CHƯƠNG III PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ RỪNG NGẬP MẶN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG, KHÓ KHĂN, GIẢI PHÁP
3.1.2. PHƯƠNG PHÁP ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CHO NGƯỜI DÂN, NÂNG CAO Ý THỨC BẢO TỒN
NÂNG CAO Ý THỨC BẢO TỒN
Phương pháp chung
Về bản chất, phương pháp này thông qua các chương trình hỗ trợ như: cho vay vốn, cung cấp các công cụ làm việc,… dưới sự bảo trợ của một tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân. Khi đời
sống người dân được ổn đinh, có thu nhập, kinh tế khu vực được cải thiện thì ý thức của họ cũng được tăng lên. Song song đó, việc lồng ghép các chương trình tuyên truyền, giáo dục người dân về tầm quan trọng của RNM cũng góp phần vào việc nâng cao ý thức bảo tồn RNM của người dân.
Nguyên nhân dẫn đến thành công:
-Có sự hợp tác trong nội bộ cộng đồng, sự tham gia tích cực của người dân địa phương để hỗ trợ các dự án, chương trình.
-Có sự chuẩn bị trước về mặt xã hội thông qua sự phát triển có tổ chức, học tập, kỹ năng tổ chức cộng đồng.
-Có sự “sở hữu” về tài nguyên: được chính quyền địa phương cũng như chính phủ công nhận quyền sở hữu về tài nguyên ở địa phương.
-Có sự trung gian giữa người dân và chính quyền thông qua tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm.
-Có sự hỗ trợ từ chính phủ nói chung cũng như chính quyền địa phương nói riêng.
Mô hình đại diện
Mô hình “Rừng ngập mặn cộng đồng” ở xã Leam Markhan - Thái Lan:
Thái Lan đã mất khoảng hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn dọc theo bờ biển dài 2.560km từ năm 1975 đến năm 1993 trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở tỉnh Trang có tên là Yad Fon đã nắm bắt được vai trò của RNM và tầm quan trọng của nó đối những cộng đồng ven biển. Hơn một thập kỷ, Pisit Chansnoh, người thành lập và là chủ tịch hiện nay của Yad Fon đã đưa tổ chức này thành đơn vị dẫn đầu trong việc thúc đẩy cộng đồng địa phương tham gia vào quản lý tài nguyên ven biển.
Khái niệm "Rừng do cộng đồng quản lý" dựa trên sự tham gia của cộng đồng và hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Không có sự hỗ trợ của địa phương và sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa vào những quyết định quản lý tài nguyên quan trọng thì sự phát triển bền vững đa dạng sinh học không thể thực hiện được. Yad Fon đã đi đầu trong ý tưởng này và triển khai nó ở cấp xã.
Trước tiên, chỉ một xã được Yad Fon chọn để thực hiện dự án (xã Leam Markhan). Cán bộ dự án đến làm việc và nói chuyện với các lãnh tụ Hồi giáo ở địa phương, tìm hiểu các vấn đề mà địa phương đang gặp phải, xác định các vấn đề bức thiết. Sau đó, một số dự án nhỏ dựa vào cộng đồng như đào giếng nước, trong đó Yad Fon hỗ trợ xi măng, vật liệu, cộng đồng hỗ trợ nhân công được thực hiện nhằm bồi dưỡng, nâng cao khả năng tổ chức, lãnh đạo của địa phương. Với những kết quả rõ ràng của những dự án nhỏ như thế này sẽ làm tăng sự tự tin của người dân địa phương, có thể đối mặt với những thách thức cao hơn. Ngoài ra, Yad Fon cũng xây dựng chương trình “Cooperative buying program”. Đây là chương trình hỗ trợ vay vốn cho ngư dân mua ngư cụ, động cơ cho tàu thuyền của họ đồng thời cam kết sẽ thu mua các sản phẩm đánh bắt của họ hàng ngày theo giá thị trường. Một dự án tài chính khác là thành lập một "quỹ quay vòng" cho những người nghèo, những người đang mang nợ vay vốn không lãi suất, giải phóng họ khỏi những người cho vay nặng lãi. Tỉ lệ hoàn nợ của dự án này là khá cao, 80% người được cho vay vốn đã thanh toán. Điều này giúp cho người dân có thể thành lập các dự án nuôi trồng thủy sản có quy mô nhỏ. Sự gia tăng thu nhập đã khuyến khích người dân đóng góp một phần lợi nhuận của họ vào “quỹ”. Việc trở nên ít phụ thuộc về mặt tài chính là một bước tiến quan trọng trong việc tăng quyền lực cho cộng đồng.
Trong khi các dự án này được thiết lập, người dân địa phương đã đưa ra ý tưởng phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái xung quanh nơi ở của mình và
các khu vực lân cận. Cùng với sự hỗ trợ, giáo dục ban đầu của Yad Fon về việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, dân làng đã thực hiện chương trình tự quản lý, giám sát nguồn tài nguyên ven biển của họ. Một nhóm các làng đứng đầu bởi Bo Nuasri đã thiết lập một khu vực có diện tích khoảng 95 hecta bao gồm cả Leam Markham và các vùng lân cận do cộng đồng quản lý và lập ra khu bảo tồn cỏ biển. Ranh giới các khu được đánh dấu rõ ràng, chỉ rõ các khu vực cấm đánh bắt hải sản, các khu rừng được phân chia cho các mục đích khác nhau. Việc này đã thu hút sự quan tâm của các cộng đồng lân cận. Từ bốn xã ban đầu, hiện nay mô hình “Rừng ngập mặn cộng đồng - Community mangrove forests” đã được trải rộng khắp 30 xã và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông Pisit phát biểu: “Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của những người dân địa phương. Họ có kiến thức, trí tuệ nhưng không có cơ hội để chia sẻ”.
Yad Fon được thủ tướng Thái Lan trao phần thưởng nhằm tôn vinh thành quả của tổ chức tại những xã triển khai dự án. Khẩu hiệu của Yad Fon là "Rừng đã duy trì con người, con người phải duy trì rừng". Pisit cũng như những quan chức chính phủ đã nhận thức được trong tương lai, cho dù là chương trình của chính phủ hay có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ thì sự tham gia của người dân địa phương mới là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Giải quyết vấn đề nhân sự và tăng quyền lực là những điểm quan trọng cần phải được duy trì