Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của công ty CP thủy sản bình định (Trang 56 - 59)

Bất kỳ một doanh nghiệp nào trong kinh doanh đều cũng gặp phải những khó khăn, tồn tại. Điều quan trọng là chỉ ra được những tồn tại, tìm ra được nguyên nhân để từ đó có hướng và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả. BIDIFISCO cũng không nằm ngoài khả năng trên khi công ty đang vướng phải một vài khó khăn:

Trước hết phải kể đến hạn chế về nhân lực. Nhân lực trong hoạt động xuất nhập khẩu của công ty còn rất ít lại là lao động trẻ, có ưu điểm là năng động nhưng trình độ chuyên môn chưa cao, còn bỡ ngỡ khi gặp các vấn đề có tính chất nghiêm trọng. Nhân lực thiếu trong khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa có khối lượng công việc lớn, yêu cầu tính cẩn thận trong quá trình thực hiện như quá trình thông quan hàng hóa nên ảnh hưởng nên quá trình xử lý nghiệp vụ, làm kéo dài thời gian hoàn thành hợp đồng hợp tác. Các nhân viên lâu năm nhưng khi gặp phải những lô hàng lớn, nhiều sản phẩm, yêu cầu thủ tục kê khai hải quan tương đối dài và phức tạp thì cũng dễ bị nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thực hiện. Công ty còn cần phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để khi có những hợp đồng lớn với nhiều sản phẩm khác nhau cũng dễ dàng thực hiện.

Bên cạnh đó, do nguồn lực có hạn nên công ty còn khó khăn trong việc mở rộng thị trường hơn nữa. Hiện tại công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Mexico, Trung Đông,... Đây là các đối tác lâu năm của công ty, hợp tác từ những ngày công ty tiến hành xuất khẩu ra thị trường thế giới. Công ty còn chưa thể mở rộng thị trường xuất khẩu do nguồn lực của công ty còn có hạn. Nhật Bản là thị trường tuy khó tính nhưng lại là một thị trường tiềm năng. Do đó, công ty còn cần phải có những thỏa thuận với các đối tác Nhật Bản để trong những năm tiếp theo có thể là một nhà cung cấp cho Nhật Bản.

Hơn nữa, nguồn nhân công trong khâu chế biến sản phẩm trước khi xuất khẩu còn hạn chế nên đôi khi không đáp ứng được hết lượng hàng hóa đối tác yêu cầu. Do đó, công ty không thể mở rộng thị trường khi nguồn cung còn hạn chế. Công ty còn hạn chế về mặt sản phẩm, chưa đa dạng mà chỉ tập trung vào một số loại chính nên nhiều khi bị yếu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh. Do đó, sản lượng xuất khẩu còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả tối đa. Công ty cũng còn gặp nhiều vấn đề trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Công ty chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản mà chưa thể đáp ứng được hết các yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường khó tính như Nhật Bản. Hơn thế nữa, công ty có rất ít nhân viên được đào tạo về các tiêu chuẩn kỹ thuật do vậy chỉ có một hai người phải giám sát toàn bộ hàng hóa xuất khẩu. Với lượng hàng hóa xuất đi nhiều nhưng nhân viên hạn chế thì chất lượng kiểm tra hàng hóa cũng không đạt hiệu quả tối đa. Việc công ty chưa thể áp dụng được hết các yêu cầu của đối tác đặt ra khiến cho công ty không thể hợp tác với đối tác đó. Đây là cơ hội để các đối thủ cạnh tranh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của họ.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, chuẩn bị bộ chứng từ đôi khi còn gặp chút khó khăn vì bộ chứng từ có rất nhiều loại giấy tờ, đặc biệt là với những đơn hàng lớn: hợp đồng, hóa đơn thương mại, tờ khai thông quan, phiếu đóng gói, chứng nhận xuất xứ,... hoặc chứng từ bị sai lệch, không trùng khớp với nhau. Điều này dẫn đến việc trì trệ trong quá trình hoàn thành thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

Cuối cùng, công ty đã trang bị thiết bị vận tải nhưng vẫn do mặt bằng công ty còn hạn chế nên không có đủ vị trí đậu đỗ các phương tiện. Do đó công ty còn hạn chế về số lượng phương tiện vận tải, còn tốn nhiều chi phí cho việc thuê phương tiện đưa hàng hóa ra cảng khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Cùng với đó là vấn đề

vốn để đầu tư cho công nghệ và mở rộng sản xuất kinh doanh cũng là một trở ngại cho doanh nghiệp. Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng cho các công ty xuất khẩu nhưng do các thủ tục hành chính phức tạp, lãi suất vay vốn còn cao, các ngân hàng e ngại tình trạng nợ xấu trong thời buổi kinh tế khó khăn. Điều này khiến công ty vẫn khó có thể tiếp cận được với nguồn vốn của Nhà nước cho hoạt động của mình.

