6. Bố cục của khóa luận
1.2.2. Đảng lãnh đạo phong trào công nhân giai đoạn 1932 – 1935
Đảng bộ đặc khu ra đời nói lên tầm quan trọng của vùng mỏ cũng như bước trưởng thành nhanh chóng của tổ chức Đảng và phong trào công nhân ở đây. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than đã diễn ra, tiêu biểu là: cuộc đấu tranh của công nhân nhà sàng Cửa Ông nổ ra ngày 8/4/1930 đưa yêu sách yêu cầu tên đốc công phải gọi 12 thợ bị đuổi đi làm, giảm 3 giờ cho ca đêm, không được đánh đập thợ, tăng lương 20%.
Mặc dù bọn chủ mỏ tìm mọi cách đe dọa, khủng bố, mua chuộc, chia rẽ…đội ngũ công nhân, kéo dài thời gian, không chấp nhận yêu sách hòng làm cho cuộc đấu tranh thất bại. Nhưng dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông và công hội đỏ, được sự giúp đỡ của Tổng công hội Bắc Kỳ (chuyển tiền của các nơi đến ủng hộ) và cuộc đấu tranh đòi tăng lương của công ty than Mông Dương hỗ trợ, với tinh thần đoàn kết chặt chẽ và tính kỷ luật, không sợ hy sinh gian khổ, bằng nhiều hình thức đấu tranh phong phú thích hợp, chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông đã vận động công nhân mỏ than Mông Dương hỗ trợ cuộc đấu tranh của công nhân nhà sàng bằng việc cử người rải truyền đơn trong nhà máy, tầng than, đường phố ở Cẩm Phả - Cửa Ông, kêu gọi công nhân chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, phản đối thực dân Pháp đàn áp cuộc bạo động của các chiến sĩ yêu nước ở Yên Bái.
Ngày 25/4/1930, chủ nhà máy buộc phải chấp nhận tăng lương 20% cho công nhân. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân toàn khu mỏ.
Cùng với cuộc đấu tranh của công nhân nhà sàng Cửa Ông là cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy than huyện Hòn Gai đình công chống lại bọn
chủ mỏ và tay sai đánh đập, cúp phạt lương công nhân vô cớ, phải trả đủ tiền những giờ làm thêm.
Tháng 4/1930, các chi bộ ở Cẩm Phả - Cửa Ông rải truyền đơn ở các hầm lò, nhà máy, đường phố kêu gọi mọi người đứng dậy cùng Đảng Cộng sản chống lại sự khủng bố dã man của giặc Pháp đối với các chiến sĩ yêu nước trong cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân Đảng nổ ra ở Yên Bái ngày 9/2/1930.
Ở Hòn Gai, chi bộ tổ chức đi Hải Phòng may cờ, cắm cờ Đảng, rải truyền đơn… Sáng ngày 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ. Trung tâm kinh tế chính trị của cả khu mỏ như vẫy gọi quần chúng vùng dậy đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của bọn thực dân chủ mỏ, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Tại Hà Tu và Hòn Gai, áp phích và truyền đơn được rải khắp nơi, dưới phố chợ, trên tầng lò, đảng viên dùng thuốc nổ phá hoại đường sắt từ Hà Tu ra bến than.
Đợt đấu tranh kỷ niệm ngày 1/5/1930 là bước ngoặt quan trọng, đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở khu mỏ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.Đợt đấu tranh đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, tập trung quần chúng của các chi bộ ở khu mỏ. Mặt khác, nó còn thể hiện tính tập trung, kỷ luật, tự giác và sức mạnh của đội ngũ công nhân mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là lượt tập dượt của quần chúng cách mạng khu mỏ trong ngày hội của nhân dân lao động, nó chuẩn bị cho những bước phát triển cao hơn, giành những thắng lợi mới rực rỡ hơn.
Trong các ngày mùng 3, 14, 18, 27 và 30/10/1930, công nhân Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả…rải truyền đơn kêu gọi mọi người đấu tranh “ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ”, phản đối đế quốc Pháp đàn áp các phong trào cách mạng trong cao trào cách mạng 1930 – 1931.
