Vẻ đẹp lấp lánh ngay trong chính bi kịch về tinh thần thời hậu chiến

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong văn học việt bắc, tây tiến, số phận một con người (Trang 36 - 38)

2

- Trái tim giàu lòng nhân ái, vị tha.

 Lòng nhân ái của người lính trước hết được biểu hiện qua quyết định nhận nuôi Vania của Sokolov. Qua ngòi bút tài hoa của nhà văn, hình ảnh của chú bé Vania đã để lại trong người đọc những ấn tượng khó quên “Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù”. Sokolov nhận nuôi chú bé mồ côi ấy chính bởi sự đồng cảm của anh cho hoàn cảnh của cậu bé. Mất cả gia đình từ khi đất nước đang ở trong cuộc nội chiến, rồi chiến tranh thế giới thứ hai lại một lần nữa cướp đi những người thân yêu, anh hiểu được sự thiếu thốn về tình cảm mà cậu bé mồ côi ấy phải chịu đựng. Vì lòng trắc ẩn, vì sự thương cảm trước bộ dạng lấm lem đáng thương của cậu bé, anh khao khát muốn đem tình thương của mình để bù đắp cho nỗi đau mất người thân vì chiến tranh mà có lẽ quá nặng nề đối với một đứa trẻ còn non nớt như vậy  Đó chính là sự đồng cảm giữa những con người đồng cảnh ngộ, là sự thấu hiểu, sẻ chia, vị tha, là tình người ấm áp – một nét nhân văn trong vẻ đẹp tình người được Sô-lô-khốp phản ánh rất xúc động và thấm thía trong tác phẩm.

Vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu còn biểu hiện qua cách mà Sokolov đối xử và săn sóc đứa bé. Anh thương xót, hết lòng chăm lo cho cậu bé như thể người cha săn sóc cho đứa con ruột của mình. Anh tắm rửa cho chú bé sạch sẽ, đặt lên giường ngủ rồi chạy vội ra cửa hàng tạp hóa mua quần áo, mũ và dép cho con trai mới. Tất cả những việc đó, Sokolov làm với niềm vui khó tả, với tình yêu thương sâu sắc, tình phụ tử thiêng liêng vẫn luôn ẩn sâu trong con người anh

Những dòng nhà văn miêu tả tâm lí tinh tế trong đêm đầu tiên Sokolov ngủ cùng chú bé Vania đã chạm đến trái tim người đọc: “Tôi ngủ chung với nó, và lần đầu tiên, sao bao nhiêu năm tôi được ngủ một giấc yên lành. Nhưng trong đêm cũng phải dậy đến vài bốn bận. Tôi thức giấc, thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết! Tôi không dám trở mình để nó 

vất vả, khó khăn trong những ngày đầu nhận nuôi chú bé Vania. Nó đòi hỏi ở anh lòng kiên nhẫn, đức vị tha, tình yêu thương cùng trách nhiệm của người cha, người mẹ: “Thời gian đầu, nó còn theo tôi trong các chuyến xe, nhưng rồi tôi hiểu ra rằng như thế không có lợi. Chỉ một mình tôi thì có cần gì đâu ? Một mẩu bánh mì, một củ hành với tí muối, thế là đủ cho một ngày của đời lính. Nhưng thêm nó thì khác : Khi thì phải mua sữa cho nó, khi thì phải luộc quả trứng, không có thức ăn nóng cho nó là không xong…”. Điều khiến ta xúc động hơn là Sokolov luôn cố gắng tạo ra cho chú bé mồ côi một niềm vui, một nguồn an ủi và tin tưởng vào anh – người mà nó tưởng là bố. Không muốn làm thất vọng và tổn thương trái tim non nớt đã chịu quá nhiều mất mát của Vania, Sokolov phải tìm cách đáp lời cho êm xuôi câu hỏi của cậu bé về chiếc áo bành tô của bố mình ngày trước. Phải chăng đó cũng chính là biểu hiện của tình phụ tử, của tấm lòng nhân ái vẫn luôn tỏa sáng bên trong người lính ấy.

