I. Chính sách khuyến khích hoạt động NC&PT công nghệ cao, ứng dụng
1. Chính sách khuyến khích phát triển NC&PT CNC
a) Hỗ trợ hoạt động NC&PT và hợp tác doanh nghiệp-tổ chức KH&CN
Trong thực tế vừa qua có sự khác nhau trong nhìn nhận về CNC giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, CNC là công nghệ mang lại hiệu quả hơn tình trạng hiện tại. Các cơ quan KH&CN chú ý tới hoạt động sáng tạo công nghệ và cho rằng, CNC gắn với hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT) trong nước. Các cơ quan nhà nước coi CNC là công cụ để đi tắt đón đầu, đưa nền kinh tế tiến lên CNH, HĐH. Khái niệm công nghệ cao (CNC) sau một thời gian triển nghiệm trong thực tiễn đã được trao đổi thống nhất rộng rãi trong các giới, các ngành và cuối cùng đã được thể chế hóa tại Luật công nghệ cao (như đề cấp ở mục trên). Để có chính sách phát triển hợp lý và tập trung đầu tư, Nhà nước ta đã lựa chọn và quy định trong Luật công nghệ cao những công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển thuộc 4 lĩnh vực công nghệ: a) Công nghệ thông tin; b) Công nghệ sinh học; c) Công nghệ vật liệu mới; d) Công nghệ tự động hóa mới thuộc diện điều chỉnh của chính sách nhà nước. Đây là 4 lĩnh vực công nghệ đã được ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển ở nước ta trong nhiều thập niên qua và đã được Đảng và Nhà nước thể hiện tại nhiều văn bản khác nhau.
Đi sâu phân tích, có thể thấy nhiều chính sách phát triển CNC của Nhà nước thời gian qua chủ yếu tập trung thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao “quốc doanh” ít có cơ chế chính sách đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của “dân doanh”. Những hoạt động nghiên cứu và phát triển “quốc doanh như vậy” đều do Nhà nước khởi xướng, lựa chọn đề tài và đầu tư 100% kinh phí thực hiện. Các chương trình KC của nước ta trong nhiều năm qua đã thể hiện việc tập trung đầu tư của Nhà nước ta vào một số lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm, trong đó đặc biệt có 4 lĩnh vực công nghệ có nhiều công nghệ cao nêu trên. Gần đây đã có cơ chế, chính sách xã hội hóa hoạt động KH&CN. Đây là những bước đi đầu tiên của việc cho phép khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động KH&CN.
Theo cơ chế trên, các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN tự chủ, tự chịu trách nhiệm nếu có các hoạt động nghiên cứu và phát triển “dân doanh” thì Nhà nước đã có tạo điều kiện hoặc hỗ trợ tài chính (phần rủi ro, đặc biệt là nghiên cứu về công nghệ cao có độ rủi ro rất cao) để họ tự tiến hành hoặc hợp tác với các tổ chức KH&CN, nhà khoa học có đủ trình độ để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển CNC của mình.
Từ năm 1999 (NĐ119) chúng ta đã mở ra một cơ chế hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong một số hướng ưu tiên, trọng điểm của nhà nước. Nhưng về cụ thể Nhà nước chưa nêu rõ lĩnh vực nào là lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm và mức tài trợ của Nhà nước cho các đề tài này mới chỉ tới 30% kinh phí thực hiện đề tài. Số các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khả năng huy động 70% vốn đối ứng từ nguồn tự có để thực hiện đề tài nghiên cứu gặp nhiều khó khăn và khả năng làm nghiên cứu cũng hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp được hỗ trợ từ 500 triệu đồng đến 1.000 triệu đồng cho 1 đề tài. Tỷ lệ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp theo quy định không quá 30% tổng kinh phí cần thiết để thực hiện đề tài, theo ý kiến của phần lớn các doanh nghiệp là thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của Vụ Tài chính - Kế hoạch, Bộ KH&CN, cơ quan trực tiếp quản lý việc hỗ trợ tài chính cho các DN theo Nghị định 119 thì tiềm lực KH&CN (về cơ sở vật chất - kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu khoa học, tài chính,…) của các doanh nghiệp còn hạn chế; khả năng đáp ứng về khoa học và công nghệ của các tổ chức nghiên cứu và phát triển, dịch vụ khoa học và công nghệ trong nước chưa cao. Nhiều nhận xét cho thấy mức hỗ trợ này là thấp so với thông lệ quốc tế và đặc biệt chưa có hỗ trợ tài chính cao hơn, ưu đãi hơn đối với nghiên cứu và triển khai về công nghệ cao, một lĩnh vực có độ rủi ro lớn, doanh nghiệp không sẵn sang đầu tự cho lĩnh vực này. Đối với doanh nghiệp Việt Nam còn non yếu về mọi mặt thì sự hỗ trợ tài chính yếu và lĩnh vực hỗ trợ không cụ thể đã làm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ nói chung và công nghệ cao nói riêng của doanh nghiệp không phát triển. Việc hỗ trợ đào tạo nhân lực làm nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp đã không được đặt ra như ở nước ngoài. Một điều nữa là khi doanh nghiệp chưa có đủ năng lực tự triển khai các đề tài nghiên cứu của mình thì có thể hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên trong thực tế Việt Nam, cơ chế hợp tác của các cơ quan KH&CN với các doanh nghiệp thường không được thiết lập có lẽ do các cơ quan khoa học chưa đủ năng lực để giải quyết bài toán nghiên cứu của doanh nghiệp đặt ra và Nhà nước cũng chưa có cơ chế đủ mạnh để doanh nghiệp và tổ chức KH&CN liên kết, hợp tác để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn cho rằng, Nhà nước và giới khoa học về chuyên môn và về tài chính chưa quan tâm, hỗ trợ
đụng được đúng những gì cần cho phát triển về nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp.