Tháng 11/1930, Đặc khu ủy đã phát động phong trào đấu tranh trong toàn vùng mỏ để kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga. Từ ngày 4/11/1930, công nhân Hòn Gai rải truyền đơn kêu gọi biểu tình kỷ niệm cách mạng tháng Mười. Trong ngày kỷ niệm, pháo nổ ngay ở cửa nhà máy cơ khí Hòn Gai, công nhân cắt điện ở thị xã. Ngày 5/10/1930, công nhân mỏ Mạo Khê rải truyền đơn kêu gọi kỷ niệm cách mạng tháng Mười. Ngày 7/11/1930, Đảng ủy mỏ Uông Bí – Vàng Danh tổ chức treo cờ đỏ, dán áp phích ở nhiều nơi kêu gọi công nhân đấu tranh đòi chủ mỏ không được lưu lương.
Cùng ngày 7/11/1930, tại Cẩm Phả, công nhân treo cờ trên cột điện cao thế, rải truyền đơn trên tầng than, cắm cờ Đảng. Đảng viên và hội viên công hội đỏ đã gài mìn nổ ở cửa rạp hát, gây tiếng vang lớn trong thị xã.
Cùng với phong trào cách mạng trong cả nước, phong trào cách mạng ở khu mỏ bị thực dân chủ mỏ đàn áp đẫm máu.Nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt.
Giữa tháng 5/1930, Trần Văn Trí là cán bộ bị địch bắt đã đầu hàng khai báo cho địch biết cơ sở của ta. Vì vậy, 20 cán bộ, đảng viên của các chi bộ đảng ở Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông, Uông Bí – Vàng Danh, Mạo Khê đã bị giặc Pháp bắt. Đồng chí Hoàng Quốc Việt hoạt động ở Mạo Khê và Hải Phòng cũng bị bắt.
Mới chỉ tính ở khu vực Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh, đến tháng 10/1930 có 64 đảng viên và 43 hội viên công hội thì đến tháng 12/1930 chỉ còn 38 đảng viên và 29 hội viên công hội.
Do công tác tổ chức chưa được chặt chẽ, thiếu cảnh giác nên tên Bùi Huy Thoại đã chui vào hàng ngũ của Đảng và trong Đảng ủy mỏ Hòn Gai. Bị địch mua chuộc, hắn đã báo cho bọn mật thám vây bắt hầu hết các đồng chí trong đặc khu ủy, Đảng ủy mỏ Hòn Gai, Đảng ủy mỏ Cẩm Phả, Cửa Ông. Đồng chí Bí thư đầu tiên của Đảng bộ đặc khu Vũ Văn Hiếu cùng một số
đồng chí khác bị bắt tại cơ quan Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông. Nhiều tài liệu, sách báo bí mật, truyền đơn, vũ khí của Đảng ủy Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông bị địch lấy. Đây là vụ tổn thất lớn nhất của phong trào cách mạng khu mỏ.
Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng các đồng chí đảng viên một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Đồng chí Vũ Thị Lưu, Ngô Huy Tăng trước tòa đề hình Hà Nội đã cùng với các chiến sĩ cộng sản khác hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp” và hát vang bài hát Quốc tế ca.
Ngày 26/1/1931, tại phiên tòa đề hình ở Kiến An (Hải Phòng), đế quốc Pháp đã xử 72 chiến sĩ cộng sản. Những đảng viên hoạt động ở khu mỏ bị chúng bắt xử đã lợi dụng diễn đàn, tuyên truyền cho lý tưởng cộng sản: “Tôi không cần từ chối gì nữa về hoạt động cách mạng của tôi vì đó là bổn phận của tôi góp sức cứu vớt 20 triệu đồng bào và đánh đổ giai cấp tư sản đế quốc”; “Tôi vào Đảng để đấu tranh cho hạnh phúc của nhân loại”; “Tôi là vô sản nên có lý do đương nhiên làm cách mạng”; “Tôi là công nhân, tôi đi theo Đảng để bênh vực quyền lợi cho vô sản”; “Tôi có gan theo Đảng Cộng sản thì tôi cũng có gan dám chịu lấy trách nhiệm, chúng tôi không xem cách mạng như một trò trẻ con”[17,tr.38].