 Nhưng có lẽ, điều khiến ta xúc động ở tác phẩm không chỉ là tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng của Sokolov dành cho đứa bé anh xem như con ruột mà hơn thế chính là lòng vị tha, đức hy sinh của người cha vì niềm vui con trẻ. Đó cũng chính là điểm sáng của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Bước ra từ chiến tranh, nỗi đau mà những người lính mang theo không chỉ là những vết thương về thể xác mà khủng khiếp hơn thế là gánh nặng về tinh thần – những gánh nặng mà có lẽ con người thời bình chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấu hiểu. Với những vết thương khó lành ấy, sẽ là một điều dễ hiểu và đáng cảm thông nếu như họ mãi chìm đắm trong những ám ảnh quá khứ, trong những giấc mộng lặp đi lặp lại hay để lộ ra những dòng nước mắt đầy thổn thức. Thế nhưng, người lính ấy đã chọn cách kìm nén tất cả. Thay vì chia sẻ nó, bộc lộ nó cho vợi bớt nỗi đau, anh chọn tự mình chịu đựng một cách đơn độc để không làm ảnh hưởng đến đứa trẻ. Còn gì đáng thương hơn là ôm nỗi đau nuốt ngược vào trong khi đêm đến, nhưng người lính vẫn không cho phép mình được khóc trước mặt con trẻ, không được “hở ra một tiếng thở dài, một lời than vãn” bởi anh không muốn nhìn thấy dấu vết của nỗi buồn chiến tranh trong đôi mắt trong veo của đứa con trai. Hình ảnh Sokolov chỉ có thể đêm đêm tự gặm nhấm nỗi đau trong những giấc mơ, chỉ có thể quay mặt mà lén lau đi nỗi buồn để không “làm tổn thương trái tim em bé”, không “để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh” đã làm quặn thắt trái tim người đọc. Người lính ấy đã nếm trải mọi nỗi đau của chiến tranh, phải chăng vì vậy mà anh chấp nhận giấu đi tất cả để bù đắp cho Vania một tuổi thơ không có sự ám ảnh về tiếng bom đạn, sự đau khổ về những mất mát mà cuộc chiến tàn khốc ấy đã gây ra? Đó là gì nếu như không phải là sự hi sinh cao cả xuất phát từ tình phụ tử thiêng liêng, từ trái tim nhân hậu của người lính? Đó đồng thời cũng chính là sự hi sinh của thế hệ đi trước cho thế hệ sau, là một trong những biểu hiện rất tự nhiên của lòng nhân hậu, vị tha.

 Tình yêu thương, lòng nhân hậu của Sokolov đã mang lại sức mạnh vô cùng to lớn, có sức tác động hai chiều. Dường như có một sự sắp đặt đã để cho hai mảnh ghép ấy gắn

kết với nhau bằng tình yêu thương. Sokolov đã mang lại hạnh phúc vô bờ bến cho bé Vania. Em “nhảy chồm lên cổ, hôn vào má vào môi vào trán, như con chim chích hót ríu rít líu lo vang rội cả buồng lái…”. Quyết định ấy không chỉ mang lại niềm vui cho bé Vania mà còn đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho Sokolov, sau biết bao nhiêu năm lấy rượu để quên đi, để chìm vào giấc ngủ, thì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm anh được ngủ một cách ngon lành… Bằng tình yêu thương, hai con người bị khuyết thiếu tình yêu thương ấy đã bù đắp, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Anh luôn quan tâm, dành tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc cho Vania bởi mang hạnh phúc đến cho đứa trẻ cũng chính là mang lại hạnh phúc cho chính anh. Chính Vania đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính ấy để rồi anh như được hồi sinh, tiếp tục sống cuộc sống phía trước.

- Bản lĩnh, nghị lực đáng nể phục

 Bản lĩnh đáng khâm phục của người lính Nga không chỉ được thể hiện trong chiến tranh mà còn tỏa sáng ngay cả trong thời kì hậu chiến, mà cụ thể ở đây tập trung ở nhân vật Sokolov. Người lính Nga trong tác phẩm gợi cho ta liên tưởng đến nhân vật Kiên trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Những người lính hậu chiến ấy khi bước ra từ chiến tranh đều mang theo nỗi đau, sự ám ảnh về thể xác và đặc biệt là tinh thần. Nhưng điều đáng nói là nhân vật Sokolov nói riêng và người lính nói chung đã dám vượt qua những vết thương tưởng chừng như không bao giờ có thể lành lại ấy, không khóa chặt mình vào trong những kí ức, những ám ảnh quá khứ để rồi bắt đầu một cuộc sống mới, hòa nhập với cuộc sống mới. Bản lĩnh và nghị lực sống ấy còn được bộc lộ qua tình huống nhân vật bị tước bằng lái xe khi không may đâm vào con bò. Sokolov quyết định sẽ cùng con trai đi bộ tới Karasu, bỏ hết tất cả đằng sau để sẵn sàng cho một cuộc sống mới. Nhân vật Sokolov chính là đại diện cho những người lính Nga với vẻ đẹp nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, sự sẻ chia, vị tha cùng bản lĩnh kiên cường, dám vượt lên hoàn cảnh, vượt lên nỗi đau thời hậu chiến.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong văn học việt bắc, tây tiến, số phận một con người (Trang 36 - 38)