Tình trạng chính sách không đi vào cuộc sống, nghiên cứu không gắn với sản xuất, sự lạc hậu về công nghệ của các doanh nghiệp đang tồn tại phổ biến ở nước ta và gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế nói chung. Song, riêng đối với lĩnh vực CNC, chúng có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Phát triển CNC vốn đòi hỏi và cho phép thống nhất chặt chẽ hơn bao giờ hết các thành phần trong nền kinh tế cũng như kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất. Có thể nói, đặc trưng động lực và sức mạnh của CNC chính là ở sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ đó.
Hiện tại, dường như các doanh nghiệp chưa thấy rõ hoạt động nghiên cứu của các tổ chức khoa học mang lại ích lợi thiết thực cho công việc kinh doanh của họ. Để thoát khỏi định kiến này và cải thiện hình ảnh trước doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN cần xác định rõ lại chức năng của mình là coi trọng đồng thời các hoạt động nghiên cứu và thương mại hoá, triển khai kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Các nhà nghiên cứu của viện cần hạn chế tập trung vào những vấn đề quá xa vời và tiếp cận hơn nữa vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mặc khác, đặt trong mối liên kết với doanh nghiệp, cộng đồng khoa học phải có sự liên kết chặt chẽ nội bộ. Từ những đơn vị khác nhau, lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học tạo thành các nhóm phối hợp hoạt động nhằm giải quyết vấn đề bức xúc của sản xuất. Từ chỗ tồn tại tản mạn, độc lập chuyển sang liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu khác nhau để đủ sức tiến hành nghiên cứu tổng hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Quan hệ liên kết sẽ là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, cơ quan KH&CN và cơ quan nhà nước chia sẻ các quan niệm cũng như phối hợp hành động trong phát triển CNC.
Không thể phủ nhận những nỗ lực phát triển CNC trong thời gian qua với nhiều chính sách được ban hành, nhiều chương trình nghiên cứu được thực hiện... Tuy nhiên, kết quả thực tế lại không được như mong đợi bởi một nguyên nhân chính là thiếu quan tâm và hỗ trợ đúng mức về chuyên môn (mà rông ra là phát triển nhân lực KH&CN) và tài chính cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ nói chung và CNC nói riêng của doanh nghiệp. Đây chính là điều cần nhấn mạnh trong mối quan hệ thống nhất giữa quan niệm, tổ chức và hành động nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển CNC ở nước ta.
b) Chính sách thúc đẩy NC&PT CNC thông qua chương trình, quỹ, ngân hàng
Đổi mới phương pháp xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, ngành và địa phương. Vận dụng các phương pháp như dự báo công nghệ, kịch bản công nghệ, lộ trình công nghệ để lựa chọn các sản phẩm công nghệ cao chủ yếu của quốc gia, ngành và địa phương, làm căn cứ để xây dựng chương trình nghiên cứu và phát triển. Thiết lập lại các chương trình KTKT (về các lĩnh vực công nghệ cao) để hỗ trợ cho doanh nghiệp xúc tiến các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào thực tiễn. Trong đó làm rõ trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong đầu tư cho các nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của chính mình, có thể theo nguyên tắc như SBIR và STTR của Mỹ nêu trên
Nhà nước có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ cao thông qua các công cụ thích hợp mà Nhà nước đang có hoặc sẽ có trong tay. Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (đang được giao tiếp tục triển khai việc hỗ trợ các doanh nghiệp thưc hiện NC&PT theo NĐ 119), Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Ngân hàng phát triển Việt Nam cần được giao nhiệm vụ thực hiện công việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của các doanh nghiệp. Tùy theo mức độ rủi ro của các nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của doanh nghiệp chủ thực hiện, Nhà nước có thể hỗ trợ đến 100% cho các hoạt động này. Trong khuôn khổ các dự án nghiên cứu này, việc hợp tác, liên kết với các tổ chức KH&CN công lập cần được điều tiết bằng cơ chế tài chính để các tổ chức KH&CN công lập chuyển giao được tri thức, đào tạo được nhân lực làm công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ cho doanh nghiệp.
Khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng thí điểm xây dựng các đề tài hợp tác nghiên cứu chung với nước ngoài, cùng chia sẻ kinh phí hoặc thuê chuyên gia nước ngoài trực tiếp tham gia, thậm chí chủ trì một số đề tài trọng điểm nhằm tranh thủ phương pháp luận mới, đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực. Cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng hình thành các “nhóm công tác” có tính chất quốc tế trong đó doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao này.
Xúc tiến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm qua các hội nghị quốc tế về công nghệ cao tại Việt Nam và trên thế giới. Có chương trình xây dựng các liên minh hợp tác chiến lược và trao đổi thông tin với các trung tâm mạnh về công nghệ cao ở các nước công nghiệp phát triển.
c) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động NC&PT CNC
Phòng thí nghiệm trọng điểm là một loại hình tổ chức NC&PT, được Nhà nước đầu tư trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để đi đầu trong triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát
triển công nghệ, quy tụ và bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao trong môi trường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu thuận lợi.
Từ năm 2002, Chính phủ đã quyết định đầu tư cho 17 PTNTĐ đạt trình độ các nước trong khu vực. Đến 2008 đã xây dựng được 15/17 PTNTĐ đặt tại 13 viện nghiên cứu, 3 trường đại học thuộc 8 bộ, ngành và 3 tổng công ty, bao gồm 7 lĩnh vực: công nghệ sinh học (5 phòng), công nghệ thông tin (2 phòng), công nghệ vật liệu (3 phòng), cơ khí - tự động hóa (2 phòng), hóa dầu (1 phòng), năng lượng (1 phòng), hạ tầng (3 phòng). Cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước đối với PTNTĐ thể hiện tại Quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ- BKHCN ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
Hoàn thiện việc triển khai xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm đã có ở các tổ chức KH&CN và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được sử dụng với chi phí ưu đãi để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Đồng thời phát triển các phòng thí nghiệm này thành những trung tâm xuất sắc và liên kết với các khu công nghệ cao, các tổ chức KH&CN khác và các doanh nghiệp và cho phép các doanh nghiệp được sử dụng hệ thống trang thiết bị nghiên cứu của Nhà nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành quy chế tổ chức và hoạt động các Phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng mở cửa cho doanh nghiệp được sử dụng như trên.
Đa dạng hoá phát triển các hình thức tổ chức thích hợp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Với chức năng đầu tầu cho phát triển công nghệ cao của quốc gia, hai khu công nghệ cao trọng điểm đa chức năng của Nhà nước (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, và Tp. Hồ Chí Minh) cần đuợc tăng cường chỉ đạo, quan tâm, hỗ trợ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nhanh chóng đạt được hiệu quả trong thực tế. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển việc đa dạng hoá các hình thức tổ chức phát triển công nghệ cao khác (khu phần mềm, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới công nghệ, trung tâm công nghệ cao hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v.).
Khu chức năng quan trọng nhất có tính chất phân biệt Khu CNC với các khu công nghiệp, khu chế xuất khác là Khu NC&PT, nơi thí nghiệm, ươm tạo các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Không những thế, do tính chất đặc biệt của Khu CNC, các cơ sở NC&PT trong Khu này phải là những cơ sở hiện đại, do một đội ngũ làm NC&PT đủ mạnh làm chủ.
Đồng thời, một Hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông (ICT platform) cần được xây dựng để kết nối hoạt động và yêu cầu của 3 khu trên, với sự xuất hiện của các hình thức quản lý hiện đại.
Mô hình sau sẽ cho thấy vai trò, vị trí của NC&PT trong Khu CNC:
Đề xuất của JETRO về dự án Khu NC&PT tại Khu CNC Hoà Lạc
d) Hỗ trợ các Dự án NC&PT trong các Khu CNC
Các dự án tại Khu NC&PT tại Khu CNC gồm 2 loại: thứ nhất là các dự án NC&PT trong lĩnh vực CNC được Nhà nước khuyến khích, thứ hai là các dự án NC&PT khác. Trong các dự án NC&PT thuộc lĩnh vực CNC được Nhà nước khuyến khích có thể có những dự án được Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc hỗ trợ. Việc tuyển chọn các dự án này được tiến hành thông qua thẩm định, lựa chọn công khai thông qua một Hội đồng Khoa học do Nhà nước thành lập.
Các dự án NC&PT được Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc hỗ trợ trên 50% sẽ được tiến hành như các đề tài độc lập. Các chủ dự án (có thể là người nước ngoài hoặc người Việt ở nước ngoài) sẽ tuyển dụng nhân sự, sắp đặt mức lương cho nhân viên (có thể có người nước ngoài hoặc người Việt ở nước ngoài). Các chủ đầu tư, doanh nghiệp được thuê đất và diện tích làm việc với giá ưu đãi điều kiện hạ tầng cơ sở của Khu CNC (các open lab.) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của mình.