Khi luận giải về vấn đề bản chất của nhà nước, K. Marx cho rằng, nhà nước là một tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm mục đích bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác…và rằng, trong những xã hội dựa trên sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhà nước bao giờ cũng là công cụ của giai cấp thống trị bóc lột, là công cụ chuyên chính của nó, là lực lượng đặc biệt để đàn áp quần chúng bị bóc lột, bất kể là chính thể nào. Như vậy, nhà nước trong quan niệm của K. Marx mang bản chất giai cấp và bản chất nhà nước cũng chính là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị. Nhà nước ra đời với những đạo luật cụ thể, nhằm bảo vệ quyền lợi và địa vị của giai cấp thống trị.
Khác với K. Marx, J. Locke cho rằng nhà nước hoàn toàn mang bản chất “phi giai cấp”, bởi vì nhà nước được thành lập dựa trên ý chí chung của toàn dân, vì thế, nó sẽ bảo vệ lợi ích của tất cả mọi người. Trong trạng thái tự nhiên, con người có quyền tự nhiên để tự bảo vệ an ninh cho mình, và trong trạng thái tự nhiên điều đó được thực hiện với tư cách cá nhân, tự
phát, và bằng bạo lực vô tổ chức. Khi tham gia khế ước xã hội, con người đã trao cả sự an toàn tính mạng và tài sản của mình cho xã hội công dân, lúc này nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm sự an ninh đó, nếu nó muốn duy trì sự tồn tại của mình như một thiết chế chính đáng mà không để người dân quay trở lại với trạng thái vô chính phủ trước đây. Do vậy, trong quan niệm của Locke, chỉ có nhân dân mới là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Bởi theo sự luận giải của Locke, nhà nước là do con người thỏa thuận lập nên, do đó, quyền lực của nhà nước không phải là quyền lực tự thân mà là quyền lực được ủy thác và phải chịu sự kiểm soát từ nhân dân. Mục đích hoạt động của nhà nước không gì khác ngoài việc bảo đảm một cách tốt nhất quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, hoạt động của nhà nước không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ một tầng lớp, giai cấp nào trong xã hội, mà nhà nước chính là sự đảm bảo cho chủ quyền của nhân dân, mà trên hết là quyền “tự do, bình đẳng và sở hữu”.
John Locke cũng nhìn thấy một thực tế, trong quá trình hoạt động quyền lực nhà nước có khả năng bị tha hóa, nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực được giao cho những mục đích cá nhân, điều này làm thay đổi mục đích ban đầu của việc thiết lập nhà nước. Từ chỗ nhân dân lập ra nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi người thì giờ đây, nhà nước lại trở thành công cụ để đàn áp nhân dân, khế ước xã hội trở thành phương tiện để hợp pháp hóa sở hữu tư nhân cũng như mọi bất công xã hội khác. Chính khi đó, đòi hỏi người dân phải xoá bỏ đi khế ước xã hội cũ và thiết lập nên một khế ước xã hội mới để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho con người, lúc này, một nhà nước mới sẽ được thiết lập; nhà nước đó sẽ trả lại quyền vốn có của con người cho nhân dân.
Trong quan niệm của John Locke, người dân thông qua khế ước xã hội thiết lập nên xã hội dân sự, và trao cho nhà nước quyền lực để làm
những gì cần thiết để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, quyền lực của nhà nước được giới hạn bởi mục đích mà nó được tạo ra. Quyền lực này không bao giờ được vượt lên trên lợi ích chung của cộng đồng mà luôn phải hướng đến việc bảo đảm tài sản của mọi người dân sống trong nhà nước. Một khi chính quyền lạm dụng quyền lực cũng chính là phản bội lại thẩm quyền của mình, lúc này nhà nước đã tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân và do đó, người dân không còn phải phục tùng nhà nước nữa và có quyền lật đổ chính quyền đó đi, thiết lập lên một chính quyền khác tốt đẹp hơn.
