+ Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, được sử dụng trong hầu hết các ngành
sản xuất và các lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt đối với nhiều ngành sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm. Ngoài ra, xăng dầu còn là lĩnh vực kinh doanh có đóng góp nhiều cho ngân sách. Do vị trí quan trọng của xăng dầu trong đời sống xã hội nên Chính phủ các nước rất quan tâm tới diễn biến giá cả thị trường của mặt hàng này và đều có cơ chế, chính sách quản lý phù hợp nhằm bình ổn thị
trường, giá cả, góp phần ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và an ninh xã hội.
+ Thị trường xăng dầu chỉ được sản xuất tập trung tại một số khu vực và
cũng chỉ tập trung ở một số nước chính, phần lớn các nước khác đều phải nhập khẩu cho tiêu dùng trong nước. Việt Nam hiện đang phải nhập 100% xăng dầu cho tiêu dùng nội địa và khi các NMLD vận hành thì cũng vẫn phải nhập khẩu. Giá cả thị trường thế giới về xăng dầu có ảnh hưởng rộng đến biến động giá xăng dầu trong mỗi nước. Phải có cơ chế chính sách giá phù hợp để vừa phản ánh biến động giá thế giới, vừa tạo sự ổn định cho mặt bằng giá trong nước.
+ Do đặc điểm kinh tế kỹ thuật khách quan của sản xuất và sản phẩm xăng
dầu, thị trường xăng dầu thuộc dạng thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, dạng thị trường độc quyền nhóm. Vì vậy, không thể thoát ly vai trò điều tiết của Nhà nước bằng những hình thức phù hợp, trong từng phạm vi, từng thời điểm cụ thể góp phần cân bằng lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất và ổn định kinh tế xã hội.
+ Về mặt kỹ năng, quản lý giá cả là quá trình điều hành kết hợp một cách
hài hòa nhiều công cụ cả trực tiếp lẫn gián tiếp, khó có thể khẳng định công cụ nào là quan trọng. Trong điều hành thực tiễn đối với kinh doanh xăng dầu nói chung và giá xăng dầu nói riêng, cần phải tuỳ theo bối cảnh kinh tế xã hội mà có thể sử dụng một hoặc một số trong các công cụ quản lý giá nêu trên. Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt những giải pháp tình thế, tình huống và các giải pháp lâu dài, không bao giờ nên coi một giải pháp cụ thể nào đó là vĩnh cửu.