Nâng cao chất lượng thẩm định dự án trước khi cho vay

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đầu tư dự án tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Hà Nội (Trang 70 - 72)

Công tác thẩm định dự án không chỉ có ý nghĩa đối với chủ đầu tư hay các cơ quan hoạch định chính sách, những người để ý tới hiệu quả của dự án trên phương diện xã hội hay kinh tế mà còn rất quan trọng đối với ngân hàng, người trực tiếp cung cấp phần lớn vốn cho dự án. Mục đích của ngân hàng khi thẩm định dự án chính là để đảm bảo cho quyết định cho vay của mình, tránh rủi ro cho ngân hàng, lựa chọn những dự án hiệu quả cao nhất để cho vay.

Để đảm bảo công tác phân tích thẩm định dự án được thực hiện tốt, ngân hàng cần phải hoàn thiện nội dung và phương pháp thẩm định.

Đối với phương pháp thẩm định dự án:

Hiện nay, phần lớn các dự án chỉ được thẩm định theo phương pháp thẩm định theo trình tự, đây là phương pháp truyền thống, cán bộ tín dụng sẽ thẩm định từ tổng quát đến chi tiết của dự án, tính toán các chỉ tiêu và dựa vào đó đưa ra kết luận. Mặc dù các dự án xin vay vốn của chi nhánh hầu như chỉ thuộc một số lĩnh vực chính như xây dựng, thủy điện, xi măng nhưng chi nhánh lại chưa có sự phân định phương pháp và nội dung thẩm định giữa các nhóm ngành khác nhau. Chưa có một hệ thống các chỉ tiêu riêng cho từng ngành, thẩm định các dự án khác nhau chưa có quy trình khác biệt mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân cán bộ thẩm định.

Chính vì thế, ngân hàng cần xây dựng các quy trình chỉ tiêu riêng của từng ngành để làm mẫu so sánh đối chiếu khi thẩm định hiệu quả tài chính dự án. Đồng vốn ngân hàng có được rất khó khăn, vì vậy khi giải ngân cần phải thận trọng, nếu như cho vay dự án này thì sẽ mất cơ hội cho dự án khác, ngân hàng cần tìm ra các dự án có hiệu quả lớn nhất để cho vay nhằm giảm rủi ro, đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng.

Đối với nội dung thẩm định:

- Thẩm định vốn đầu tư: yêu cầu chủ dự án trình bày và chứng minh được các nguồn đầu tư và tài trợ đã nêu ra. Hơn nữa phải tính toán đúng lượng vốn theo nhu cầu của dự án tránh trong khi thực hiện dự án phải điều chính gây chậm tiến độ dự án và khó khăn cho chủ đầu tư cũng như ngân hàng.

- Thẩm định dòng tiền: tăng cường công tác thống kê, điều tra thông tin thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phầm, thị trường lao động của mỗi ngành, nhóm ngành để làm cơ sở dự báo giá bán, chi phí, nhân công... Xây dựng mô hình dự báo, chú ý đến các tác động của lạm phát, tỷ giá, lãi suất đến giá bán sản phẩm, giá nguyên liệu đầu vào, thị trường nước ngoài… Từ đó hợp lí các dòng tiền.

- Thẩm định lãi suất chiết khấu: vì việc tính toán chi phí vốn chủ sở hữu quá phức tạp, hơn nữa để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, ngân hàng có thể sử dụng tỷ suất chiết khấu tính bằng cách cộng lãi suất cho vay của ngân hàng với một phần bù

rủi ro nhất định. Tuy vậy, việc không nhất quán và rất cảm tính trong việc xác định phần bù rủi ro khi tính toán không chỉ cho kết quả thẩm định sai mà còn gây bức xúc cho chủ đầu tư. Vì vậy cần xây dựng một mô hình xác định tỉ lệ chiết khấu phù hợp, không chí ít cũng phải xây dựng được một khung chuẩn phần bù rủi ro cho từng loại dự án hoặc từng ngành, từng khách hàng lớn của ngân hàng.

- Về hệ thống các chỉ tiêu hiệu quả tài chính: ngoài các chỉ tiêu truyền thống như NPV, IRR, PI… cần xem xét thêm các chỉ tiêu hiệu quả tài chính khác cho phù hợp với từng loại dự án, từng ngành. Toàn hệ thống đã xây dựng được bảng chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp khá hoàn thiện, cần thiết cũng nên xây dựng một hệ thống chấm điểm các chỉ tiêu tài chính cho dự án từng ngành.

- Về việc đánh giá rủi ro của dự án: hiện tại, phương pháp đánh giá rủi ro là phương pháp phân tích độ nhạy, phương pháp này có ưu điểm đơn giản nhưng hiệu quả lại không cao, chỉ xét được mối liên hệ giữa một, hai yếu tố tác động tới các chỉ tiêu hiệu quả tài chính mà chưa cho thấy toàn bộ xu hướng thay đổi của các chỉ tiêu này khi thị trường thay đổi. Cần xây dựng được một mô hình dự báo và phân tích hoàn chỉnh không những để phân tích rủi ro của dự án mà còn làm rõ được các biến động của thị trường tác động đến các yếu tố khác như thế nào.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đầu tư dự án tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Hà Nội (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w