2.2. Quan niệm của John Locke về giới hạn và sự phân chia quyền lực nhà nƣớc
Khác với Hobbes chủ trương tập trung quyền lực tối cao và bất khả phân vào nhà nước. Mong muốn một xã hội tốt đẹp, trong đó các quyền tự nhiên của con người được đảm bảo, người dân tránh được sự lộng quyền của nhà nước từ đó John Locke đưa ra tư tưởng cần phải giới hạn quyền lực của nhà nước. Việc Locke đưa ra quan điểm giới hạn quyền lực nhà nước nhằm phản ánh một thực tế là xã hội thật sự đang đứng trước nhu cầu bức thiết phải xóa bỏ quyền lực chuyên chế để đi đến xây dựng một quyền lực chính trị mới mang tính dân chủ và đảm bảo tốt hơn những quyền lợi chính đáng của người dân.
Locke đưa ra quan niệm cần phải giới hạn quyền lực nhà nước là một đòi hỏi khách quan và phù hợp với sự phát triển của xã hội đương thời lúc bấy giờ. Về mặt lịch sử, đây là sự phát triển tất yếu, chống lại sự chuyên chế của các mô hình nhà nước cực quyền, xây dựng một quyền lực nhà nước mới, có sự kiểm soát. Giới hạn quyền lực cũng tức là nhà nước bị chế ước quyền lực, khi đó quyền lực của nhà nước không còn vô hạn định, mà
nhà nước chỉ có quyền lực trong một phạm vi nhất định được quy định rõ ràng trong luật.
Cơ sở cho việc cần phải giới hạn quyền lực nhà nước không chỉ nằm ở chỗ chống lại sự lạm dụng quyền lực nhà nước mà còn ở chỗ chống lại sự tùy tiện của nhà nước thông qua các hành vi của các quan chức thay mặt nhà nước đảm trách các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Không khẳng định một cách cực đoan như Hobbes rằng bản tính người là ác nhưng Locke cũng nhận thấy một thực tế là con người có lòng tham quyền lực bởi vì khi có quyền lực con người dễ có khả năng buộc người khác phải làm theo những ý muốn đam mê của mình, con người cũng có lúc vì lợi ích cá nhân mà hành động gây tổn hại đến lợi ích của người khác. Như Bertrand Russell từng viết: “Lòng đam mê quyền lực và
lòng đam mê danh vọng là những ước muốn vô hạn định của con người”
[53, tr. 18], khi có quyền lực con người hay có xu hướng lạm quyền. Vì thế, theo Locke nếu quyền lực nhà nước không bị hạn chế, không bị kiểm soát thì hậu quả rõ ràng nhất là sự vi phạm các quyền của con người.
Do vậy, mục đích của việc giới hạn quyền lực nhà nước theo Locke là nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân, quyền con người. Quyền lực nhà nước từ chỗ vô hạn của chế độ chuyên chế nay được giới hạn lại và mọi hoạt động của nhà nước cũng như của các quan chức trong bộ máy nhà nước đều phải tuân theo các quy định của luật pháp. Sở dĩ J. Locke đưa ra lý thuyết này bởi ông đứng trên quan điểm chủ quyền của nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân chính là người lập ra nhà nước và cũng ấn định rằng mọi hoạt động của nhà nước đều phải hướng đến mục đích cao nhất là đảm bảo quyền lợi của người dân sống trong đó. Nhưng người dân không có khả năng và điều kiện giải quyết mọi vấn đề của nhà nước nên buộc phải ủy thác cho những người đại diện tham dự vào bộ máy nhà nước thay mặt cho
họ giải quyết các tranh chấp, cũng như đảm bảo sự an toàn cũng như tính mạng và tài sản của người dân. Do vậy, người được ủy thác đại diện cho người dân phải chịu sự chế ước từ người ủy thác – tức nhân dân. Khi những người được ủy thác hành động không đúng với mục đích ban đầu được giao thì người dân có quyền phế truất họ và lựa chọn những người đại diện khác xứng đáng hơn.