Trong báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đại diện Quốc tế cộng sản ở Thượng Hải đã chỉ rõ: “Khủng bố trắng không thể làm giảm sút tinh thần cách mạng của các chiến sĩ. Những câu trả lời của anh chị em trước tòa án đã chứng tỏ điều đó, mặc dù những người này không được nói nhiều”[16, tr.38].
Đến cuối tháng 1, đầu tháng 2/1931, nhiều đồng chí trong đặc khu ủy bị địch bắt, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ nhưng những đảng viên và quần chúng cách mạng không bị địch bắt vẫn tiếp tục hoạt động rải truyền đơn, diễn thuyết nhân kỷ niệm Công xã Pari… Tuy nhiên, sau đợt khủng bố trắng,
phong trào cách mạng cả nước nói chung và phong trào công nhân ở khu mỏ nói riêng tạm thời lắng xuống.
Từ năm 1932 – 1933, ở khu mỏ không có cuộc đấu tranh lớn, mọi hoạt động rút vào bí mật. Công nhân các mỏ Hà Lầm, Hà Tu, Mông Dương, Cẩm Phả hoạt động chủ yếu là phá hoại kinh tế địch như trộn đất đá vào than, làm hỏng các xe chở than, làm đứt dây kéo trục để ngưng trệ sản xuất. Mặt khác công nhân dùng nhiều biện pháp chống lại bọn cai, sếp hống hách, hà hiếp, cúp phạt công nhân.
Mặc dù đời sống còn khó khăn, cực khổ nhưng khi được tin nhân dân Trung Kỳ bị bão lụt thiệt hại nặng, tháng 8/1932, công nhân mỏ Mông Dương đã quyên góp tiền giúp bà con bị nạn. Số tiền tuy ít nhưng đã thể hiện được tình cảm, sự liên minh công nông bền vững giữa công nhân mỏ than với công nhân và nhân dân lao động cả nước.
Trước tình hình phong trào cách mạng cả nước gặp nhiều khó khăn, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng quyết định ra sức phát triển đảng viên, xây dựng lại phong trào, chú ý các trung tâm công nghiệp dẫn điện, đường giao thông.
Giữa năm 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng đã về Hòn Gai, Cẩm Phả gây dựng lại cơ sở, củng cố lại phong trào. Vừa liên lạc với những đảng viên còn lại ở mỏ, vừa liên lạc với những đảng viên ở nông thôn Nam Định bị địch khủng bố chuyển ra mỏ Cẩm Phả làm phu để hoạt động.Sau một thời gian, đồng chí đã tuyên truyền, vận động, giáo dục được công nhân và lập ra hội Ái hữu.
Tuy vậy, nhìn chung phong trào công nhân phát triển còn chậm. Từ tháng 8/1932 đến cuối năm 1935 mới nổ ra một cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy cơ khí Uông Bí chống chủ lưu 7 tháng lương. Cuộc đấu tranh chưa
lớn và phạm vi ảnh hưởng còn hẹp, song nó là một mốc đánh dấu sự hồi phục của phong trào cách mạng ở khu mỏ.
Tiểu kết chương 1
Như vậy, từ khi thực dân Pháp đánh chiếm và khai thác than ở khu mỏ Quảng Ninh đã tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân mỏ than Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ. Cùng với việc tăng cường bóc lột sức lao động rẻ mạt của người công nhân, bọn thực dân chủ mỏ còn tiến hành nhiều thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết trong công nhân mỏ.
Ngay từ khi Đảng ra đời năm 1930 đến năm 1935, phong trào công nhân mỏ than tỉnh Quảng Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành đấu tranh dưới nhiều hình thức như: đình công, phá hoại máy móc, rải truyền đơn…để chống lại bọn chủ mỏ thực dân Pháp. Phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Quảng Ninh giai đoạn này còn đơn sơ, lẻ tẻ nhưng đã trở thành những đấu tranh lần tập dượt cho những thắng lợi to lớn trong giai đoạn sau.
Chương 2
ĐẢNG LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÔNG NHÂN MỎ THAN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 1936 - 1939