1.3.1. Giới thiệu sơ lược về vùng lấy mẫu
Miền Trung Việt Nam (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) là một vùng giàu tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học và các nguồn lợi hải sản, có nhiều di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới. Nhưng Miền Trung cũng tiềm ẩn nhiều tai biến thiên nhiên, môi trường đang bị ô nhiễm, đa dạng sinh học đang bị suy thoái [1].
Vùng ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các quần cư, các yếu tố môi trường đặc trưng sau đây: có một khu hệ động vật, thực vật biển khá phong phú
gồm thực vật ngập mặn, các loài cỏ biển, san hô, thực vật phù du, động vật phù du, chim, thú biển..., có nguồn lợi hải sản phong phú, có nhiều bãi tôm, mực giá trị, là
ngư trường rộng, có thể đánh bắt hải sản gần như quanh năm, là nguồn sinh sống
của hàng vạn ngư dân. Rạn san hô là một trong các hệ sinh thái điển hình cho đới ven
biển Nam Trung Bộ và có mức độ đa dạng sinh học rất cao.Hệ sinh thái cỏ biển đa
dạng về thành phần loài với năng suất sinh học cao, không thua kém các hệ sinh thái
cửa sông và hệ sinh thái san hô[1].
Hoạt động kinh tế tại các vùng ven biển diễn ra hết sức sôi động và hiệu quả.
Nhưng đi cùng với sự phát triển kinh tế -xã hội là sự gia tăng khả năng tích lũy các
chất gây ô nhiễm môi trường biển nói chung và môi trường trầm tích ven biển nói
riêng. Để phát triển bền vững, việc nghiên cứu khả năng tích lũy các chất gây ô
nhiễm trong môi trường trầm tích biển là một nhu cầu khách quan[1].