Theo Locke, muốn giới hạn quyền lực nhà nước thì nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền. Mọi thiết chế quyền lực nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Locke thấy được rằng, cần phải vạch ra giới hạn giữa quyền lực nhà nước và quyền tự do của công dân với phương châm: đối với người dân thì cho phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, còn đối với cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Pháp luật của nhà nước phải hướng đến mục tiêu vì con người, vì quyền con người. Đây chính là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm giới hạn quyền lực của nhà nước.
Có thể thấy rằng, toàn bộ lý luận phân quyền của J. Locke đều hướng đến mục đích giới hạn, hạn chế sự tham lam quyền lực, bằng cách tước bỏ những điều kiện hiện thực về mặt nhà nước khả dĩ cho phép sự tham quyền này có cơ sở phát triển.
Trước Locke, T. Hobbes từng mô tả nhà nước như một con quái vật khổng lồ nắm trọn mọi quyền lực tối cao và bất khả chiến bại. Hơn thế nữa, Hobbes còn quan niệm rằng, nhân dân chuyển giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước và bởi vậy, quyền lực nhà nước là tuyệt đối và bất khả phân. Khác với Hobbes, Locke cho rằng, quyền lực nhà nước không thể tập trung trong tay một người mà phải phân chia quyền lực thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền đối ngoại (quyền liên hiệp). Ba quyền này tồn
tại độc lập, không xâm phạm lẫn nhau và có thể kiểm tra lẫn nhau chỉ khi đó nhà nước mới đảm bảo các quyền tự nhiên của con người. Có thể nói thuyết phân quyền là một cống hiến to lớn của J. Locke đối với lý luận chính trị học tư sản.
- Quyền lập pháp
J. Locke cho rằng, một cộng đồng quốc gia thành lập thì việc đầu tiên cần phải làm là thiết lập cơ quan quyền lực lập pháp. Ông xem đây là một quyền lực thiêng liêng và là nền tảng của bất kỳ cộng đồng quốc gia nào. Hơn thế, theo ông, "tuỳ việc quyền lực lập pháp được đặt ở cương vị nào mà hình thức của cộng đồng quốc gia là như thế đó"[30, tr. 180]. Nếu như quyền lực lập pháp nằm trong tay đa số cộng đồng, và việc thi hành các đạo luật này là bởi các quan chức do chính họ bổ nhiệm thì đó là một nền dân chủ hoàn hảo. Nếu như quyền lực này nằm trong tay một số ít người được lựa chọn và những người thừa kế của họ thì đó là chính thể đầu sỏ. Còn nếu như quyền lực này được giao trọn cho một người, thì đó là một nền quân chủ. Khi quyền lực được dành cho ông ta và những người thừa kế của ông ta, đó là nền quân chủ cha truyền con nối. Còn khi nó được dành cho ông ta trọn đời nhưng vào lúc ông ta chết đi, quyền đề cử một người kế vị trở về với số đông nhân dân, thì đó là nền quân chủ tuyển cử. Và từ những chính thể này mà cộng đồng quốc gia có thể tạo sự kết hợp hoặc hỗn hợp giữa các hình thức chính quyền, theo như cách họ cho là tốt nhất. Bởi vậy, Locke cho rằng “Luật xác thực đầu tiên và là nền tảng của mọi cộng đồng quốc gia, là việc thiết lập quyền lực của cơ quan lập pháp, cũng như là luật tự nhiên đầu tiên và làm nền tảng để cai quản ngay cả chính cơ quan lập pháp, là sự bảo toàn của xã hội và của mỗi cá thể trong đó” [30, tr. 183]. Cơ quan lập pháp có quyền tối cao và được xem là linh hồn trong
toàn bộ hệ thống chính trị, là cơ sở để mọi công dân có thể xác định được giới hạn, phạm vi quyền lực của mình.
