Chiều kích không gian

Một phần của tài liệu Dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 83 - 86)

PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN DẤU ẤN ĐỊA VĂN HÓA BÌNH ĐỊNH TRONG THƠ BÀN THÀNH TỨ HỮU

3.3.1. Chiều kích không gian

Không gian nghệ thuật là khái niệm của thi pháp học chỉ hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sự mô hình hóa thế giới của tác giả. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm. Không gian nghệ thuật bao giờ cũng gắn với những cảm xúc và mang ý nghĩa nhân sinh, là không gian tinh thần được tái hiện trong tâm tưởng người nghệ sĩ. Nó được chia thành nhiều chiều, nhiều lớp khác nhau. Đó có thể là không gian mở hay không gian khép kín, cũng có thể là không gian tĩnh hay không gian linh hoạt vận động đa chiều hướng. Trong thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan, Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Bình Định hiện lên với nhiều chiều kích không gian khác nhau: không gian thực, không gian kết tinh thành tâm cảm, không gian tưởng tượng huyền nhiệm.

Không gian thực bao gồm không gian biển, vườn tược, đồng vắng, trăng nước bao la… Đó là không gian cảnh sắc thiên nhiên với sự có mặt của nhiều địa danh đã đi vào tâm thức của người Bình Định. Ở đó ta bắt gặp dòng sông Côn đêm ngày chảy qua bao tháng năm, khi ngày nắng lúc đêm mưa, khi năm tháng yên lành lúc giờ khắc khói lửa:

Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập,

83

Duyên cá nục, măng le về hội họp, Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên.

(Bình Định 1945 - Yến Lan)

Hay địa điểm xác thực của đất An Nhơn có tên là lầu Cửa Đông từng hiện diện trong thơ Yến Lan:

Lầu Cửa Đông có nghe Em tâm sự, Em đi trong tình sử của lầu thơ. Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ, Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ.

(Bình Định 1945 – Yến Lan)

Ngoài những cảnh sắc thực của thiên nhiên Bình Định, các nhà thơ còn biểu hiện không gian theo hướng tâm cảm hóa hiện thực. Chắc lọc những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên Bình Định để hóa nó thành cảnh sắc trong tâm tưởng của nhà thơ. Hình ảnh bến sông, bãi biển, ánh trăng có thực của quê nhà đã trở thành tâm cảnh khi nhà thơ ảo diệu hóa khiến chúng trở nên lung linh, huyền ảo, như thực như mơ. Đó là bến sông Trường Thi trong thơ của Yến Lan, là bãi biển trong thơ của Quách Tấn, Chế Lan Viên, là ánh trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên.

Cảnh biển thực đã hóa thành tâm cảm khi nhà thơ đã hóa thân cho biển trở thành nhân vật trữ tình chính trong thơ. Chế Lan Viên không nói rõ là biển Quy Nhơn nhưng ai cũng biết rằng chính biển Quy Nhơn nơi ông đã từng học tập, sinh sống đã trở thành nỗi ám ảnh của nhà thơ về biển:

Ôi, biển thanh niên, vững già vạn tuổi, Sáng chân trời, nguyên vẹn mặt đơn sơ. Muối, ngươi rót, say đầu không chí chói, Đất ngươi theo, ca những giọng nghi ngờ.

84

Biển trở thành đối tượng trữ tình để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm u uẩn chốn nhân gian. Giữa giai đoạn đau thương, quẩn quanh không lối thoát, Chế Lan Viên đã chọn biển làm người bạn tâm tình để khỏa lấp những nỗi đau.

Hay bến sông Trường Thi quê nhà Yến Lan đã hóa thân thành một bến My Lăng ảo diệu, đẹp đến bồi hồi trong bài Bến My Lăng bất hủ:

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách, Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu. Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách, Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

(Bến My Lăng – Yến Lan)

Chính nhà thơ đã thừa nhận những lần ra chơi ở bến sông cảm nhận vẻ đẹp hoài cổ của nơi này, ông đã xúc động hồn thơ để làm nên bài Bến My Lăng để biểu hiện bến lòng của mình.

Trong cảm hứng viết về Bình Định có thể thấy một không gian độc đáo, đó chính là không gian hồi tưởng về một kí ức xa xưa của mảnh đất này.

Không gian nước Chăm pa trong lịch sử, trong những ngày vui thái bình:

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc! Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi. Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp, Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.

(Trên đường về - Chế Lan Viên)

Vương quốc tưởng tượng của Chế Lan Viên là một Chiêm quốc từng có mặt trên mảnh đất Bình Định với tên gọi là Lâm Ấp, trải qua nhiều thế kỉ phồn vinh với những tháp Chăm tươi đỏ màu gạch mới, Chiêm nữ vui ca trong sắc áo hồng tươi. Trong thế giới tưởng tượng ấy, Chế Lan Viên còn ngậm ngùi thương cho quốc gia Chiêm trong những ngày u buồn, lệ rơi, máu chảy:

85

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận, Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

(Trên đường về - Chế Lan Viên)

Không gian u buồn ấy có lẽ chiếm lĩnh nhiều hơn trong Điêu tàn của Chế Lan Viên. Ông khóc thương cho Chiêm quốc hay cũng chính là khóc thương cho đất nước, mảnh đất quê hương đang tủi nhục trong cảnh nô lệ lầm than.

Không gian nghệ thuật trong những bài thơ viết về Bình Định có sự sáng tạo độc đáo của các nhà thơ. Dù là không gian thực, không gian tâm cảm hay không gian tưởng tượng cũng đều được các nhà thơ biểu đạt bằng tấm lòng chất chứa yêu thương sâu nặng với mảnh đất quê hương mình. Chính nhờ đó, hiệu quả nghệ thuật của những vần thơ thêm phần độc đáo.

Một phần của tài liệu Dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)