- Ngành công nghiệp thép trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn khó lường, nếu các cơ quan quản lý không có những biện pháp kịp thời để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Ngành thép tìm lối thoát khủng hoảng
cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thì ngành thép Việt Nam lại đứng trước nguy cơ “đại khủng hoảng thừa” do sự bùng nổ các dự án thép và nhập khẩu thép giá rẻ từ các nước.
Hai “lối thoát” vừa được Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra giúp ngành thép thoát khỏi khủng hoảng là tăng thuế nhập khẩu và dừng cấp phép các dự án ngoài quy hoạch.
Tăng thuế nhập khẩu
Nhằm ứng phó trước mắt với tình hình thép ngoại đang bán phá giá vào Việt Nam, Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 58/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng sắt thép trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo hướng tăng thuế nhập khẩu phôi thép và một số loại thép thành phẩm.
Theo quyết định này, sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm có hàm lượng carbon dưới 0,25% tính theo trọng lượng và các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, cán nguội (ép nguội), chưa dát phủ, mạ hoặc tráng sẽ được điều chỉnh từ 5% lên 8%.
Các loại thép dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng; sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác, mới chỉ qua rèn, cán nóng, kéo nóng, kể cả công đoạn xoắn sau khi cán... áp dụng thuế suất 15%.
Mức thuế 7% được áp dụng với các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên đã phủ, mạ hoặc tráng trong khi mức thuế 10% và 13% được áp dụng với một số loại sản phẩm đặc thù như: Dây sắt hoặc thép không hợp kim…
Trước đó, ngày 12/3, Hiệp hội Thép đã có văn bản kiến nghị nâng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép (mã số 7207) từ 5% lên 15%; nâng thuế suất nhập khẩu thép cuộn đường kính 6-10mm và thép thanh xây dựng từ 12 lên 22%; thép cuộn cán nguội (mã số HS 7209) đề nghị nâng thuế suất nhập khẩu từ 7 lên 8% và các sản phẩm tráng kim loại và sơn phủ màu cũng tăng thêm 1%. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu thép và phôi thép nhằm ứng phó trước mắt với tình hình thép ngoại đang bán phá giá vào Việt Nam.
Dừng các dự án
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch ngành thép từ tháng 9/2007 (giai đoạn 2007-2015, có tính đến năm 2025) nhưng các dự án thép ngoài quy hoạch vẫn mọc như nấm sau mưa.
Hai năm vừa qua, 2007 và 2008, ngành thép đã có sự bùng nổ về đầu tư với rất nhiều dự án cả trong và ngoài nước được cấp phép.
Đến nay, đã có 32 dự án ngoài quy hoạch được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, có nơi như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép đến 7 dự án. Trong số này, chỉ có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và 5 dự án quy mô vừa được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương.
Chỉ riêng trong năm 2008, có đến 2 dự án FDI có công suất thiết kế lớn tới 5-7 triệu tấn/năm đã được cấp phép là: dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh và dự án thép Cà Ná ở Bình Thuận.
Nếu chiểu theo số dự án được cấp phép, ngành thép đứng trước nguy cơ một cuộc “đại khủng hoảng thừa” khi công suất có thể lên tới 60 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt chỉ là 10-11 triệu tấn/năm vào năm 2010 và khoảng 24-25 triệu tấn vào năm 2025. Đó là còn chưa kể tới việc môi trường bị phá hủy, rất nhiều đất đai bị sử dụng lãng phí trong khi nông dân bị thu hồi đất thì không có việc làm, không có kế sinh nhai…
VSA dự báo, phát triển sản xuất thép ngoài quy hoạch như vậy sẽ dẫn đến hậu quả cung vượt gấp 3 lần cầu, gây tác động xấu đến thị trường, mất cân đối về tài nguyên, năng lượng và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường do có thể có những dự án công nghệ lạc hậu.
“Để giảm bớt khó khăn cho ngành thép và giảm thiệt hại cho nền kinh tế, VSA đã kiến nghị Chính phủ cần kiên quyết và sớm đình chỉ các dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không có sự bảo đảm nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài” - ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, nói. Trước thực tế trên, một trong những biện pháp mạnh nhằm tránh nguy cơ “đại khủng hoảng thừa” trong ngành thép đã được Chính phủ thực hiện mới đây.
Công văn số 1708/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương có liên quan phối hợp với các bộ chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường.
Công văn 1708 cũng nêu rõ: các dự án sản xuất thép chỉ được xem xét nếu đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt, các dự án sản xuất thép chất lượng cao như: thép kỹ thuật điện, ống thép không hàn, thép hình cỡ lớn, thép hợp kim, thép đặc biệt.
Theo các chuyên gia, Chính phủ không đóng cửa hoàn toàn đối với đầu tư vào ngành thép, mà những dự án sản xuất thép kỹ thuật cao, thép đặc biệt… vẫn tiếp tục được cấp phép vì đây là những lĩnh vực Việt Nam còn yếu trong khi nhu cầu trong tương lai sẽ lớn.
Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt này có nhiều. Đó là, do dự báo nhu cầu thép tăng cao trong thời gian tới trong khi khả năng hiện tại chưa đáp ứng được; việc phân cấp đầu tư về địa phương có quy định, những dự án có quy mô vốn dưới 1.500 tỷ VND thì địa phương được quyền quyết định, trong khi việc chọn lựa dự án của nhiều địa phương còn có vấn đề.
Bởi thế, việc đầu tư thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Đầu tư trong nước thì manh mún, công nghệ thấp nên sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Các địa phương có mỏ chưa thăm dò trữ lượng cụ thể, cứ kêu gọi đầu tư khiến nhiều dự án đã được cấp phép nhưng không thể tiếp tục triển khai do các điều kiện chưa được chuẩn bị tốt.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đây là một quyết định kịp thời nhằm tránh cho ngành thép lặp lại tình cảnh nơi nơi làm gang thép, bất chấp mất cân đối cung
cầu như đã từng xảy ra với xi măng lò đứng trước đây. Điều này cũng tránh cho Nhà nước sự lãng phí lớn.