Theo Locke, cơ quan lập pháp là cơ quan quyền lực cao nhất, hơn nữa còn là quyền lực thiêng liêng và không thể bị hoán đổi một khi cộng đồng đã đặt nó vào vị trí đó. Sở dĩ như vậy là bởi cơ quan này chính là quyền lực của nhân dân, do nhân dân chuyển nhượng thông qua khế ước xã hội. Cơ quan quyền lực lập pháp được tạo thành từ những đại biểu do nhân dân lựa chọn và là cơ quan duy nhất có quyền làm ra luật. Locke khẳng định: “Cơ quan lập pháp này không những là quyền lực tối cao của cộng đồng quốc gia, mà còn là quyền lực thiêng liêng và không thể hoán đổi một khi cộng đồng đã đặt nó vào cương vị đó, mà cũng không thể có bất kỳ sắc lệnh nào – của bất kỳ cơ quan nào, dù có được hình dung ra dưới hình thức nào, hay dù có được sự hậu thuẫn của quyền lực nào – mà có được sức mạnh và nghĩa vụ của một luật định, khi mà sắc lệnh đó vốn không có sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp mà công chúng đã chọn và chỉ định” [30, tr. 183]. Và “cơ quan quyền lực lập pháp là nơi có quyền vạch nên đường hướng mà sức mạnh của cộng đồng quốc gia sẽ được sử dụng như thế nào cho việc bảo toàn cộng đồng và các thành viên của nó” [30, tr. 199]. Tiếp tục tư tưởng này, Rousseau đã ví quyền lập pháp là trái tim của quốc gia,
quyền hành pháp là bộ não làm cho các bộ phận hoạt động. Bộ não có lúc bị tê liệt mà người vẫn còn còn sống được một cách đần độn, nhưng khi trái tim ngừng đập thì con người chết ngay lập tức. Nhà nước tồn tại không do các đạo luật mà do quyền lập pháp. Điều này thể hiện sự đánh giá rất cao của Locke cũng như các nhà pháp quyền sau này đối với cơ quan lập pháp.
Tuy nhiên, cơ quan lập pháp muốn trở thành “chủ quyền tối cao” thì phải đứng trên lập trường ý chí chung của tất cả các thành viên trong xã hội. Bởi sức mạnh mà cơ quan này có được chính là từ sự ủy thác quyền
lực của nhân dân, do nhân dân chuyển nhượng vì thế nó không được vượt qua giới hạn và đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhân dân thông qua quyền lực của cơ quan lập pháp để xây dựng lên hệ thống pháp luật, đó là những quy tắc chung cho xã hội, đại diện cho ý chí của cộng đồng. Luật pháp do nó ban hành phải hướng đến sự bảo toàn của xã hội và mỗi cá thể trong đó.
Cơ quan lập pháp có quyền lực tối cao nhưng quyền lực ấy không phải là vô hạn mà nó bị giới hạn trong những điều kiện nhất định sau:
Thứ nhất, nó không phải và cũng không thể là quyền lực độc đoán, chuyên chế đặt trên cuộc sống, vận mệnh của nhân dân, vì sự tồn tại của nó chỉ là một quyền lực liên kết các thành viên trong xã hội đã nhường lại cho một cá nhân hay Nghị viện đóng vai trò là nhà lập pháp. Nhân dân đã trao quyền cho cơ quan lập pháp nhằm mục đích bảo toàn sự sống và sở hữu của mình do vậy, mục đích hoạt động của cơ quan lập pháp không có gì khác ngoài việc bảo đảm những lợi ích thiết thực của nhân dân. Hơn nữa, dù đã chuyển sang xã hội công dân nhưng luật tự nhiên vẫn tồn tại và “có giá trị như một quy tắc vĩnh cửu đối với mọi người, đối với nhà lập pháp”
[30, tr. 187]. Con người trong trạng thái tự nhiên không thể xâm hại đến tính mạng và tài sản của người khác, nếu như đó không phải là sự trừng phạt thích đáng với những gì người đó đã gây ra cho mình, vậy nên cơ quan lập pháp - thứ quyền lực có được từ tổng số tất cả những quyền tự nhiên được uỷ thác từ các cá nhân trong cộng đồng, cũng không thể có