Trong kết quả phân tích của chúng tôi thì ở 285 trẻ biếng ăn chiếm chủ yếu nhiều nhất là tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 43 trẻ, chiếm
15,1%, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi là 35 trẻ, chiếm 12,3%, và tình trạng suy dinh dưỡng thể gầy còm là 35 trẻ, chiếm 12,3%. Kết quả này thấp hơn kết quả của tác giả Lê Thị Kim Dung là trẻ biếng ăn có tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 31,4%, trẻ biếng ăn có tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 24,6% và trẻ biếng ăn có tình trạng suy dinh dưỡng thể gầy còm là 19,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ biếng ăn của chúng tôi giống với kết quả của tác giả Mai Thị Mỹ Thiện và cộng sự . Nghiên cứu của Lê Hoàng Hạnh Nghi ở 466 trẻ biếng ăn chiếm chủ yếu nhiều nhất là tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 84 trẻ, chiếm 18%, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi là 78 trẻ, chiếm 16,7%, và tình trạng suy dinh dưỡng thể gầy còm là 44 trẻ, chiếm 9,4% . Điều này chứng tỏ tình trạng biếng ăn ở trẻ kéo dài, thời gian dài trẻ ăn khẩu phần ít sẽ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ cũng như sự tăng trưởng bình thường ở trẻ.
Phần lớn trẻ biếng ăn đến khám có tình trạng dinh dưỡng trong giới hạn bình thường như vậy có thể do thời gian trẻ biếng ăn ngắn (từ 1 - < 3 tháng), chưa đủ để gây ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sự tăng trưởng của trẻ. Ngoài ra có tình trạng trẻ thừa cân được đưa đến khám biếng ăn có thể do cơ thể trẻ tự điều chỉnh ăn ít lại khi nhận thấy trẻ đã ăn đủ hoặc dư năng lượng, hoặc có thể trẻ được cha mẹ bổ sung dinh dưỡng quá mức bằng các chất dinh dưỡng khác.
Trọng lượng cơ thể là hình ảnh về tình trạng dinh dưỡng của đứa trẻ tại thời điểm cân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chung trong nghiên cứu của chúng tôi là 15,1%, cao hơn tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân toàn quốc theo điều tra năm 2015 là 14,1%, trong đó cao nhất là Tây Nguyên 21,6%, thấp nhất là Đông Nam Bộ 9,1%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở khu vực trung du miền núi phía Bắc là 19,5% , vì nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu
trong bệnh viện, trẻ đến khám không đơn thuần chỉ có biếng ăn mà có thể có các bệnh lý kèm theo làm cho trẻ không lên cân hoặc tụt cân. Tình trạng dinh dưỡng của một cá thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố kinh tế - xã hội. Sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội có thể là nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt về tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân giữa các khu vực. Khu vực thành phố Hà Nội là nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn so với các khu vực miền núi, tỷ lệ SDD nhẹ cân ở Đồng Bằng Sông Hồng chiếm 10,8% .
Chiều cao là thước đo về tiền sử phát triển của một đứa trẻ, một trẻ bị thiếu chiều cao so với tuổi chứng tỏ trước đây trẻ bị suy dinh dưỡng thường xuyên và thường xảy ra ở các quần thể cư dân thiếu ăn kéo dài, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng mạn tính. Tỷ lệ thấp còi trong nghiên cứu của chúng tôi là 12,3%, thấp hơn tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi toàn quốc năm 2015 là 24,6% . Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực trung du và miền núi phía bắc là 30,3%, ở Hà Giang là 35,1%, ở Lào Cai là 35,1%%, ở Lai Châu là 36,4%, ở Phú Thọ là 26,5%, ở Tây Nguyên là 34,2%, ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 27,3%. Suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng của trẻ em nước ta hiện nay, cần có sự quan tâm hơn nữa của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân để cải thiện tình trạng này.
