cả các lãnh thổ như Hồng Công, Đài Loan và hiện nay Macau cũng đã nộp đơn xin gia nhập APEC.
Cơ chế thực hiện các cam kết của APEC là thông qua các Chương trình hành động tập thể (CAPs) - nguyên tắc nhất trí - và Chương trình hành động riêng của quốc gia (ZAPs) - nguyên tắc tự nguyện.
1.5 Chín nguyên tắc đảm bảo tự do hoá thương mại và đầu tư: tạo khuôn khổ pháp lý của APEC
Như đã trình bầy, 3 trụ cột chính trong hoạt động của APEC là tự do hoá, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Việc đạt được sự phát triển kinh tế bền vững trong toàn khu vực APEC phụ thuộc vào việc theo đuổi mạnh mẽ các hành động trong mỗi trụ cột này(). Việc thực hiện hai nội dung chính là thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, tự do hoá thương mại và đầu tư luôn đi liền với nhau và bổ trợ cho nhau. Ngoài những nguyên tắc chung trong hoạt động của APEC, trong mỗi lĩnh vực hoạt động chính của mình, APEC cũng đề ra các nguyên tắc riêng nhằm thực hiện mục tiêu đã được đề ra. Chẳng hạn, trong Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 3 tại Osaka đã thông qua 9 nguyên tắc chung
nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc đạt được mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư của APEC vào năm 2010/2020. Chín nguyên tắc là:
- Nguyên tắc toàn diện nghĩa là mục tiêu tự do hoá của APEC sẽ được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế;
- Nguyên tắc phù hợp với WTO là một trong số những nguyên tắc hoạt động chung của APEC. Nguyên tắc này thể hiện rõ APEC chỉ là một diễn đàn kinh tế nhằm hỗ trợ cho sự phát triển và mở rộng của thương mại toàn cầu.
- Nguyên tắc đồng đều buộc các thành viên của APEC, cho dù ở những trình độ phát triển kinh tế khác nhau, đều phải cùng cải cách và thực hiện các biện pháp để tự do hoá thương mại và đầu tư.
- Nguyên tắc cùng bắt đầu, quá trình liên tục và thời gian biểu khác nhau được hiểu là các quốc gia cùng bắt đầu tiến hành quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Tuy nhiên ở đây có tính đến sự phát triển khác nhau của các nền kinh tế thành viên và vì vậy các nền kinh tế đang phát triển có sự ưu đãi hơn là 10 năm.
- Nguyên tắc giữ nguyên trạng yêu cầu các thành viên APEC không được tăng thêm mức bảo hộ so với hiện trạng.
- Nguyên tắc linh hoạt tạo điều kiện cho các nền kinh tế thành viên tuỳ thuộc vào điều kiện của mình mà tự xác định thời gian biểu, lộ trình và biện pháp thực hiện tự do hoá miễn rằng thực hiện được mục tiêu mà APEC đã đặt ra.
- Nguyên tắc không phân biệt đối xử yêu cầu việc tự do hoá thương mại và đầu tư sẽ áp dụng giữa các thành viên APEC với nhau cũng như giữa các thành viên APEC với các nền kinh tế không thuộc APEC().
- Nguyên tắc công khai yêu cầu các chính sách và biện pháp nhằm tự do hoá thương mại và đầu tư đều phải được công bố công khai để tạo điều kiện cho các thành viên có thể hiểu được thành viên khác đang làm gì.
- Hợp tác kỹ thuật để nhằm hỗ trợ và giúp các thành viên đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư; đồng thời giảm bớt sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên.
Ngoài những nguyên tắc này, để thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC còn đề ra Nguyên tắc đầu tư không ràng buộc của APEC (Giacacta tháng 11 năm 1994) nhằm tăng cường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và luồng công nghệ trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tại Hội nghị Osaka, các thành viên đã nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng có lợi, cộng tác thực sự và xây dựng trên nguyên tắc nhất trí nhằm mục tiêu giảm bớt sự khác biệt về kinh tế giữa các thành viên. Đồng thời, các Bộ trưởng APEC khẳng định sự hợp tác này sẽ dựa trên 3 yếu tố cơ bản là: quan niệm về
chính sách phát triển chung, thực hiện những hoạt động chung và tiến hành đối thoại về chính sách.