CHƯƠNG 3 THỰC NGHIỆM, KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.4.1. Về phương pháp nghiên cứu
Chemotaxonomy là phân loại thực vật dựa trên phân tích thành phần hóa học của các dược liệu. Trong vài thập niên trở lại đây, phân tích thành phần các sản phần có nguồn gốc thiên nhiên được đơn giản hóa bằng việc khai triển sắc ký và điện di. Cơ sở của phương pháp là sử dụng phương pháp sắc ký lớp mỏng hoặc sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao với các điều kiện tối ưu để phân tích thành phần hóa học của các loài thực vật, từ đó xác định các vạch sắc ký đặc trưng cho từng chi và từng loài và xây dựng nên cây phân loại thực vật dựa trên thành phần hóa học. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên một số chi thực vật như Hypericum L. [19], Papaver L. [40], v.v…
Ngày nay, HPTLC được sử dụng trong nghiên cứu phân loại các loài và dưới loài (chemotype) bởi sự chuẩn hóa ở tất cả các bước. Các thông số kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến quá trình khai triển TLC như khoảng khai triển, thể tích phun mẫu, thời gian sấy, thời gian bão hòa dung môi, v.v… đều được chuẩn hóa thông qua phần mềm máy tính đồng thời các thông số điều kiện tiến hành như nhiệt độ, độ ẩm, v.v… cũng được ghi lại, đảm bảo độ chính xác và độ lặp lại cao nhất. Bên cạnh việc ứng dụng trong phân loại thực vật dựa trên thành phần hóa học, HPTLC còn được sử dụng để chuẩn hóa quy trình chiết xuất cũng như kiểm định các thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Dược điển Trung Quốc đã ứng dụng phương pháp này để xây dựng nên cơ sở dữ liệu kiểm định thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên [18]. Với các ưu điểm trên, nghiên cứu này sử dụng phương pháp HPTLC nhằm bước đầu xác định được Rf của các marker hóa học đặc trưng của các loài thuộc chi Gymnema
R.Br. cũng như là sự khác nhau giữa các mẫu thuộc cùng một loài nhưng khác nhau về địa lý.
3.4.2.Về định tính các nhóm chất chính
Trong phân tích định tính thành phần hóa học trong các mẫu dược liệu, việc định tính các nhóm chất chính bằng các phản ứng hóa học đặc trưng là cần thiết, góp phần hiểu biết sơ bộ về thành phần hóa học chính và định hướng nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lá của 5 loài Gymnema inodorum (Lour.) Decne, Gymnema latifolium Wall. Ex Wight, Gymnema yunnanense Tsiang,
sylvestre (Retz) R. Br. ex Schult., Gymnema sp. có các nhóm chất giống nhau. Đó là saponin, flavonoid, coumarin, đường khử, acid amin, sterol và chất béo. Ngoài các nhóm chất trên, lá Gymnema sylvestre (Retz) R. Br. ex Schult. còn có acid hữu cơ. Trong khi đó, lá Gymnema sp. thu hái tại CHDCND Lào lại âm tính với phải ứng của acid hữu cơ. Về cơ bản, kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu đã được công bố trước đây [12], [7].
Bên cạnh đó, phản ứng của saponin và flavonoid cho kết quả dương tính thấy rõ nhất. Đồng thời, hai nhóm chất này đóng vai trò quan trọng trong tác dụng sinh học của Gymnema sylvestre (Retz) R. Br. ex Schult. [36], [41], [27], [28] .Do đó, quy trình định tính TLC xây dựng ở các bước sau sẽ tập trung chủ yếu vào hai nhóm chất này.