Gầy còm là tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính của trẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm chung trong nghiên cứu của chúng tôi là 12,3%, cao hơn tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm toàn quốc điều tra năm 2015 là 6,4% . Cần tiếp tục triển khai các chương trình dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm góp phần cải thiện tỉ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm trong thời gian tới.
Trong 285 trẻ tham gia nghiên cứu, tỷ lệ trẻ nhẹ cân có biếng ăn liên quan đến chuyển dạng thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất là 18,9%, (bảng 3.8). Kết
trẻ nhẹ cân chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm tuổi 25-36 tháng (biểu đồ 3.3). ở lứa
tuổi này trẻ phát triển nhanh, đòi hỏi một nhu cầu năng lượng cao vừa để cho quá trình phát triển vừa để cho các hoạt động vận cơ tăng lên nhưng quá trình cung cấp thì lại thiếu nhiều. Giai đoạn này trẻ bắt đầu tập ăn cơm và các thức ăn cứng hơn. Lúc này cơm là bữa ăn chính, sữa chỉ là bữa ăn phụ. Trẻ phải điều chỉnh thói quen ăn uống. Trẻ phải học ăn thức ăn mới đặc hơn sữa, vị khác sữa. Người chăm sóc trẻ phải biết cách chế biến các món ăn, liều lượng phù hợp với trẻ theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, bắt đầu với cơm nát rồi đến cơm hạt từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến đa dạng. Nếu trẻ không thích nghi được, hoặc người chăm sóc không thực hiện đúng thì trẻ sẽ không thích, trẻ sẽ từ chối ăn, sợ ăn, ác cảm với thức ăn, dẫn đến trẻ mắc phải tình trạng biếng ăn. Đây cũng là giai đoạn mà cha mẹ thăm dò tâm lý ăn uống và ý thích về mùi vị của trẻ.
Tỷ lệ trẻ thấp còi ở nhóm biếng ăn do chuyển dạng thức ăn là 9,4%, biếng ăn do bệnh lý là 12,3%, biếng ăn do sợ ăn là 6,5% và biếng ăn do kén chọn thức ăn là 13,3% và cao nhất ở nhóm biếng ăn không rõ nguyên nhân là 15,7% (bảng 3.8).
Tỷ lệ trẻ gầy còm ở nhóm biếng ăn do chuyển dạng thức ăn là 15,1%, biếng ăn không rõ nguyên nhân là 13,3%, biếng ăn do bệnh lý là 11,0%, biếng ăn do sợ ăn là 16,1% và biếng ăn do kén chọn thức ăn là 13,3% (bảng 3.8). Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Lê Hoàng Hạnh Nghi tỷ lệ gầy còm có biếng ăn do chuyển dạng thức ăn là 4%, biếng ăn không rõ nguyên nhân là 9,5%, biếng ăn do bệnh lý là 7,8%, biếng ăn do sợ ăn là 20% và biếng ăn do kén chọn thức ăn là 4,8% .
Biếng ăn là một triệu chứng có tâm lý chủ quan, mang tính định tính, rất khó đo đạc và đánh giá một cách khách quan. Điều thực sự đáng lo ngại là sự thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng ở trẻ do hậu quả của việc trẻ
giảm ăn kết hợp đi kèm với biếng ăn gây ra, năng lượng dự trữ ở trẻ sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do giảm nhập từ thức ăn. Điều đó chứng tỏ rằng trẻ không suy dinh dưỡng khi bị biếng ăn sẽ dễ dàng dẫn đến suy dinh dưỡng cấp (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân) và khi đã suy dinh dưỡng, trẻ không đủ năng lượng để phục hồi thì suy dinh dưỡng cấp sẽ dễ dàng chuyển thành suy dinh dưỡng mãn tính (suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm). Điều quan trọng hơn nữa là tình trạng chậm tăng trưởng và suy dinh dưỡng của trẻ do mức tiêu thụ năng lượng ở trẻ giảm do biếng ăn có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát, làm kìm hãm sự tăng trưởng của trẻ.