Về phía Nhà nước

Một phần của tài liệu BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA HÀNG KHÔNG VIỆT NAM ĐỐI VỚI HÀNH LÝ, HÀNG HOÁ VÀ TƯ TRANG CỦA HÀNH KHÁCH (Trang 95 - 97)

I.1. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để việc kinh doanh bảo hiểm đi vào nề nếp, theo đúng pháp luật:

Việc kinh doanh và giải quyết tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm trong thời gian qua, tuy có sự quản lý ngày càng chặt chẽ của Nhà nước, nhưng vẫn còn một số tồn tại do hệ thống các văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở và còn nhiều chồng chéo. Đặc biệt là trong việc giải quyết các tranh chấp về bồi thường bảo hiểm mà có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật để giải quyết gặp nhiều khó khăn do khoảng trống pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật. Trong tháng cuối của năm 2000 (7/12/2000), Quốc hội đã chính thức thông qua luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, vì trong suốt 36 năm tồn tại và phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ hoàn toàn dựa vào các văn bản dưới luật. Tuy luật đã ra đời, nhưng các văn bản dưới luật kinh doanh bảo hiểm liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm bồi thường chưa được cụ thể hoá, làm cho việc áp dụng luật này còn nhiều khó khăn và chậm trễ.

I.2. Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những chính sách thích hợp trong quản lý thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh:

Trong những năm qua, việc quản lý Nhà nước về hoạt động bảo hiểm đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thị trường bảo hiểm Việt Nam dần đi vào nề nếp và có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, những hiện tượng kinh doanh trái pháp luật đang dần được loại trừ. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ít nhiều vẫn xảy ra. Ngoài ra, số công ty bảo hiểm tham gia kinh doanh BHHK không nhiều, nên sức ép cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trong việc giải quyết bồi thường là không lớn.

Việc cho phép một số công ty bảo hiểm nước ngoài có kinh nghiệm chính thức hoạt động ở Việt Nam đã cho phép tăng áp lực cạnh tranh đối với các công ty bảo hiểm trong nước. Việc cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty bảo hiểm giúp họ hoàn thiện dịch vụ của mình, trong đó có việc giải quyết khiếu nại, một tiêu chí không thể thiếu được trong cạnh tranh của thị trường bảo hiểm. Ngoài ra, các công

ty trong nước cũng có thể học tập kinh nghiệm giải quyết khiếu nại của họ đặc biệt trong những vụ tổn thất lớn.

Tuy nhiên, Nhà nước phải quản lý chặt tạo ra một môi trường cạnh tranh thật sự lành mạnh, tránh hiện tượng phá giá và các hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh khác. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần phải có các chính sách thích hợp để giúp các công ty bảo hiểm trong nước củng cố và phát triển, giúp các công ty này có đủ năng lực để cạnh tranh với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Điều này là rất cần thiết khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm phi nhân thọ và các hình thức bảo hiểm khác một xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA HÀNG KHÔNG VIỆT NAM ĐỐI VỚI HÀNH LÝ, HÀNG HOÁ VÀ TƯ TRANG CỦA HÀNH KHÁCH (Trang 95 - 97)