Bên cạnh đó là một số khó khăn đến từ cơ chế quản lý của Nhà nước. Việc quản lý không đồng bộ, thủ tục xuất còn rườm rà phức tạp, công tác tiến hành kiểm hóa chậm chạp khiến cho chi phí của công ty cho lô hàng xuất khẩu tăng lên.

Qua những phân tích trên có thể nói hoạt động xuất khẩu của công ty chưa thực sự mang lại hiệu quả cao cho công ty. Nhiều vấn đề cần được giải quyết và sắp xếp lại để đảm bảo hiệu quả hoạt động nhập khẩu.

Với những hạn chế vừa nêu ở trên có thể thấy nguyên nhân của các vấn đề trên xuất phát từ:

Thứ nhất, công ty chưa thể mở rộng thị trường sang các thị trường khác tiềm năng hơn vì khả năng tài chính còn có hạn. Đây là bất lợi của công ty so với đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Trong năm 2019 – 2020, tình hình dịch bệnh Covid diễn ra rất phức tạp trên thế giới. Dịch bệnh đặc biệt phát triển mạnh ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc,... Đây là nguyên nhân làm cho sản lượng xuất khẩu thủy sản của công ty giảm khi EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ đạo của công ty. Công ty cũng còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường mà chưa thể đưa ra nhiều gợi ý cho đối tác thêm nhiều mặt hàng mới bên cạnh những mặt hàng mà họ yêu cầu. Các bước trong quy trình chế biến còn phải làm thủ công nên hiệu suất chưa cao nên khó khăn cho công ty để có đủ nguồn hàng đưa ra các thị trường mới.

Thứ hai, với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu thủy sản làm cho nguồn nguyên vật liệu đầu vào của công ty giảm sút và phải liên tục cạnh tranh mới có đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Việc thiếu hụt này làm cho công ty rơi vào tình trạng bấp bênh, có lúc không có đủ nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Đồng thời, do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên giá thành thu mua cũng tăng lên, làm tăng chi phí cho hoạt động xuất khẩu.

Thứ ba, công ty còn gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong quá trình nuôi trồng, công ty không thể kiểm soát được ngư dân có áp dụng các biện pháp nuôi trồng đảm bảo hay không. Cùng với đó, quá trình chế biến nguyên liệu cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác thì đội ngũ công nhân cũng còn gặp nhiều vướng mắc vì tay nghề chưa cao. Hơn thế nữa, công ty chưa đào tạo được nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra. Đây là một bất lợi khiến công ty khó cạnh tranh với các công ty xuất khẩu thủy sản khác trong nước.

Thứ tư, công ty cũng thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Với đội ngũ nhân viên trẻ, kinh nghiệm còn ít thì có phần khó khăn cho công ty trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hơn thế nữa, khối lượng công việc từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa mang lại là rất lớn nhưng số lượng nhân viên lại ít, một người phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Từ đó hiệu suất công việc bị giảm đi và dễ xảy ra sai sót trong quá trình làm chứng từ. Đặc biệt, khai báo hải quan cho lô hàng lớn còn là áp lực của nhân viên nếu trình độ chuyên môn chưa đủ cao.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng là nguyên nhân khiến công ty thua thiệt hơn so với đối thủ cạnh tranh. Với cơ sở hạ tầng còn yếu kém như hiện nay thì việc đẩy mạnh xuất khẩu còn khó khăn đối với công ty. Công ty chưa thể đầu tư thêm phương tiện vận chuyển vì không có đủ kho bãi để chứa. Nếu thuê kho bãi để chứa thì chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh lại tăng lên. Bên cạnh đó, với máy móc, trang thiết bị còn hạn chế, công ty không thể tăng cường sản xuất thêm sản phẩm mới. Tất cả các bất lợi này một phần là do việc thiếu hụt nguồn vốn của công ty nên chưa thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Về lâu dài, công ty cần phải đề ra những mục tiêu, phương hướng và những giải pháp để khắc phục các tình trạng trên.

Chương 3: CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU

Một phần của tài liệu Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của công ty CP thủy sản bình định (Trang 56 - 59)