Thành viên và quan sát viên của APEC

Một phần của tài liệu ASEAN, APEC, WTO - Một sô vấn đề pháp ly (Trang 33 - 34)

II/ Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của APEC

3/ Thành viên và quan sát viên của APEC

Tính đến nay APEC có 21 thành viên, gồm có 12 thành viên sáng lập. Về cơ bản theo quy chế thành viên của APEC thì một nước muốn trở thành thành viên của APEC cần có những điều kiện sau:

- Về vị trí địa lý: Phải nằm ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương, tiếp giáp với bờ biển Thái Bình Dương.

- Về quan hệ kinh tế: Phải có các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các thành viên APEC về thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự tự do đi lại của các quan chức.

- Tính tương đồng về mặt kinh tế: Phải chấp nhận chính sách kinh tế mở cửa theo hướng thị trường.

- Quan tâm và chấp nhận các mục tiêu của APEC: Phải tỏ rõ mối quan tâm mạnh mẽ tới các lĩnh vực hoạt động của APEC thông qua việc tham gia vào các Nhóm Công tác hoặc nghiên cứu độc lập và các hoạt động khác của APEC.

Đương nhiên, ngoài những tiêu chuẩn này thì một nền kinh tế muốn trở thành thành viên của APEC còn phải hoàn toàn chấp nhận tự nguyện thực hiện các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được đề ra trong các Tuyên bố và Quyết định của APEC. Đồng thời phải cam kết thực hiện tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Ngoài quy chế thành viên chính thức, APEC có quy chế quan sát viên dành cho ba tổ chức khu vực là ASEAN, PECC và Diễn đàn Nam Thái Bình Dương (SPF). Đối với các nước không phải là thành viên của APEC có thể được tham gia vào các hoạt động của APEC với tư cách khách mời tại các Nhóm Công tác của APEC.

Như vậy, về cơ bản cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của APEC không phức tạp lắm so với các tổ chức quốc tế và khu vực khác. Điều này xuất phát từ việc APEC chỉ là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực và phương châm hoạt động của APEC không nhằm hướng tới xây dựng một khối thương mại, một liên minh thuế quan hay khu vực mậu dịch tự do ...

Có thể nhận xét APEC không phải là một tổ chức liên Chính phủ theo đúng quan niệm truyền thống. Bởi cho đến nay, về cơ bản APEC được coi là một diễn đàn đối thoại về kinh tế. Theo quan niệm của Luật quốc tế thì một tổ chức liên Chính phủ phải là một liên hợp các quốc gia có chủ quyền, được thành lập trên cơ sở Điều lệ, có cơ quan thường trực và có các quyền năng chủ thể riêng biệt với quyền năng chủ thể của các thành viên. Thứ hai, APEC chưa có một cơ chế chặt chẽ mang tính ràng buộc cao, chưa có một cơ quan giải quyết tranh chấp để bảo

đảm thực thi các chương trình hợp tác, tất cả các cam kết trong APEC đều được thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện của mỗi thành viên. Tuy nhiên, với thành phần gồm nhiều thành viên ở những mức độ phát triển khác nhau về kinh tế như các nước NICs, ASEAN, đa dạng về chính trị, xã hội, văn hoá... thì có thể nói cơ cấu tổ chức này là phù hợp nhất. Điều này đã được thực tế chứng minh rất rõ như: mức tăng GDP của APEC năm 1991 là 1,9%; năm 1992 2,5%; năm 1993 2,6%; năm 1994 3,5% còn của EU và thế giới lần lượt là 0,7% và 0,3% năm 1991; 1,1% và 1,3% năm 1992; -0,4% và 1,7% năm 1993; 1,6 và 2,5% năm 1994. So với một số tổ chức khu vực khác, APEC còn khá non trẻ nhưng APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng nhằm mục tiêu đẩy mạnh tự do hoá thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế - kỹ thuật trong khu vực.

Một phần của tài liệu ASEAN, APEC, WTO - Một sô vấn đề pháp ly (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w