Về phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp hàng đầu trong UTTG, mục đích để loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể, hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát bệnh, là tiền đề cho các phương pháp điều trị khác. Nạo vét hạch cổ là chỉ định được đặt ra trong vài thập kỷ gần đây với những bệnh nhân có di căn hạch hoặc có nguy cơ cao, bởi tỷ lệ bệnh nhân có di căn hạch cần được loại bỏ hoàn toàn tổ chức ung thư cả ở tại tuyến giáp và hạch. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa di căn hạch và tỷ lệ bệnh tái phát và tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của chúng tôi 100% bệnh nhân đều được thực hiện phẫu thuật, và cụ thể là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Trong đó 61,7% chỉ phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp đơn thuần; 38,3% bệnh nhân có nạo vét hạch cổ kèm theo. Trong nghiên cứu của Huang và cộng sự (2018) thống kê, 85% bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, 15% cắt bỏ một phần tuyến giáp [52].
Phẫu thuật cắt toàn bộ mô giáp có hoặc không kèm theo nạo vét hạch nhằm loại bỏ tối đa mô ung thư trong cơ thể, tuy nhiên ngay cả với những phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm thì vẫn có một tỷ lệ lớn trường hợp còn tồn tại tổ chức giáp sau mổ [4]. Khai thác được ở 60 bệnh nhân có xạ hình tuyến giáp sau phẫu thuật, có 45 bệnh nhân (75%) còn tổ chức tuyến giáp sau phẫu thuật. Tỷ lệ này đã thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Đỗ Đình Hà và cộng sự (2009) với 100% bệnh nhân còn mô tuyến giáp sau phẫu thuật [10].
Mô giáp còn lại sau phẫu thuật không đủ cung cấp hormone cho cơ thể, sẽ kích thích tuyến yên tiết TSH theo cơ chế điều hòa ngược âm tính, điều này sẽ kích thích khối u tuyến giáp phát triển, tái phát [5]. Vì thế, điều trị I-131 là phương pháp điều trị bổ trợ cần thiết sau phẫu thuật. Hủy mô giáp bằng Iod phóng xạ đã được đưa vào phác đồ từ năm 2009 và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Trong nghiên cứu của chúng tôi, 79% bệnh nhân được chỉ định điều trị I-131. Tỷ lệ này cũng tương tự với một số nghiên cứu khác trên thế giới. Nghiên cứu của Sung và cộng sự (2017), tỷ lệ bệnh nhân điều trị I-131 lên tới 73,6% [42]. Thống kê của Wang và cộng sự (2018) cũng cho thấy tỷ lệ điều trị Iod phóng xạ cũng đạt 77,5% [66]. Theo Celik và cộng sự (2020), 59,8% bệnh nhân điều trị bằng Iod phóng xạ [23].
43