Nghiên cứu của chúng tôi trên 285 trẻ biếng ăn cho thấy biếng ăn không rõ nguyên nhân là 83 trẻ, chiếm 29,1% (bảng 3.2). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Lê Hoàng Hạnh Nghi tỷ lệ trẻ biếng ăn không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất 54,1% .
Tiếp theo là tình trạng biếng ăn liên quan đến bệnh lý chiếm 25,6%, kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của Đào Thị Yến Phi . Nghiên cứu của Đào Thị Yến Phi ghi nhận tình trạng biếng ăn sau một đợt bệnh là 23,9%. Khi trẻ mắc các bệnh lý kéo dài hoặc nhiều lần, cơ thể trẻ có các thay đổi về thể chất, trẻ sẽ mệt mỏi, khó chịu kết hợp với sự giảm các hoạt động tiêu hóa hấp thu cũng như có các xáo trộn bất thường ở đường tiêu hóa ở trẻ gây tình
trạng nôn ói, tiêu chảy… làm trẻ biếng ăn hơn bình thường, năng lượng trẻ hấp thu giảm trong khi trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, trẻ dễ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, sẽ làm cho tình trạng bệnh lý kéo dài, trẻ khó lành bệnh, tạo nên một vòng xoắn giữa bệnh lý - biếng ăn - suy dinh dưỡng. Những trẻ biếng ăn thuộc nhóm này cần phải được điều trị bệnh lý trước, sau đó mới điều trị biếng ăn.
Biếng ăn do chuyển dạng thức ăn (bảng 3.2) là 53 trẻ chiếm 18,6%. Trẻ chuyển sang giai đoạn ăn đồ ăn cứng hơn, ăn cơm trẻ từ chối thử thức ăn mới, trẻ từ chối luôn cả những thức ăn có màu sắc, hình thức hay mùi vị tương tự, sau đó có thể trẻ sẽ từ chối luôn các thức ăn trẻ vẫn thường dùng và hậu quả là trẻ sẽ từ chối hầu hết các loại thức ăn.
Biếng ăn do sợ ăn là 31 trẻ chiếm 10,9% (bảng 3.2). Trẻ sợ hãi hoặc khóc khi biết sắp phải ăn, hoặc khi nhìn thấy thức ăn, trẻ ngậm chặt miệng không chịu ăn. Có thể trong quá khứ trẻ đã bị ép ăn, bị la mắng hoặc thậm chí trẻ bị đánh trong bữa ăn. Hoặc trẻ đã từng bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý gây tổn thương, gây đau vùng họng miệng khiến trẻ khó nuốt, nôn ói, dẫn đến trẻ bị ám ảnh sợ nuốt, sợ ăn.
Biếng ăn do kén chọn thức ăn là 45 trẻ chiếm 15,8% (bảng 3.2). Trẻ sợ
một loại thực phẩm nào đó, ví dụ như thịt cá, rau. Trẻ liên tục từ chối một hay vài loại thức ăn đặc biệt nào đó do mùi vị, độ mịn màng, hình thức hay màu sắc của thức ăn. Trẻ trở nên lo lắng thực sự khi bị ép ăn những loại thức ăn mà trẻ ác cảm. Trẻ ăn kén chọn, luôn luôn từ chối thức ăn mà trẻ ác cảm, nếu trẻ bị ép ăn thức ăn đó và trẻ bị ép ăn liên tục kéo dài, có thể sẽ diễn tiến đến tình trạng trẻ sợ ăn thức ăn đó.