Khi quan sát phản ứng của cá nhân trong tình huống nhất định đối với một mục tiêu nhất định,Ajzen (1991) cho rằng hành vi là một chức năng của ý định và nhận thức về kiểm soát hành vi. Ajzen (1991) cho rằng một ý định tạo thuận lợi cho hành vi chỉ khi nhận thức kiểm soát hành vi mạnh mẽ.
Tất cả phản ứng của cá nhân khi bị bất cứ một yếu tố nào đó trong môi trường kích thích (các yếu tố bên ngoài lẫn tình trạng bên trong) và tiến trình ứng xử để thích ứng có định hướng, mục tiêu nhằm thích nghi với hoàn cảnh được gọi là hành vi.
Ngoài ra, hành vi còn được xem là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử, biểu hiện ra ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể nhất định.
Hành vi là sự chuyển tải nhận thức, thái độ thành việc làm cụ thể. Hành vi của con người ở mức độ cao là được học tập và có thể thay đổi bởi ảnh hưởng của việc động viên hoặc kích thích. Theo Max Weber, hành vi xã hội là điểm xuất phát của mọi quá trình xã hội. Theo Parsons, muốn giải thích một hiện tượng xã hội phải quy về những hành vi cá nhân sơ đẳng, coi như một sự kiện, một dữ kiện riêng.
Bên cạnh đó, hành vi của con người cũng được xem là một hành động, hay tập hợp nhiều hành động, và những hành động này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, chủ quan cũng như khách quan. Mỗi hành vi của một con người là sự biểu hiện cụ thể của các yếu tố cấu thành nên, đó là các kiến thức, niềm tin, thái độ và cách thực hành của người đó trong một tình huống hay trong một sự việc cụ thể nhất định.